Vận tải khách Yên Bái: Những hành trình chở... ghế
Kinh doanh vận tải hành khách là một nghề có sự cạnh tranh cao, nhiều rủi ro, đầu tư lớn; tuy vậy, ngành nghề này cũng đã mang lại cơ hội cho không ít người chịu được áp lực, dám đầu tư lớn. Là tỉnh miền núi, kinh tế còn khó khăn, dân số ít, nhưng Yên Bái cũng là tỉnh có số phương tiện tham gia kinh doanh vận tải khách tương đối lớn, chất lượng phương tiện khá sang trọng… Tuy nhiên sau thời kỳ hoàng kim, lĩnh vực kinh doanh vân tải khách đang đối mặt với muôn vàn khó khăn...
Vang bóng một thời
Có thể khẳng định, lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách của tỉnh Yên Bái phát triển không thua kém bất kỳ tỉnh nào trong khu vực, đặc biệt là chất lượng phương tiện. Đến nay, những chiếc xe khách IFA W50 đã đi vào quên lãng, xe Hyundai Chorus cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đến xe Hyundai Couty một thời được mệnh danh là "xe chở chuyên gia”, giờ cũng chỉ phục vụ hành khách tuyến xã và thực tế chủ yếu là chở hàng.
Thay vào đó là các loại xe: SAMCO, UNIVERSE từ 29 đến 45 ghế, hơn nữa là phải giường nằm; mọi xe đều phải bảo đảm điều hòa 2 chiều, chưa kể phục vụ chăn ấm, khăn lạnh, nước khoáng miễn phí… Mini Bus loại 16 chỗ, giờ nhất thiết là phải Hyundai SOLATY, xe For Transit đẹp đến thế mà vẫn bị chê là… thấp, bí.
"Túc tắc tìm tiền” là slogan của các nhà xe. Điều đó cho thấy, nếu có một nốt tuyến, đầu tư một chiếc xe khách, cứ chạy ổn định, phục vụ chu đáo thì mỗi ngày cũng kiến được đôi, ba triệu đồng, chưa kể tạo được việc làm cho ít nhất 2 lao động, vậy là quá ổn rồi. Không chỉ phát triển dịch vụ vận tải hành khách bằng đường bộ; Yên Bái còn khá phát triển loại hình vận tải hành khách bằng đường thủy; trong đó, hồ Thác Bà là chính.
Kinh doanh lĩnh vực vận tải khách đường thủy nội địa Yên Bái còn ổn định hơn đường bộ, dù không sôi động bằng. Ưu thế của vận tải khách bắng đường thủy nội địa, nhất là trên hồ Thác Bà chính là chi phí thấp, ít rủi ro, cạnh tranh không khốc liệt. Hàng chục phương tiện thủy khai thác các tuyến từ Hương Lý đi Xuân Long, Cảm Nhân, An Phú, Thác Bà… đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.
Có lẽ, nhờ ăn nên làm ra mà rất nhiều người đầu tư vào lĩnh vực vận tải khách? Có những người đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm hàng chục đầu xe; một số lái, phụ xe sau một thời gian đi làm thuê cũng tích cóp mua xe, góp vốn xin mở nốt, tuyến để tham gia kinh doanh… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách với hơn 300 đầu xe; trong đó, Công ty cổ phần Vận tải thủy bộ đã có trên 200 đầu xe, chưa kể rất nhiều xe không phép, xe dù, không bến bãi. Thời buổi bây giờ chẳng có ngành nghề nào thuận lợi, dễ kiếm ăn, xe khách cũng không phải là ngoại lệ. Dù vậy, người kinh doanh vận tải hành khách cũng có của ăn, của để và đại đa số đã có nhà cửa khang trang, nhiều người mua được xe hơi, có được mức sống khá.
