Vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng
Khát vọng về một Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu chưa bao giờ lại thôi thúc mạnh mẽ như bây giờ, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội bứt phá hiếm có cho mỗi quốc gia, dân tộc. Có khát vọng, có ý chí và bắt đầu từ những việc nhỏ trong từng lĩnh vực với tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự sẽ là chìa khóa để Việt Nam viết lên một tương lai mới, tươi sáng, cường thịnh. Báo ANTĐ lược ghi ý kiến của đại diện nhiều ngành nghề, lĩnh vực… để thấy rằng, cả nước đang bừng bừng một khí thế đổi mới, sáng tạo, đưa đất nước tiến lên.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Chuyển đổi số là lựa chọn không thể thay thế
“Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Nếu chúng ta coi mục tiêu của chuyển đổi số là phát triển quốc gia hùng cường, động lực của chuyển đổi số là thể chế, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì tiền đề của chuyển đổi số chính là an toàn, an ninh không gian mạng. Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường thì Việt Nam phải là cường quốc về an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho quá trình này, tạo niềm tin số cho mọi người. Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hóa các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển đổi số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực, từng tổ chức. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ.
Ba mươi năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho Việt Nam trong các thập kỷ tới. Thế hệ chúng ta đang đứng trước những cơ hội vô giá trong sứ mệnh đưa đất nước phồn vinh hùng cường. Tôi rất mong các bạn cùng các doanh nghiệp của mình hãy cùng kề vai sát cánh, mạnh mẽ đột phá vươn lên, để dân tộc Việt Nam chúng ta sớm được sánh ngang với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi”.
(Lược ghi phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn cấp cao về Công nghệ thông tin - truyền thông năm 2019)
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư: Tập trung đầu tư cho đổi mới, sáng tạo
“Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả và đồng hành của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Hà Nội trong việc tổ chức các hoạt động để đẩy mạnh hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tập trung vào 3 chương trình hành động chính.
Thứ nhất, khơi thông nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Sự kiện Vietnam Venture Summit 2019 được tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đầu tháng 6-2019 đánh dấu mốc quan trọng khi đã có 18 quỹ đầu tư trong và ngoài nước cam kết đầu tư 425 triệu USD (tương đương 10.000 tỷ đồng) cho các start-up Việt Nam trong 3 năm 2019 - 2021.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghệ. Năm 2018, Bộ KH&ĐT đã khởi xướng, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Hà Nội để thành lập Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm kêu gọi những chuyên gia công nghệ, trí thức người Việt trên khắp thế giới về Việt Nam, chung tay nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường.
Thứ ba, một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo là mục tiêu Bộ KH&ĐT đang quyết liệt triển khai thực hiện với việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích thế hệ trẻ của thành phố phát triển tư duy sáng tạo, hoài bão và tham vọng để theo đuổi thực hiện ước mơ của mình”.
(Lược ghi phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội năm 2019)
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường phổ thông Lê Quý Đôn, Hà Nội: Muốn Việt Nam hùng cường, giáo dục phải thổi bùng được ngọn lửa đổi mới
Gắn bó với giáo dục nhiều năm nay, là một người thầy tôi luôn mong muốn đem lại những phương thức giáo dục có thể đem lại những thay đổi tích cực đối với từng học sinh của riêng trường tôi và nếu được thì có thể lan rộng ra các trường bạn. Nếu hỏi giáo dục đã đáp ứng yêu cầu của một Việt Nam hùng cường hay chưa thì tôi phải thừa nhận rằng, điều này vẫn còn cả một quãng đường kiên trì tiếp tục đổi mới. Làn sóng đổi mới trước những đòi hỏi, thúc bách từ cuộc sống đang âm ỉ trong mỗi trường lớp. Những đốm lửa này cần tiếp sức, cần hỗ trợ để có thể bùng cháy, đem đến những đột phá để có được một tương lai Việt Nam hùng cường.
Những năm gần đây, bên cạnh sự ổn định của khối giáo dục công lập thì không thể phủ nhận vai trò và sự định hình, khẳng định thương hiệu của nhiều trường ngoài công lập. Họ năng động, tích cực đổi mới, dám ứng dụng những công nghệ, phương thức giáo dục mới, hiện đại của các nước góp phần thúc đẩy sự tiến bộ nói chung của học sinh và nền giáo dục trong nước.
