Vì sao chậm triển khai nghị quyết về giao thông nông thôn?
Tại phiên họp sáng ngày 7/7, HĐND tỉnh đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các nội dung chất vấn do thủ trưởng 4 sở, ngành trả lời trực tiếp tại kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa XI. Trong số 3 nội dung chất vấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Tấn Lê đã trả lời trực tiếp các nội dung liên quan đến đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh, đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 89/2015/NQ-HĐND tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Phong trào làm giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, được nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng. Do đó, để phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 26/10/2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/11/2021 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh cho biết lý do vì sao chậm triển khai? Trách nhiệm thuộc về cơ quan, cá nhân nào? Giải pháp thực hiện trong thời gian đến?
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Tấn Lê trả lời chất vấn (ảnh: N. Lân)
Trả lời về nội dung này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Ngày 31/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3727/QĐ- UBND về phê duyệt Đề án tiếp tục phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Phê duyệt kế hoạch vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương để đầu tư xây dựng các công trình theo đề án trong năm 2022. Đây là công trình có sử dụng vốn ngân sách, do đó việc bố trí nguồn vốn thực hiện phải tuân thủ đầy đủ trình tự thủ tục đầu tư công. Trên cơ sở tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 889/QĐ- UBND phân khai chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 nguồn vốn ngân sách tỉnh (lần 2). Trong đó, đề án giao thông nông thôn được bố trí 40 tỷ đồng. Đồng thời, ban hành quy định hướng dẫn về quy mô, giải pháp thiết kế mẫu, đơn giá xây dựng các loại mặt đường và cống thoát nước thuộc đề án.
Để triển khai thực hiện đề án được đồng bộ, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng thiết kế mẫu và đơn giá với tất cả 73 loại thiết kế mẫu được bổ sung phần bản vẽ, lập dự toán, đơn giá. Tuy nhiên, qua kiểm tra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải cần lập đầy đủ bảng tổng hợp đơn giá xây dựng các loại mặt đường và cống thoát nước thuộc đề án để cung cấp cho Sở Xây dựng có ý kiến thẩm định. Đồng thời xem xét điều chỉnh nội dung, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định… Hiện nay, Văn phòng UBND tỉnh đang trình lấy ý kiến của các thành viên UBND tỉnh trước khi tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
Đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh (ảnh: M. Vân)
Về phần trả lời chất vấn của Sở Giao thông Vận tải, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh thêm, việc chậm triển khai Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND là do nhiều nguyên nhân. Cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng cần có thời gian để thực hiện đầy đủ các khâu, các bước theo quy định. Trong đó, lấy ý kiến các địa phương, đơn vị trước khi ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện đề án.
Đồng thời, ban hành hướng dẫn về quy mô, giải pháp thiết kế mẫu đơn giá xây dựng các loại mặt đường và cống thoát nước thuộc đề án. Mặt khác, thực tế hiện nay tại một số địa phương, có một số tuyến đường đã được phê duyệt dự toán. Trước thực trạng giá vật liệu xây dựng hiện nay tăng so với giai đoạn trước, nên có khả năng chi phí xây dựng của mỗi tuyến đường giao thông nông thôn sẽ tăng so với các năm trước. Do đó, cần tổng hợp các dự án đã phê duyệt dự toán theo định mức giai đoạn 2016 - 2020 và đã thu tiền của nhân dân nhưng chưa thực hiện để tính toán lại theo đơn giá, định mức mới của giai đoạn 2021 – 2025. Từ đó xác định tổng mức của từng công trình, tỷ lệ đóng góp từ ngân sách nhà nước, tỷ lệ đóng góp của nhân dân theo quy định, công khai cho nhân dân địa phương nơi xây đường giao thông nông thôn biết và vận động nhân dân thực hiện.
Để khẩn trương triển khai Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh đạt hiệu quả, chất lượng, chủ tọa kỳ họp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương triển khai đề án đạt hiệu quả. UBND các cấp tăng cường quản lý nhà nước, thường xuyên kiểm tra hướng dẫn việc triển khai thực hiện, giám sát, đảm bảo chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ nguồn kinh phí, công khai, minh bạch đúng quy định. Tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, tiêu cực trong thực hiện công trình, dự án. Đồng thời, chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ đối với các công trình hạ tầng giao thông đã được đầu tư.
Nội dung trả lời của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải và kết luận của chủ tọa kỳ họp nhận được sự đồng tình, thống nhất của các đại biểu HĐND tỉnh và không có ý kiến chất vấn bổ sung.