Khó khăn như núi trước mặt
Ông Nguyễn Văn Yên (tên đã được thay đổi) - một người kinh doanh vận tải hành khách cho biết: "Ngành nghề xe khách rất khó khăn, phức tạp và nguyên nhân chính là bởi nghề này có sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt. Để bảo đảm doanh thu, đời sống, việc làm, không ít nhà xe, lái, phụ xe bất chấp mọi thủ đoạn từ chèn ép trong quá trình di chuyển đến gây gổ, xô xát lẫn nhau. Đây cũng là lĩnh vực đầu tư lớn và nhiều rủi ro. Một chiếc xe có giá mua mới khoảng 1,2 đến 1,4 tỷ đồng, nếu là xe giường nằm còn cao hơn rất nhiều. Bỏ tiền tỷ, thu tiền nghìn, tiền triệu, không phải ai cũng làm được, chưa kể va quệt, tai nạn, vi phạm luật lệ, bị xử phạt… như cơm bữa. Kinh doanh xe khách mất tiền triệu mỗi lượt là chuyện thường tình”.
"Trăm dâu đổ lên đầu… vô lăng” là hoàn cảnh thật sự của nghề kinh doanh vận tải khách. Chi phí đầu tư kể trên chỉ là một chuyện. Nhà xe còn chịu vô số các khoản chi phí khác như: xăng dầu; sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên; lái, phụ xe; bến bãi; vé đường (nếu chạy trên đường cao tốc); phí 2 đầu bến; nộp doanh thu cho Công ty… chưa kể nhiều chi phí không thể nói ra.
Chủ xe Nguyễn Văn Thúy đưa ra thống kê: "Xe tôi 29 chỗ, chạy tuyến Yên Bái - Mỹ Đình (Hà Nội) mỗi ngày hết 1,1 triệu tiền dầu; 600 nghìn tiền vé đường; 400 nghìn 2 đầu bến; lương lái, phụ xe 500 nghìn; trên 500 nghìn tiền doanh thu cho công ty khiến tổng chi phí chính thức ít nhất là 3,1 triệu đồng, tương đương với khoảng 30 vé khách đi Hà Nội”.
Bà Nguyễn Thu Hà - người đầu tư tầu khách trên hồ Thác Bà cũng đưa ra thống kê: "Mỗi ngày 1,1 triệu tiền dầu, 300 nghìn tiền lái, 100 nghìn tiền doanh thu cho Công ty; tổng chi phí chính thức là 1,5 triệu đồng, tương đương với khoảng 22 vé”.
Những chi phí mà nhà xe, nhà tàu công bố kể trên, là chi phí thật và là chi phí thường xuyên để duy trì hoạt động cho tàu, xe hoạt động hằng ngày. Đó cũng là những chi phí có thể thống kê được, công bố được; thực tế còn rất nhiều những khoản khác. Tuy nhiên, nếu khách đông, khách đều thì nhà tàu, nhà xe vẫn sống tốt, nhưng thực tế thì họ - những nhà đầu tư đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đã xuất hiện không ít những nhà xe bỏ nốt, bỏ tuyến, bán phương tiện; trường hợp không bán xe, bỏ nốt nhưng một tuần chạy 3 - 4 buổi là thường tình; những chuyến xe nhận lệnh, xuất bến đúng giờ nhưng chạy từ thành phố Yên Bái đến nút giao Văn Phú chẳng có khách nào đành quay về là quá phổ biến.
Anh Hồng - một nhà xe nội tỉnh chia sẻ: "Mấy chục năm làm nghề kinh doanh vận tải hành khách, tôi đã phải bỏ nghề. Gắn bó với nghề lái xe, đành mua cái xe thùng chở hàng tuyến cố định để duy trì cuộc sống”.
Anh Yên - chủ một nhà xe chạy tuyến Yên Bái - Mỹ Đình cho biết: "Không thể bỏ tiền nhà ra để bù lỗ được mãi. Tôi đã có đơn đề nghị Công ty Vận tải thủy bộ dừng kinh doanh. Bán lỗ xe để tìm nghề khác. Nhiều người nhanh chân hơn cũng đã bán xe lâu rồi!”.
