Vén màn 'Ngành công nghiệp lừa đảo tỷ đô': Thâm nhập 'Khu tự trị' Mae Sot
Đằng sau những vụ hack tài khoản, chiếm đoạt tiền từ châu Âu sang châu Á sang Mỹ… là cả một 'ngành công nghiệp lừa đảo tỷ đô' hoạt động tinh vi, bài bản. Hàng trăm ngàn 'nạn nhân' của nạn buôn người đang trở thành những nô lệ hiện đại, làm công cụ lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ USD mỗi năm...

Hơn 1.000 tỷ USD Mỹ đã bị đánh cắp hàng năm thông qua lừa đảo qua điện thoại và internet
Điều khiến Kalaia, một “chuyên gia” tại khu Mesot thấy tệ nhất là khi nạn nhân của cô bật khóc. Khi họ cầu xin: Hãy trả lại tiền cho tôi, đó là tiền lương hưu, nhà cửa, tiền tiết kiệm để điều trị ung thư… Nhưng Kalaia phải quen với nó như một phần của công việc… lừa đảo.
Tìm cách bắt chuyện bằng những tin nhắn như vô tình, vào vai một phụ nữ trẻ giàu có đến từ Thái Lan, Estonia hoặc Miami, cho đến khi cô, bằng nhiều cách, cướp hết tài sản của họ. "Tôi thấy thương cho những người đàn ông như vậy", cô nói, "nhưng thực ra, tôi thậm chí còn không biết anh ta là ai. Tôi chỉ nhìn thấy ảnh của anh ta cùng những thông tin cơ bản nhất".
NHỮNG CẠM BẪY "NGỌT NGÀO"
Kalaia là một cô gái trẻ đến từ Myanmar, hơn 20 tuổi. Thậm chí Kalaia cũng không phải tên thật của cô. Cô làm một công việc không bình thường: Kalaia là nhân viên trong một nhánh tội phạm quốc tế chuyên lừa đảo qua mạng, một trong những nhánh có lợi nhuận cao nhất trong những năm gần đây.
Theo ước tính của Viện GASA tại The Hague, nơi nghiên cứu các hình thức tội phạm này, hơn 1.000 tỷ USD đã bị đánh cắp hàng năm thông qua lừa đảo qua mạng. Con số này thậm chí gấp đôi doanh thu ước tính của hoạt động buôn bán ma túy quốc tế. Chỉ riêng tại Đức, Áo và Thụy Sĩ, tổ chức này tuyên bố đã xác định được thiệt hại do gian lận lên tới gần 14 tỷ USD vào năm 2024.
Kalaia đóng vai trò trung tâm của “hệ thống” lừa đảo tinh vi này: Cô chịu trách nhiệm tìm kiếm nạn nhân mới, đảm nhận phần công việc “vỗ béo” con mồi bằng cách làm quen, tạo dựng lòng tin. Cô gọi đến các số điện thoại ở Hoa Kỳ, Malaysia hoặc Singapore rồi giả vờ như mình gọi nhầm số. "Bạn có muốn ra ngoài ăn tối không? - Ồ, xin lỗi, nhầm số rồi!" là cách những cuộc gọi điện thoại như vậy bắt đầu, và sau đó cô bắt đầu trò chuyện với nạn nhân. Tiếng Anh của Kalaia rất lưu loát, thậm chí cô còn có thể nói giọng Mỹ vì đã được đào tạo bài bản.
Theo báo cáo gần đây của Viện Hòa bình Hoa Kỳ, ước tính có tổng cộng hơn 300.000 kẻ lừa đảo đang hoạt động trong các "khu tự trị" ở Myanmar, Campuchia và Lào, chiếm đoạt ít nhất 40 tỷ USD của các nạn nhân trên toàn thế giới.
Ảnh đại diện của cô trên nhiều ứng dụng điện thoại và tin nhắn là một người phụ nữ trẻ hấp dẫn khác. "Tôi nhanh chóng khiến mọi người kể cho tôi nghe về những thứ như công việc của họ, thậm chí cả những vấn đề về gia đình, các mối quan hệ", cô nói. Trong vài cuộc gọi đầu tiên, cô ấy sẽ tìm hiểu: Nghề nghiệp, nơi cư trú chính xác, tình trạng hôn nhân.
Và sau đó tiếp tục với nhiều tuần hoặc nhiều tháng trò chuyện để hình thành tình bạn, tán tỉnh và chia sẻ những phút giây vui vẻ. Cho đến khi nạn nhân tin tưởng người gọi và chuyển tiền: Để có một tương lai chung với người phụ nữ xinh đẹp ở xa hoặc để đầu tư vào một khoản đầu tư được cho là có lợi nhuận. "Đàn ông dễ mắc bẫy lắm". "Đặc biệt là những người đàn ông lớn tuổi, cô đơn ở Hoa Kỳ, Đức hay ở bất cứ đâu" Kalaia nói. Sau khi tìm được nạn nhân, cô chuyển cho các “bộ phận” tiếp theo để tiếp tục dẫn dụ và tiến hành bước “giết thịt” con mồi.
