Vẻ đẹp như thánh đường châu Âu của Đan viện Châu Sơn (Ninh Bình)

Ninh Bình vốn nổi tiếng bởi nhiều điểm du lịch và những món ăn đặc sản nức lòng thực khách như cơm cháy, thịt dê.... Không chỉ vậy, du khách sẽ còn ngỡ ngàng với vẻ đẹp của Đan viện Châu Sơn, nơi được ví như thánh đường phương Tây ở ngay Việt Nam.

Đan viện Châu Sơn là một đan viện của dòng Xitô, tọa lạc tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, nằm cách nhà thờ chính tòa Phát Diệm 65km, cách thành phố Ninh Bình 35km và cách Hà Nội 97km.

Nơi đây là một trong những điểm tham quan tại Ninh Bình, thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch đến thưởng ngoạn, khám phá mỗi năm bởi vẻ đẹp cổ kính, thanh cao với những nét kiến trúc mang hơi hướng Châu Âu.

Thánh đường Đan viện Châu Sơn được xây dựng từ năm 1939, nằm trong khu vực rừng núi yên tĩnh. Với hướng theo trục Tây- Đông, đan viện thiết kế theo kiểu Gothic với bức tường bao quanh dày tới 0,6m, cột dày 1,2m tạo sự ấm áp về mùa đông và mát mẻ khi vào hạ.

Đan viện Châu Sơn là một đan viện của dòng Xitô, tọa lạc tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình

Toàn bộ ngôi nhà trong đan viện được xây dựng bằng những viên gạch đỏ không tô sơn tạo nên một phông nền cổ điển phủ đầy rêu phong theo năm tháng.

Điểm nhấn của Đan viện Châu Sơn phải kể đến những cột nhà được thiết kế thành những tháp nhỏ cân xứng kéo dài 64m. Thêm vào đó, bức tường được trang trí hài hòa bởi các cửa sổ chia thành hai tầng trên và dưới, phía trong là cửa kính gỗ, chính là nơi để du khách săn lùng những bức ảnh siêu đẹp.

Thánh đường là nơi thờ chúa Giê-xu và là nơi cầu nguyện mỗi ngày. Bên ngoài thánh đường là những bức tranh họa hình tượng chúa Giê-xu, hình người vác thánh giá cầu nguyện. Phía trong thánh đường là một dãy hành lang rộng có ánh sáng tự nhiên vừa đủ lọt vào hai hành lang tạo nên khung cảnh lãng mạn và ấm áp.

Đan viện Châu Sơn là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng ở Ninh Bình mà đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc là mái vòm trắng cao 21m trong lòng thánh đường.

Khuôn viên đan viện được trồng hàng trăm loại cây, hoa nhiều màu sắc và được chăm sóc, cắt tỉa nghệ thuật.

Khuôn viên đan viện được trồng hàng trăm loại cây, hoa nhiều màu sắc và được chăm sóc, cắt tỉa nghệ thuật. Tham quan xung quanh, du khách sẽ bắt gặp những trang trí cầu kỳ với khối hòn non bộ, cây xanh, tượng điêu khắc tinh tế, tượng Thánh.,…

Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm bãi trứng đá nhân tạo hay giếng đá ong nằm dưới lòng đất hoặc lên hang đá điêu khắc tinh xảo. Nơi đây được nhiều người ưu ái gọi bằng cái tên “khu vườn cổ tích”. Những viên đá ấy tượng trưng cho 100 quả trứng của mẹ Âu Cơ. 100 quả "nở ra" 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam anh hùng.

Trung tâm của khu vườn chính là bức tượng Đức Mẹ Fatima. Theo thầy Thủy, (quản lý Vườn cầu nguyện Fatima) tại Đan viện Châu Sơn, sỏi trắng tượng trưng cho biển trần gian. Cuộc đời con người như đi trên biển trần gian, rất khó khăn. Sỏi trắng cũng như biển lớn, như lòng mẹ bao la. Biển sỏi trắng cũng tượng trưng cho lòng Đức Mẹ trinh trắng, thanh sạch.