Nguyên nhân và giải pháp
Qua tìm hiểu của phóng viên và trò chuyện với chủ các nhà xe thì nguyên nhân của tình trạng khó khăn, thua lỗ kể trên, bắt nguồn từ việc cung đã vượt quá cầu. Trong khi dân số Yên Bái ít, kinh tế, du lịch chưa thực sự phát triển thì xe khách lại quá nhiều. Riêng tuyến Yên Bái - Mỹ Đình cứ 15 phút lại có 1 xe xuất bến, bắt đầu từ 3 giờ sáng đến chiều muộn.
Trao đổi với phóng viên, các nhà xe, nhà tàu trên địa bàn tỉnh đều lắc đầu ngao ngán. "Khó khăn lắm!” - là câu nói cửa miệng của họ. Cõng trên lưng vô số khoản tiền, trong khi khách rất vắng là thực trạng không khó nhận ra. Rất nhiều xe xuất bến mà không có nổi đến 1 khách; chạy cả chuyến đi Hà Nội nhưng chỉ có vài ba khách là chuyện thường tình. Đối mặt với những khó khăn ấy, các nhà xe đã áp dụng đủ cách, từ bố trí xe du lịch đưa, đón khách tận nhà; đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện… nhưng tình trạng vắng khách vẫn diễn ra; nhiều nhà xe đầu tư thêm 1 xe nhỏ loại 16 chỗ để ngày lễ, ngày nghỉ thì chạy xe to, ngày thường thì chạy xe nhỏ để giảm chi phí xăng dầu, nhưng kết quả vẫn không khả quan, chịu thêm cảnh nợ nần hoặc tăng chi phí vốn, chi phí khấu hao.
Khoảng 100 xe, bình quân mỗi xe 30 chỗ/ngày như vậy, chưa kể nhiều xe đi các tỉnh, thành khác có đi qua Hà Nội và có bắt khách Hà Nội thì lấy đâu ra cả nghìn hành khách để lấp đầy các ghế.
Dịch vụ xe ghép đã xuất hiện tại Yên Bái và bùng nổ khi dịch Covid-19 xảy ra; đặc biệt, Yên Bái có những nhà xe không phép (xe dù) ngang nghiên hoạt động, quảng cáo rầm rộ từ nhiều ngày qua. Thời gian gần đây, tại Yên Bái xuất hiện thêm dịch vụ xe hợp đồng, bản chất là xe chở khách. Cơ sở dịch vụ này đã tìm cách lách luật hoặc né tránh lực lượng chức năng.
Quảng cáo, lập văn phòng, đưa, đón trả khách bình thường, trong quá trình đón khách và cơ sở này lấy căn cước công dân của khách để lập hợp đồng nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Điều đáng tiếc là "tấm vải thưa” này vẫn che được mắt cơ quan chức năng để duy trì hoạt động bình thường, gây mất trật tự vận tải khách bằng tuyến cố định, gây ảnh hưởng lớn đến các nhà xe chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.
Kinh doanh vận tải hành khách là ngành nghề có điều kiện, được điều chỉnh bởi luật và các nghị định. Qua đó, góp phần bảo đảm trật tự vận tải, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Những khó khăn do nguyên nhân khách quan mang lại thì các nhà đầu tư, các nhà xe buộc phải thích ứng. Nhưng những nguyên nhân chủ quan do buông lỏng quản lý, thiếu lành mạnh… thì lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải vào cuộc.
Chắc chắn quá trình xử lý không quá khó! Đối với các doanh nghiệp vận tải, đã đến lúc phải có biện pháp chia sẻ khó khăn với những người góp vốn bằng giá trị phương tiện vào công ty, vì họ là nhà xe, nhà tàu đóng góp doanh thu cho công ty hằng tháng. Khi làm ăn được, khách đông thì khoản thu 3 triệu đồng/tàu/tháng đối với tàu khách và 15,6 triệu/1 xe ô tô 29 chỗ/tháng là chuyện bình thường, nay khó khăn, khách vắng thì phải giảm xuống hoặc không thu. Như vậy, mới đúng nghĩa cùng hội, cùng thuyền; "nước lên thuyền lên; nước xuống, thuyền xuống”. Khi mà các nhà tàu, nhà xe "chở ghế, chở gió” như thực trạng hiện nay thì nhất thiết cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải giúp đỡ, chia sẻ và vào cuộc.