NGÀNH CÔNG NGHIỆP LỪA ĐẢO TINH VI HƠN CẢ PHIM
Năm 2023, “Được ăn cả Ngã về không” (No More Bets) trở thành cơn "đại địa chấn" làm rung chuyển phòng vé Hoa ngữ khi có doanh thu phòng vé lên tới 505 triệu USD. Phim kể về một thanh niên tên Phan Sinh - 1 lập trình viên bị lừa vào một tổ chức chuyên lừa đảo dưới hình thức đánh bạc, cá độ... bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Ở đó anh được chứng kiến nhiều người dân Trung Quốc phải làm việc lừa đảo qua Internet và dẫn dụ, moi móc tiền những người tham kiếm tiền nhanh.
Phim khắc họa rất hay tâm lý từ một người bình thường dấn thân vào con đường cờ bạc và tới lúc họ thua, càng thua thì họ lại càng muốn gỡ và dẫn đến lâm vào đường cùng. Và sau tất cả thì gia đình, người yêu của họ luôn là người phải đứng ra chịu đựng, trả những khoản nợ đó. Phim có một cảnh rất ấn tượng là khi bọn lừa đảo đã chiếm trọn được số tiền và đang nâng ly ăn mừng, bắn pháo hoa thì đồng nghĩa với việc đã có một gia đình đã rơi vào cảnh cùng cực vì mất trắng.
Thế nhưng, những gì mà “Được ăn cả Ngã về không” đề cập cũng mới chỉ “vén” được một phần rất nhỏ của một đế chế, một hệ thống lừa đảo tinh vi đã trở thành một ngành công nghiệp với rất nhiều, rất nhiều tiền. Hệ thống lừa đảo ấy được thiết kế một cách tinh vi đến mức, con mồi không thể biết rằng mỗi cuộc chat với “người trong mộng”, “chuyên gia tài chính”… hay những “cán bộ chính quyền” đang làm việc mình lại do những người khác nhau trong hệ thống lừa đảo ấy thực hiện.

Rất nhiều cuộc gọi video giả danh công an với hình ảnh văn phòng, cảnh phục được dàn dựng như thật để đe dọa, lừa người dân
Công việc của những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp diễn ra theo ca, tại các “văn phòng” mở với hàng trăm đồng nghiệp làm việc với sự hỗ trợ của các chuyên gia công nghệ thông tin giỏi bậc nhất thế giới. Toàn bộ diễn biến của quá trình dẫn dụ con mồi đều được hệ thống một cách khoa học để bất kỳ lúc nào, bất kỳ bộ phận nào của đường dây lừa đảo đều có thể đọc rõ "những gì đã xảy ra cho đến nay" trên màn hình: Tất cả được quản lý trong một giải pháp phần mềm được thiết kế riêng, trong đó người ta có thể sử dụng WhatsApp, Telegram, Instagram hoặc Facebook cùng lúc, có công cụ hỗ trợ dịch thuật và trợ lý xây dựng ChatGPT khi cần.
Kalaia cho biết: "Hầu hết những người nằm trong hệ thống nhắn tin dàn cảnh với “con mồi” đều là đàn ông giả vờ là phụ nữ". Trong những trường hợp đặc biệt, cần phải nói chuyện điện thoại, khi đó Kalaia hoặc các cô gái khác sẽ lại đảm nhiệm công việc. Vì vậy các nạn nhân đều nghĩ rằng họ thực sự đang nói chuyện với một người phụ nữ.
Kalaia cho biết cô có kế hoạch rời khỏi hệ thống. Cô đã tiết kiệm đủ tiền để chuyển đến thủ đô Bangkok của Thái Lan để bắt đầu một cuộc sống mới, nơi cô hy vọng có thể tìm được công việc trong ngành du lịch với vốn liếng tiếng Anh rất tốt của mình.
TỪ NẠN NHÂN TÌM "VIỆC NHẸ LƯƠNG CAO" ĐẾN NHỮNG CHUYÊN GIA CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP LỪA ĐẢO
Trong hệ thống này, có những thuật ngữ riêng được dùng một cách thống nhất: "Khách hàng" là những người cô đơn bị lừa đảo qua điện thoại và internet. Những người thường xuyên liên lạc với các nạn nhân lừa đảo được gọi là "dịch vụ khách hàng" và những người tiếp cận khách hàng mới làm việc trong bộ phận "thu hút khách hàng". "Quản lý" là những người phân bổ công việc thường là các "tình nguyện viên" với thân nhân đặc biệt, đặt ra mục tiêu "ít nhất 30 lần liên hệ với khách hàng mỗi ngày". Cấp trên của họ,những "ông chủ" ở đây hầu hết là người Trung Quốc, hầu như không bao giờ xuất hiện trong các văn phòng mở: Theo các nhà điều tra tội phạm, hoạt động lừa đảo ở Myanmar ban đầu có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục ở thành phố cờ bạc Ma Cao trước khi lan rộng đến đây.
