Vì mình, vì cộng đồng!

Trong tiết xuân đầu năm, khi cây lá đang cựa mình đâm chồi, nảy lộc, nhân dân cả nước cũng hăng hái hưởng ứng 'Tết trồng cây' do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Không chỉ là trồng cây bóng mát, cây tạo cảnh quan đô thị, mà còn cả cây phục vụ phát triển kinh tế, cây lấy gỗ, cây ăn quả...

Ngoài mục đích phát triển kinh tế, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, xã hội, trồng cây, “Tết trồng cây” còn giúp mỗi người thấm nhuần thêm về bài học “vì mình, vì cộng đồng”, đặc biệt là với thanh, thiếu niên.

Không phải vô cớ, nhiều địa phương thường chọn trường học là nơi phát động “Tết trồng cây” và học sinh, sinh viên cũng luôn là lực lượng đông đảo tham gia các lễ hưởng ứng. Việc làm này góp phần định hướng, giúp trẻ có ý thức trách nhiệm với những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất là trồng, bảo vệ, chăm sóc cây xanh.

Người xưa có câu “trẻ trồng na, già trồng chuối”. Hiểu đơn giản là cây na chậm cho hoa trái, phù hợp với người trẻ có thời gian trồng chăm sóc, còn với người già, quỹ thời gian có hạn thì trồng cây chuối nhanh cho thu hoạch.

Nhưng suy nghĩ thêm, dường như còn hàm chứa lời nhắc nhở mỗi người trẻ cần có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, dung dưỡng cẩn thận để cây cho trái ngọt cũng như cần xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện, năng lực bản thân. Trên thực tế thì loại cây nào cũng vậy. Nếu chỉ trồng mà không bảo vệ, có chế độ chăm sóc phù hợp sẽ không thể phát triển, cho kết quả mong đợi.

Cây của nhà trồng đã vậy, cây trồng ở nơi công cộng, lấy bóng mát, phục vụ cộng đồng thì càng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn, không chỉ cơ quan hữu trách mà còn của mỗi người dân. Đáng mừng là qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, phong trào trồng cây, hoa tạo cảnh quan, cải thiện môi sinh đã và đang được lan tỏa, nhân rộng nhiều nơi. Những “tuyến đường nở hoa” xuất hiện ngày càng nhiều.

Không chỉ người cao tuổi, phụ nữ mà lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia nhận phụ trách, bảo vệ, chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường ngày càng nhiều lên. Dư luận cũng đặc biệt quan tâm, lập tức có ý kiến lên án những hành vi phản cảm, làm tổn hại thảm cỏ, cây xanh, nhất là khi diễn ra sự kiện chỗ đông người. Tục “hái lộc” đầu xuân cũng đang dần biến mất trong đời sống xã hội...

Điều đó cho thấy tinh thần “vì cộng đồng” đã được nâng lên rõ rệt. Tin rằng, tinh thần đó sẽ tiếp tục lan tỏa, nhân lên mạnh mẽ không chỉ trong dịp “Tết trồng cây”.

Mai Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/958574/vi-minh-vi-cong-dong