Vắng nhiều nhân chứng, phiên xử bị cáo ba lần bị tuyên án tử hình tạm hoãn

Sáng 16/8, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Vi Văn Phượng (SN 1968, ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) về tội 'Giết người'. Nạn nhân trong vụ án là bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926, mẹ đẻ của Phượng).

Để phục vụ phiên tòa phúc thẩm này, HĐXX đã trích xuất một phạm nhân bị giam giữ cùng bị cáo Phượng đến phiên tòa để đối chất với bị cáo Phượng, đồng thời triệu tập 19 người làm chứng đến tham dự phiên tòa với tư cách người tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, khi phiên tòa bắt đầu thì vắng mặt ba nhân chứng, đều là người sống cùng làng với bị cáo.

Về sự vắng mặt của ba nhân chứng, luật sư Đinh Anh Tuấn (bào chữa cho bị cáo Phượng) nêu quan điểm, vụ án này kéo dài đã nhiều năm, trải qua nhiều phiên xét xử, bị cáo Phượng đã bị giam hơn 10 năm; các nhân chứng vắng mặt cũng đã có lời khai trong hồ sơ vụ án, do đó luật sư đề nghị HĐXX phúc thẩm tiếp tục phiên tòa.

Bị cáo Phượng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16/8.

Bị cáo Phượng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 16/8.

Luật sư Trần Văn An (cùng bào chữa cho bị cáo Phượng) đề nghị HĐXX phúc thẩm triệu tập 3 điều tra viên trong giai đoạn một của vụ án và một điều tra viên trong giai đoạn hai vụ án. Luật sư An cũng đề nghị HĐXX phúc thẩm triệu tập kiểm sát viên và chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm lần hai, với lý do “Những kiến nghị của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không được cấp sơ thẩm thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ”.

Khi chủ tọa phiên tòa phúc thẩm hỏi, bị cáo Phượng xin hoãn xét xử.

Đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa nhận định, vụ án phức tạp, kéo dài, bị cáo hiện kêu oan. Việc vắng mặt một số người liên quan đến vụ án này là chưa đủ điều kiện để tiếp tục phiên tòa.

Vì thế đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm hoãn phiên tòa. Và thời gian phiên tòa mở lại, HĐXX phúc thẩm cần áp dụng mọi biện pháp để triệu tập cá nhân liên quan như: người làm chứng, điều tra viên, kiểm sát viên, giám định viên...

Sau khi hội ý, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm Ngô Tự Học quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, đồng thời cũng để làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án. Thời gian mở lại phiên tòa chưa được công bố.

Trước đó, Phượng đã 3 lần bị tuyên án tử hình, nhưng đều kháng cáo kêu oan. Vụ án xảy ra cách đây 10 năm (tháng 10/2012) và một năm sau, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều kết luận, Phượng có hành vi sát hại mẹ đẻ là bà Vui nên phải nhận án tử hình. Sau đó, Phượng và gia đình kêu oan.

Năm 2016, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tuyên hủy các bản án đã tuyên tử hình đối với Phượng, yêu cầu điều tra bổ sung động cơ phạm tội, thời gian nạn nhân bị giết...

Năm 2019, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm lần 2 và tái khẳng định, cuối năm 2009, vợ chồng Phượng vay vàng của bà Vui (bị mù) để lo cho người con lớn đi xuất khẩu lao động. Trong lúc gia đình Phượng vẫn đang nợ nần thì bà Vui nhiều lần đòi vàng.

Tháng 9/2012, Phượng đi mua 1,5 chỉ vàng về trả cho bà Vui nhưng lại bị nghi ngờ “mua vàng giả để lừa người mù” nên xảy ra cãi vã. Tòa sơ thẩm kết luận: “Động cơ gây án của Phượng là do nợ nần”.

Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, khoảng 11h15’ ngày 5/10/2012, sau khi đi làm, uống rượu ở ngoài về, Phượng vào cửa hàng tạp hóa mua mỳ tôm về nấu cho bà Vui. Nhưng khi tới nhà, Phượng lấy dao quắm chém bà Vui nhiều nhát. Gây án xong, Phượng mang dao dựng vào chỗ cũ, cởi áo dính máu và ngồi hút thuốc trước khi thông báo cho mọi người lúc 11h30’.

Các phiên tòa sau đó, Phượng đều kêu oan. Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa khẳng định, việc Phượng nhận tội trong giai đoạn điều tra phù hợp với chứng cứ, lời khai của nhân chứng. Sau khi nghị án, Tòa án cấp sơ thẩm đồng tình quan điểm của đại diện Viện kiểm sát với nhận định, Phượng sát hại bà Vui do mâu thuẫn nợ 1,5 chỉ vàng.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/vang-nhieu-nhan-chung-phien-xu-bi-cao-ba-lan-bi-tuyen-an-tu-hinh-tam-hoan-i664174/