Có những đội ngũ trò chuyện bằng tin nhắn được đào tạo bởi các chuyên gia tư vấn về nghiên cứu văn hóa, sẵn sàng trò chuyện, trả lời mọi câu hỏi mang tính chất địa phương như "Đi du lịch Hà Nội thì ăn món gì, ở quán nào?"… với những hình ảnh trải nghiệm như thật. Là một phần trong chương trình đào tạo của công ty, nhân viên được đào tạo cách tìm hiểu thêm về sở thích của những nạn nhân tiềm năng: chơi golf, ăn uống sang trọng, ô tô. Chaoxiang cho biết: "Vấn đề là kiểm soát “tư duy” của khách hàng".

Poster phim "Được ăn cả, Ngã về không" với hậu cảnh là một văn phòng mở
Chaoxiang, một "Tình nguyện viên" có quốc tịch Myanmar, được ra vào khá tự do trong các khu tự trị, mô tả tất cả như hoạt động bên trong của một tập đoàn trong một thế giới tưởng tượng phản địa đàng khủng khiếp. Quy trình làm việc của những kẻ lừa đảo được tổ chức một cách hiệu quả. Có những nhóm xác định số điện thoại và tài khoản internet mới để liên lạc, phân loại theo "công dân bình thường", "người giàu" và "sếp". Ở những bộ phận khác, các “chuyên gia” làm việc bằng cách xây dựng ra những kịch bản câu chuyện cuộc sống hấp dẫn và tạo ra những hồ sơ giả mạo trên Internet một cách tỉ mỉ.
Những lời kể của Chaoxiang, phù hợp với những phát hiện của các nhà điều tra tội phạm và các nhóm nhân quyền, vẽ nên bức tranh về một ngành công nghiệp mà mỗi công ty tại khu tự trị lại chuyên về một mảng lừa đảo riêng để không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Có công ty chuyên sắm vai tình bạn và tình yêu, có công ty có phiên bản đe dọa, theo đó những nhân viên “dịch vụ khách hàng” sẽ trong vai cảnh sát và điều tra viên rửa tiền gọi cho nạn nhân với những câu mẫu: "Bạn bị nghi ngờ gian lận tài chính, hãy để chúng tôi kiểm tra tài khoản ngân hàng của bạn ngay lập tức!"
Có những hình thức khác như chuyển tiền quốc tế “nhầm” vào tài khoản của nạn nhân. Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ gọi điện, giả vờ là nhân viên ngân hàng và yêu cầu hoàn tiền gấp. Cũng có nhiều vụ lừa đảo liên quan đến cờ bạc và cá cược thể thao. Một số công ty lừa đảo điều hành các trang web đầu tư tiền điện tử giả mạo, nơi "khách hàng" vui mừng khi kiếm được lợi nhuận trong vài tuần, chỉ để sau đó đầu tư - và mất - toàn bộ tiền tiết kiệm của mình. Đây chính là chất liệu của bộ phim "Được ăn cả, Ngã về không" gây sốt năm 2023.
Các công ty lừa đảo duy trì bộ phận IT và thuê các chuyên gia rửa tiền. Các nhân viên nhân sự đăng quảng cáo khắp thế giới để thu hút người vào làm việc tại trung tâm cuộc gọi bằng cái bẫy “việc nhẹ lương cao”.
Chaoxiang tự hào nói về tính chuyên nghiệp của những hoạt động như vậy, điều này cũng có thể được tìm thấy trong các kênh tuyển dụng có liên quan trên dịch vụ nhắn tin Telegram. Họ công khai tìm kiếm nhân viên - tình nguyện viên - cho ngành công nghiệp gian lận. Và một trong những công việc được trả lương cao nhất - tương đương 5.000 euro một tháng hoặc hơn - là cái gọi là "người mẫu".

Một số công nhân nhà máy lừa đảo bị buộc phải làm việc 14-16 giờ một ngày với thời gian nghỉ tối thiểu hàng tháng
Theo đó, những người phụ nữ và cả đàn ông sẽ thực hiện các cuộc gọi video với những nạn nhân lừa đảo đặc biệt tiềm năng. Chaoxiang mô tả quá trình này được tổ chức thực hiện trong các trường quay truyền hình.
Nội thất của những ngôi nhà sang trọng được tái tạo tại đó, đầy đủ cả hồ bơi và xe thể thao trong gara. Tương tự như vậy là các văn phòng làm việc nghiêm túc tại một công ty tài chính, với các đồng nghiệp bận rộn ở phía sau. Hoặc các cuộc gọi video được thực hiện với những nhân viên “dịch vụ khách hàng” mặc cảnh phục, ngồi trong các văn phòng với cờ, khẩu hiệu, xung quanh là các đồng nghiệp hoặc lãnh đạo cũng mặc đồng phục…
Chính vì thế các nạn nhân rất dễ tin rằng họ đang giao dịch với một người giàu có và rất hiểu biết về thế giới đầu tư hoặc đang làm việc với các cơ quan chức năng…