Bên cạnh đó, ngay giữa Vườn cầu nguyện Fatima, một giếng cổ vẫn còn được lưu giữ đó là giếng Giacop hay còn gọi là giếng sám hối. Để xuống được nơi này phải đi qua một đường hầm xây hoàn toàn bằng đá ong. Dưới hầm có một khoảng không gian khá rộng, có mái vòm khá cầu kỳ.

Đan viện Châu Sơn là một đan viện chuyên về chiêm niệm. Ngày thường, đan viện hạn chế khách du lịch nên du khách sẽ không được vào tham quan.

Chị Hương Anh, khách du lịch, chia sẻ: “Dạo bước trên dãy hành lang rộng của thánh đường thưởng ngoạn cảnh quan xung quanh, bạn sẽ cảm nhận được sự tôn nghiêm và vẻ đẹp của kiến trúc Á-Âu hòa lẫn. Ngoài ra, ghé qua khuôn viên sân vườn rộng lớn và xinh đẹp này thì bạn cũng có thể có cho mình nhiều kiểu ảnh “check in trời Tây” cực chất!”.

Đan viện Châu Sơn là một đan viện chuyên về chiêm niệm. Ngày thường, đan viện hạn chế khách du lịch nên du khách sẽ không được vào tham quan. Vào các dịp đầu tháng có thánh lễ, nhà thờ sẽ mở cửa cho người đến tham quan sau giờ lễ nguyện: Sáng: 8h – 10h30 (Chủ nhật đến 10h00); Chiều: 14h30 - 16h30 (Chủ nhật từ 15h30 - 16h30) trừ mùa Chay (khoảng tháng 3) và kỳ tĩnh tâm vào khoảng đầu tháng 8.

Ninh Bình sở hữu khí hậu nhiệt đới gió mùa với miền nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 23,5 độ C. Nơi đây chia làm 4 mùa rõ rệt với nét đặc trưng là mùa đông khô lạnh và mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều. Do vậy, mỗi thời điểm trong năm, Ninh Bình cũng như Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn đều khoác lên một tấm áo độc nhất vô nhị để bạn khám phá.

Khung cảnh trang nghiêm, huyền bí của Đan viện Châu Sơn luôn thu hút sự tò mò của du khách

Tuy nhiên, để chuyến khám phá Quần thể danh thắng Tràng An thêm phần thú vị, bạn nên chọn thời điểm lập xuân (tức tháng 1 đến tháng 3). Lúc này, khí hậu ở đây vô cùng mát mẻ, hơi se lạnh rất thuận tiện cho bạn dạo quanh khuôn viên Đan viện và check-in 1001 tấm hình đẹp nên thơ. Hoặc bạn cũng có thể chọn đi du lịch vào mùa hè vào tháng 4 đến tháng 6 khi trời trong xanh, thoáng đãng, dưới ánh nắng chan hòa.

Anh Trung Bảo, du khách đến từ Nam Định chia sẻ: “Những ai có ý định đến Đan viện Châu Sơn, Ninh Bình check in, thì nên chọn những ngày trời nắng ráo, khung cảnh sẽ đẹp và hài hòa hơn. Ngày mưa thì di chuyển trên đường cũng khá khó khăn.

Đến đây, bạn cũng nên lựa chọn trang phục kín đáo, trang nhã vì thánh đường là nơi tôn nghiêm. Hơn nữa, khi đang làm lễ, bạn tuyệt đối không được trò chuyện, đùa giỡn gây mất trật tự và ảnh hưởng đến không gian yên tĩnh và bầu không khí trang nghiêm ở thánh đường,” anh Bảo cho biết thêm.

Thanh Hoài

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ve-dep-nhu-thanh-duong-chau-au-cua-dan-vien-chau-son-ninh-binh-post285737.html