Vì sao Amazon Nhật bị tố cư xử thiếu công bằng với nhà cung cấp?

Các nhà kinh doanh thường được khuyên là phải cố gắng 'chiều' Amazon.

Ảnh: Nikkei

Trong ngày thứ Năm, các điều tra viên chống độc quyền đã lục soát văn phòng của Amazon tại Nhật bởi những nghi vấn hãng bán lẻ trực tuyến này đang buộc nhà cung cấp phải chia sẻ chi phí để chạy những chương trình giảm giá trên hệ thống của Amazon.

Tuy nhiên, việc xác định được rõ ràng rằng Amazon có thực sự có những hành vi thiếu công bằng với nhà cung cấp hay không hoàn toàn không hề đơn giản, theo khẳng định của Nikkei trong bài báo mới đây.

Theo một số nguồn tin, bắt đầu từ năm ngoái, Amazon Nhật đã yêu cầu các bên kinh doanh hàng hóa phải hợp tác để đưa ra một số chương trình giảm giá đối với nhiều loại hàng hóa sản phẩm bán trên trang của hãng. Mức phí nhà cung cấp trả cho Amazon có thể dao động từ vài phần trăm đến vài chục phần trăm giá trị món hàng.

Ủy ban thương mại Nhật Bản (FTC) tin rằng hãng Amazon tại nước này đã lạm dụng vị thế áp đảo trên thị trường của công ty để buộc các nhà cung cấp phải “nghe lời”, nếu không họ sẽ không còn được tiếp tục kinh doanh trên Amazon.

Amazon Nhật, chi nhánh tại Nhật Bản của "ông lớn" bán hàng trực tuyến có trụ sở tại Mỹ, cho biết công ty sẽ hoàn toàn tuân thủ với các yêu cầu của nhà chức trách. Nếu Amazon Nhật bị phát hiện có những hành vi không công bằng, Amazon có thể sẽ phải nộp phạt số tiền tương đương 1% giá trị các giao dịch với các bên bị xâm hại quyền lợi trong vòng đến 3 năm.

Luật sư chuyên về vấn đề chống độc quyền, ông Koya Uemura, nhận định để có thể quyết định được rằng Amazon Nhật có nói dối hay không, điều quan trọng nhất chính là tìm hiểu được xem liệu bên đối tác có bị đưa vào tình thế bất lợi hay không.

Một luật sư khác trong khi đó lại cho rằng thường FTC hay đồng thuận với những lời cáo buộc chống độc quyền. “Nếu Amazon không thể chứng minh được rằng các đối tác kinh doanh sẽ không gặp bất lợi gì nếu không chấp nhận các thỏa thuận về giảm giá mà Amazon đưa ra, chắc chắn FTC sẽ coi nó như một hành vi vi phạm”.

Amazon Nhật bản đang dính bê bối. Ảnh: Phys.org

Đây không phải lần đầu tiên các giao dịch tại Amazon Nhật chịu chỉ trích. Đối với một số nhà kinh doanh, họ không thấy lạ khi nghe thấy điều này.

Điều hành cao cấp tại một công ty bán buôn các sản phẩm hàng ngày chia sẻ: “Tôi cũng biết rồi cũng sẽ đến ngày có chuyện này dù tôi không biết giải pháp sẽ là gì”.

Các quy định về cạnh tranh mà FTC Nhật áp dụng cho đến nay không tính toán trước được về sự trỗi dậy của mạng Internet hay Amazon Nhật. Amazon Nhật sử dụng hệ thống của mình để thu gom được rất nhiều dữ liệu về người dùng nhằm nâng cao tiện ích và nâng cấp trải nghiệm của người dùng.

Cùng lúc đó, nhiều công ty đang làm việc với Amazon Nhật vốn đã chịu nhiều khó khăn. Nếu Amazon Nhật bất ngờ không hài lòng với một nhà kinh doanh nào đó, Amazon Nhật có thể hủy hợp đồng đơn phương, nhà kinh doanh kia mất đi một khách hàng quan trọng. Vì thế các nhà kinh doanh thường được khuyên là phải cố gắng “chiều” Amazon.

Vụ việc điều tra chống lại Amazon Nhật không khỏi khiến người ta nhớ lại những lùm xùm xung quanh loại “phí trung tâm” được áp dụng cách đây khoảng 2 thập kỷ. Khi đó, các nhà bán lẻ đã muốn các nhà sản xuất và bán buôn trả phí để bù cho chi phí vận chuyển.

Tình trạng thiếu lao động và chi phí vận tải tăng cao khiến khoản phí này được đưa ra tranh cãi rất nhiều. Điều khiến các cuộc tranh luận trở nên rắc rối hơn chính là việc nhà bán lẻ đã không thể đưa ra được căn cứ tính toán về khoản phí trung tâm nói trên.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/vi-sao-amazon-nhat-bi-to-cu-xu-thieu-cong-bang-voi-nha-cung-cap-3440018.html