Cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng

Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành, trong đó có nhiệm vụ cắt giảm điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2021, nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

Tiết kiệm hơn 3,6 tỷ đồng từ cắt giảm kiểm tra chuyên ngành

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2021 mặc dù cùng lúc phải ứng phó với các hiện tượng thiên nhiên bất thường và đại dịch Covid-19, nhưng ngành NN&PTNT đã tập trung triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ như: Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (NQ 02), Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (NQ 68). Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết và kịp thời đôn đốc các đơn vị nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ.

Cán bộ kiểm dịch động vật – Chi cục Thú y vùng II kiểm tra, đối chiếu mã hàng hóa sản phẩm nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng trước khi thông quan.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đã rà soát để cắt giảm những dòng hàng không cần thiết phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cụ thể, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ tập trung thực hiện rà soát, sửa đổi Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 ban hành bảng mã số HS đối với hàng hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ (Thông tư 15) nhằm đáp ứng các yêu cầu tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 của Chính phủ liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời đảm bảo phù hợp, thống nhất với các văn bản mới được Quốc hội thông qua như: Luật Thủy sản năm 2017, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Chăn nuôi năm 2018.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ký ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2021 Ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ và danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực NN&PTNT.

Việc ban hành Thông tư 11 đã giúp cắt giảm 234/1.768 dòng hàng (chiếm tỷ lệ 13%). Chi phí tuân thủ ước tính tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp từ việc cắt giảm danh mục hàng hóa trên là hơn 3,6 tỷ đồng.

Như vậy, dựa trên kết quả đã cắt giảm 5.054/7.698 dòng hàng (đạt tỷ lệ 65%) từ năm 2018, tổng cộng số lượng dòng hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông qua thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT đã cắt giảm 78% so với năm 2017.

Thực thi các phương án đơn giản hóa quy định kinh doanh

Cùng với việc cắt giảm những dòng hàng không cần thiết phải kiểm tra chuyên ngành, Bộ NN&PTNT triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Mục tiêu kép Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 68/NQ-CP là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành (tính đến 31/5/2020). Mục tiêu này được thực hiện trong 5 năm, từ năm 2020 đến năm 2025.

Trên tinh thần đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021 của Bộ tại Quyết định 206/QĐ-BNN-PC ngày 14/01/2021. Đồng thời, cập nhật các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vào phần mềm thống kê, rà soát, tính chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh do Văn phòng Chính phủ xây dựng.

Theo đó, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ rà soát, cập nhật được 159 thủ tục hành chính; 17 chế độ báo cáo; 423 yêu cầu điều kiện; 1.768 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành; 145 quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2021, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng số văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ gồm 41 văn bản quy phạm pháp luật.

Có thể thấy, đến nay, một trong những thành quả của công tác cải cách hành chính của Bộ NN&PTNT là cắt giảm, đơn giản hóa trên 70% điều kiện kinh doanh. Cụ thể, số lượng điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa là 251/345 điều kiện (chiếm tỷ lệ 72%), trong đó bãi bỏ 115 điều kiện, sửa đổi 136 điều kiện. Theo đó, tổng số chi phí ước tính tiết kiệm được từ việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là: 46,42 tỷ đồng/năm, tương đương 339.720 ngày công/năm. Tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT hiện hành là 272 điều kiện.

Bộ cũng đã thực hiện rà soát, so sánh và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ điều kiện kinh doanh trước và sau khi cắt giảm, đơn giản hóa theo yêu cầu của Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ tại đường link: https://www.mard.gov.vn/VanBan/Pages/679-bnn-pc.aspx.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, phát huy những kết quả đó, năm 2022, Bộ NN&PTNT tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết 68/NQ-CP, trọng tâm là tổ chức thực thi các phương án đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết phiên họp của Chính phủ trong năm 2022; trong đó có Nghị quyết 02/NQ-CP sau khi Chính phủ ban hành. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, ách tắc làm cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức.

Một loạt các dòng hàng không phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành

Các dòng hàng kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cắt giảm: Không thực hiện kiểm dịch đối với 139/755 dòng hàng trong danh mục đối tượng phải kiểm dịch động vật, bao gồm: 113/447 dòng hàng là các sản phẩm động vật thủy sản đã chế biến; 26/308 dòng hàng là sản phẩm chế biến có chứa sữa, sản phẩm đã qua xử lý như lông thú, lông vũ …

Không kiểm tra chất lượng đối với 95 dòng hàng, trong đó 03/29 dòng hàng phân bón; 91/115 dòng hàng là nguyên liệu thuốc thú y, thuốc thú y; 01/01 dòng hàng là môi trường pha loãng, bảo tồn tinh giống vật nuôi.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-tao-moi-truong-dau-tu-thong-thoang-98114.html