Vết sẹo khó lành của người dân Vũ Hán

Đã gần một năm trôi qua nhưng những ký ức về khoảng thời gian bị cô lập vì dịch Covid-19 vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người dân từng sống tại thành phố Vũ Hán.

Rạng sáng 23/1, giới chức Trung Quốc ban hành lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc vì một căn bệnh “viêm phổi lạ”, về sau được gọi là Covid-19.

“Ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu tôi khi nghe tin là: ‘Làm sao có thể cô lập một thành phố được chứ?’”, ông Joshua Koh trú tại Vũ Hán nói với CNA. “Ai cũng lo ngại về những diễn biến tiếp theo và sự an toàn của mọi người”.

Đảo lộn vì lệnh phong tỏa

Vợ ông Koh là bà Kay Lin Lee kể lại rằng sau khi nghe thông báo, nhiều người đã lái xe rời thành phố trước khi lệnh phong tỏa Vũ Hán có hiệu lực.

Ông bà Koh là người Singapore, có 4 người con trai và đã chuyển đến Vũ Hán được 7 năm.

“Lúc nghe thông báo, một loạt câu hỏi mơ hồ xuất hiện trong tâm trí tôi: Chúng tôi sẽ mua thức ăn bằng cách nào? Lấy nước ra sao? Nếu lỡ ốm thì sẽ được chăm sóc y tế như thế nào?”, bà Lee nói.

Gia đình ông Joshua Koh và bà Kay Lin Lee. Ảnh: CNA.

Thời điểm đó, gia đình ông Koh đứng trước quyết định khó khăn: trụ lại Vũ Hán hoặc trở về Singapore bằng chuyến bay cứu trợ.

Theo ông Koh, ban đầu gia đình 6 người dự định ở lại để đảm bảo công việc mà hai ông bà đảm nhận ở trường quốc tế địa phương không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, khi tình trạng phong tỏa kéo dài, cả nhà quyết định lên chuyến bay sơ tán thứ hai được tổ chức để về Singapore vào tháng 2.

“Thật đau lòng khi phải rời đi trong khi nhiều người khác buộc phải ở lại”, ông Koh nói. “Như thể chúng tôi đang bỏ rơi họ. Cảm giác đó rất thực và rất đau. Tôi nghĩ nó đã để lại một vết sẹo sâu trong tâm khảm tôi”.

Bà Lee nói rằng gia đình họ rời đi vì lo ngại nếu bị ốm sẽ trở thành gánh nặng cho hệ thống y tế của Vũ Hán, vốn đã chịu nhiều sức ép và quá tải.

“Khi có mặt ở sân bay, tôi thấy hành khách nối đuôi nhau xếp thành hàng dài. Rủi ro phơi nhiễm virus rình rập ngay bên cạnh chúng tôi”, bà Lee kể lại. “Thời điểm hạ cánh ở Singapore làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều”.

Gia đình ông Koh có mặt tại sân bay Singapore sau chuyến bay sơ tán từ Vũ Hán. Ảnh: CNA.

Vào tháng 10, gia đình ông Koh quay lại thành phố Vũ Hán. “Cuộc sống đã bình thường trở lại. Nhưng thực tế không phải vậy, vì ai cũng cảm nhận được rằng có điều gì đó đã đổi khác”, ông Koh ngụ ý về việc người dân luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài và nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa.

Giờ đây, gia đình 6 người từ Singapore xem Vũ Hán là nhà. Họ tránh những nơi đông đúc như trung tâm thương mại, dành nhiều thời gian ở nhà hoặc đến các không gian mở như công viên. Do quy định hạn chế đi lại, việc quay về Singapore vẫn còn bỏ lửng đối với gia đình Koh.

Cố quên nhưng không thể

Đối với nhiều bệnh nhân Covid-19, năm 2020 đã trở thành ký ức khó tả trong tâm trí họ. Thậm chí, một số người như bà Jin, 42 tuổi, chỉ mong bản thân có thể quên đi những gì đã xảy ra với mình trong năm 2020.

Bà Jin trú tại Vũ Hán, ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Người phụ nữ 42 tuổi yêu cầu giữ kín danh tính.

Vào khoảng tháng 1, sau khi trở về Vũ Hán từ quê nhà ở tỉnh Hà Nam để tham dự Lễ hội mùa xuân, bà Jin có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Lễ hội mừng năm mới ở Trung Quốc thường bao gồm nhiều sự kiện tụ tập đông người, làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh Covid-19. Ảnh: Getty.

Các triệu chứng của bà Jin tương đối nhẹ. Do đó, mối bận tâm lớn nhất của người phụ nữ 42 tuổi là liệu bà có vô tình lây bệnh cho con trai và cha mẹ của mình hay không.

“Rõ ràng là tôi cảm thấy rất tệ vào thời điểm đó, nhưng sau tự trấn an rằng bản thân sẽ không xui xẻo đến mức mất mạng vì Covid-19, dù tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý cho điều đó”, bà Jin kể lại. “Miễn là con trai và cha mẹ tôi đều ổn là được”.

Những nỗi lo lắng của bà Jin may mắn không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, chuỗi ngày khó khăn của người phụ nữ đến từ tỉnh Hà Nam vẫn kéo dài ngay cả khi bà đã xuất viện.

Theo đó, khi quay lại nhà bố mẹ đẻ ở Hà Nam, bà Jin vấp phải sự phản đối từ hàng xóm và thậm chí cả người thân. Họ lo ngại bà sẽ là nguồn lây nhiễm virus cho cộng đồng địa phương.

“Cha mẹ tôi đã cầu xin để tôi được trở lại nhà nhưng không thành công”, bà Jin kể. Người phụ nữ 42 tuổi buộc phải lưu lại một khách sạn trong vùng.

Nhân viên y tế ở tỉnh Hà Nam tiến hành khử trùng khu vực công cộng để phòng ngừa sự bùng phát của dịch bệnh. Ảnh: Xinhua.

Gần một năm trôi qua, bà Jin quay về Vũ Hán và tiếp tục làm việc. Bà vẫn phải đối mặt với một số vấn đề sức khỏe trầm kha, song cảm thấy những vết thương về mặt tinh thần khó chữa lành hơn.

“Tôi cố quên những ký ức không vui về đại dịch nhưng không thể”, bà Jin nói.

Gần đây, người phụ nữ đến từ Hà Nam đã bị từ chối khi nộp đơn tham gia một chương trình bảo hiểm. Bà cho rằng nguyên nhân xuất phát từ tiền sử mắc Covid-19 của mình.

Những sự việc như vậy thường khiến bà suy nghĩ về tác động lâu dài của đại dịch và không thể phớt lờ trải nghiệm không vui trong năm 2020.

Bà nói thêm: “Có những mất mát và tổn thương không thể phục hồi. Chúng ta chỉ có thể hy vọng sẽ làm tốt hơn trong tương lai”.

Hàng nghìn người chen chúc trong lễ hội ở công viên nước Vũ Hán Một lễ hội tại công viên nước vào cuối tuần ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã thu hút hàng nghìn người tụ tập cùng nhau nhảy múa dưới nước.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vet-seo-kho-lanh-cua-nguoi-dan-vu-han-post1168136.html