Vì đâu giới xuất bản Trung Quốc 'ngại' sách Mỹ?

Các nhà xuất bản sách tại Trung Quốc đang thận trọng hơn trong lưu hành các tựa sách liên quan tới Mỹ, trong bối cảnh cạnh tranh song phương leo thang.

Giới chức trách và xuất bản ở Trung Quốc đang có thái độ thận trọng hơn trước các đầu sách liên quan tới Mỹ - Ảnh: Thư viện Tân Hải ở Thiên Tân, Trung Quốc. (Nguồn: Time)

Thống kê cho thấy năm 2022, cơ quan quản lý xuất bản Trung Quốc đã phân loại và cho phép lưu hành 1.960 đầu sách về Mỹ.

Có thể thấy, kể từ năm 2018, con số này đã liên tục suy giảm và chỉ còn một nửa so với 5 năm về trước.

Vừa qua, nước này được cho là đã đình chỉ hoặc trì hoãn phê duyệt sách của nhiều cây bút Mỹ nổi tiếng, bao gồm Michael Lewis. Dù bán chạy ở phương Tây, song cuốn Điềm báo: Câu chuyện về Đại dịch (The Premonition: A Pandemic Story) của tác giả này lại không tìm được nhà xuất bản nào tại Trung Quốc.

Tại sao lại có câu chuyện này?

Thay đổi bất ngờ

Các tác giả Mỹ, từ học giả đến lãnh đạo doanh nghiệp, từ lâu đã phổ biến với những độc giả Trung Quốc mong muốn tìm hiểu về nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Ông James Wu, một nhà xuất bản ở Bắc Kinh từng làm việc với Citic Press Group (CPG) - nhà xuất bản sách kinh doanh và sách phi hư cấu lớn nhất Trung Quốc - cho biết vào giữa những năm 2010, các công ty xuất bản của đất nước châu Á muốn phát hành “hầu như mọi đầu sách” bán chạy trên The New York Times (Mỹ).

Ông bình luận: “Sự quan tâm tới các đầu sách bán chạy của tác giả Mỹ đã từng lớn tới mức CPG sẵn sàng trả trước chi phí cho hàng chục nghìn ấn bản”.

Tuy nhiên, theo lời một cựu biên tập viên của CPG, phi vụ này đã bất ngờ chấm dứt khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra vào năm 2019, với đơn vị quản lý Trung Quốc ngừng cấp mã số cần thiết cho công tác xuất bản sách Mỹ trong 6 tháng.

Trong năm đó, số lượng đầu sách liên quan hoặc có tác giả Mỹ được xuất bản chỉ còn 2.777, so với 4.213 của năm 2018. Ông Wu nói rằng có thời điểm, các tác phẩm văn học của đại văn hào Mark Twain thậm chí còn không được xuất bản.

Theo cựu biên tập viên CPG, dù Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm, nhưng hiện các đầu sách Mỹ phải mất 2 tháng mới được cơ quan quản lý Trung Quốc cho phép xuất bản, lâu hơn 4 lần so với sách từ các nước khác. Các nhà xuất bản cũng cảnh giác trong lưu hành những đầu sách liên quan đến Mỹ do người Trung Quốc viết.

“Nhìn chung, thị hiếu của độc giả Trung Quốc đã có sự thay đổi về các vấn đề liên quan tới Mỹ. Phần nhiều trong số đó xuất phát từ yếu tố địa chính trị”. (Bà Jo Lusby, đồng sáng lập Pixie B, công ty tư vấn tại Hong Kong (Trung Quốc) chuyên hỗ trợ nhà xuất bản tại đại lục tiếp cận sách Mỹ)

Về phần mình, dù hâm mộ những cuốn sách lịch sử đoạt giải Pulitzer, ông Wu có thể không xuất bản chúng vì các giá trị Mỹ này “không phù hợp với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, một số đầu sách phi chính trị cũng rơi vào “tầm ngắm”. Một học giả tại Thượng Hải than phiền ông không tìm được nhà xuất bản địa phương để phát hành cuồn sách về ngành dịch vụ tài chính Mỹ của mình.

Trong khi đó, một học giả dự định phát hành sách ở Hong Kong (Trung Quốc), nơi được cho là “thoáng” hơn về các quy định xét duyệt, xuất bản các ấn phẩm, chia sẻ rằng: “Sách của tôi thiên về kỹ thuật, nhưng nhà xuất bản trong nước vẫn nói không, bởi họ sợ cơ quan quản lý không thích các chủ đề liên quan đến Mỹ”.

Một số nhà biên tập cho biết cơ quan quản lý không vạch rõ lằn ranh đỏ để dễ dàng kiểm duyệt hơn. Cựu biên tập viên CPG nói: “Giới xuất bản Trung Quốc đã thận trọng hơn với sách Mỹ để tránh rủi ro hay biến cố”.

“Vũ khí mới”?

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý xuất bản nước này lại thúc đẩy phát hành đầu sách có nội dung chỉ trích Mỹ. Đây là khác biệt lớn so với nhiều năm trước, khi các tác phẩm về văn hóa và du lịch Mỹ luôn đứng đầu danh sách khuyến đọc của họ.

Hai tác phẩm được giới thiệu mới đây là Căn bệnh của chúng ta: Bài học về tự do từ nhật ký bệnh viện (Our Malady: Lessons in Liberty from a Hospital Diary) của tác giả Timothy Snyder và Nhiều hơn chưa chắc tốt hơn: Vượt qua ám ảnh của nước Mỹ với hiệu quả kinh tế (When More Is Not Better: Overcoming America’s Obsession with Economic Efficiency) do Roger Martin chắp bút.

Độc giả Trung Quốc tại cửa hàng sách Zall ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc tháng 4/2020. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Theo các nhà xuất bản, mọi thứ bắt đầu 4 năm trước, khi CPG nhận được sự hỗ trợ để xuất bản Chiếc bẫy Mỹ (The American Trap). Cuốn sách nói về “cuộc chiến kinh tế bí mật của Mỹ chống lại phần còn lại của thế giới” của cựu giám đốc công ty Alston, người sau đó đã bị Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt vì tham nhũng.

Theo ông Wu, đây là một cột mốc quan trọng cho hợp tác giữa cơ quan quản lý và nhà xuất bản Trung Quốc liên quan đến các ấn phẩm về Mỹ.

Tuy nhiên, khó khăn là vậy, song các nhà xuất bản vẫn tìm thấy tiềm năng trong một số tựa sách Mỹ. Bà Lusby nhận định việc cuốn Giáo dục (Educated) của tác giả Tara Westover đã bán được hơn 1 triệu bản kể từ khi ra mắt tại Trung Quốc cuối năm 2019, chứng minh rằng các tác phẩm Mỹ vẫn có khả năng thành công.

Bà cho biết: “Một mặt, giới xuất bản sẽ tránh xa các tựa sách bị chính phủ chú ý. Mặt khác, còn đó nhiều tựa sách thú vị và không gây tranh cãi từ Mỹ. Tôi cho rằng chúng sẽ vẫn được độc giả Trung Quốc đón nhận”.

(theo Financial Times)

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-dau-gioi-xua-t-ba-n-trung-quo-c-ngai-sa-ch-my-226594.html