Đã đến lúc không thể cứ tự bằng lòng với cách dạy, cách làm truyền thống. Giáo dục đang phải tiên phong đổi mới để có một nguồn lực đủ sức mạnh, được trang bị đầy đủ nhất phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời đại công nghiệp 4.0 và còn xa hơn nữa. Muốn vậy, tôi cho rằng điểm xuất phát quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên đủ mạnh, đủ phẩm chất, đạt chuẩn một cách thực chất. Từ đó, học sinh được học tập trong môi trường cơ sở vật chất tốt, phương pháp dạy học phù hợp với hướng cá nhân hóa, phát huy năng lực tối ưu trên cơ sở cập nhật nền kiến thức văn hóa, xã hội, tự nhiên luôn được cập nhật bởi đội ngũ nhà giáo tâm huyết, năng động. Tôi vẫn luôn trông đợi vào bước đột phá của giáo dục để đảm bảo một tương lai vững chắc của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội: Thanh niên là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế, xã hội
Nhận định về vai trò của thanh niên trong việc hiện thực hóa “giấc mơ” Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho hay, trong suốt tiến trình phát triển, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đặt niềm tin và sự kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã khẳng định: Thanh niên là lực lượng xung kích trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ phát triển. Thanh niên là lực lượng trẻ có khát vọng, có trí tuệ, nhanh nhạy tiếp cận với công nghệ mới, năng động, sáng tạo. Đó là những đặc tính quan trọng, là tiền đề để người trẻ bước vào cuộc cách mạng 4.0. Để phát huy khả năng sáng tạo, dám nghĩ dám làm của thanh niên, thời gian vừa qua, Chính phủ đã dành nhiều ưu đãi, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp làm giàu cho bản thân từ đó tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh kinh tế gay gắt cả trong khu vực và trên thế giới, để nắm bắt được các cơ hội người trẻ phải có trách nhiệm tham gia một cách tích cực có hiệu quả vào quá trình thực hiện các mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế. Muốn tiếp cận được những nội dung của cách mạng công nghiệp 4.0, đoàn viên thanh niên phải thay đổi tư duy, đặc biệt nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học để từng bước tiếp cận, tìm hiểu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng: Phải biết nhìn vào hạn chế để tìm ra lời giải cho kinh tế đất nước
Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã đi một bước rất xa, nhảy một bước rất cao, từ một nền kinh tế mà GDP đầu người chỉ vài chục USD/người/năm, cho đến nay đã đạt gần 2.600 USD/người/năm. Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đạt đến 6 - 7%, là một trong những nước tăng trưởng kinh tế hàng đầu châu Á. Nhưng khởi phát điểm của chúng ta là một đống đổ nát của chiến tranh, nên dù ta đang chạy rất nhanh song sức khỏe, quy mô nền kinh tế so với các nước xung quanh vẫn còn hạn chế. Chúng ta vẫn ở sau nhiều nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Riêng về hệ thống ngân hàng, chúng ta cũng mới phát triển trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây. Trước đó, năm 1991 khi tôi về Việt Nam lần đầu tiên, hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ như những “cửa sổ phát tiền” của Bộ Tài chính. Từ xuất phát điểm đó, đến nay chúng ta đã có hơn 100 tổ chức tín dụng tương đối hiện đại, như vậy ta cũng đã đi được rất xa rồi.
Nhưng nếu so với các nước xung quanh thì vẫn còn đi sau rất nhiều. Nó thể hiện ở những điểm như: quy mô các tổ chức tín dụng còn nhỏ, cách quản trị còn rủi ro, lạc hậu, đặc biệt nợ xấu còn lớn… Ngoài ra, rất nhiều sai phạm, đại án trong lĩnh vực ngân hàng, những vụ lừa đảo tài chính thời gian vừa qua cho thấy việc thực thi pháp luật còn hạn chế và dân trí của người dân về tài chính còn rất thấp. Chúng ta đang nhìn thấy những báo cáo tài chính rất đẹp mắt từ các ngân hàng, nhưng thật tâm mà nói, nếu chúng ta cứ vẽ lên một bức tranh màu hồng mà không can đảm nhìn vào những chấm đen, những mảng xám thì chúng ta chỉ đang tự ru ngủ mà thôi. Bởi vậy, muốn cất cánh, muốn hội nhập, theo tôi trước tiên chúng ta phải nhìn vào những hạn chế đó, tìm ra lời giải cho những bài toán đó.