Vấn nạn di cư: Thách thức tiếng nói chung của EU

Gần đây, liên tiếp xảy ra vụ chìm thuyền trên biển Địa Trung Hải khiến hàng trăm người di cư trái phép thiệt mạng trước khi đến 'miền đất hứa'. Trong khi đó, các nước châu Âu thì vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để ngăn chặn thảm họa.

Những người di cư đang kêu cứu khi thuyền của họ không thể tiếp tục hành trình. (Nguồn: AFP)

Chiến tranh, xung đột, đời sống khó khăn và cả hy vọng đổi đời khiến dòng người di cư trái phép từ Morocco, Algeria, Libya, Tunisia, Serbia, Syria, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và nhiều nước khác vẫn ngày đêm tìm cách vượt biển, mạo hiểm với mạng sống của mình tìm đến châu Âu.

Cơ quan biên giới và cảnh sát biển châu Âu (Frontex) thống kê, riêng trong năm 2022 đã có tới 330.000 “người nhập cư bất thường” vào các nước châu Âu, một con số kỷ lục kể từ năm 2016.

Còn theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), dòng người vượt biên trái phép vào châu Âu tiếp tục gia tăng trong ba tháng đầu năm 2023, với số người nhập cư vào Italy là trên 20.000 người, tăng ba lần so với cùng thời điểm năm 2022.

Trong khi đó, số liệu của Anh ghi nhận, số người vào Anh tăng đột biến, với hơn 45.700 người. Thế nhưng, hầu hết những người di cư trái phép này sẽ bị trục xuất trở lại nơi xuất phát. Chỉ rất ít trong số này may mắn được sống trong những trại tỵ nạn và được ở lại bởi lý do nhân đạo hoặc chính trị.

Những thảm kịch mới

Theo thống kê của UNHCR, từ khi tổ chức này bắt đầu thực hiện Dự án người di cư mất tích và bắt đầu thu thập số liệu từ năm 2014 đến năm 2022, đã có 51.194 người thiệt mạng khi tìm cách vào châu Âu. Trong số những người thiệt mạng được thống kê, có tới 30.000 người không thể xác định được quốc tịch, 9.000 người đến từ các quốc gia châu Phi, 6.500 người thuộc các quốc gia châu Á và hơn 3.000 người từ các nước châu Mỹ.

Trong năm 2022, riêng các vụ chìm thuyền trên biển Địa Trung Hải, con đường gần nhất nối châu Phi với châu Âu, đã ghi nhận 25.104 người thiệt mạng. Những người này chủ yếu tìm đường đến Anh, Italy và Tây Ban Nha. Người di cư từ các nước khu vực Tây và Bắc Phi thậm chí còn vượt biển Tây Phi - Đại Tây Dương đến quần đảo Canary của Tây Ban Nha, rồi từ đó xâm nhập vào các nước châu Âu khác. Trong năm 2022 và ba tháng đầu năm 2023, tuyến này cũng ghi nhận 1.600 người thiệt mạng trong tổng số 2.947 nạn nhân tính từ năm 2021.

Ngoài hai tuyến trên, số người di cư trái phép vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp cũng cao bất thường. Số liệu năm 2022 của UNHCR cho thấy, đã có hơn 1.000 người mất mạng khi tìm cách đến châu Âu qua tuyến đường này. Băng qua sa mạc Sahara để vào EU cũng là một tuyến “tử thần” khác đối với những người di cư trái phép. Báo cáo của UNHCR cho thấy, từ 2014, có 5.620 người thiệt mạng trên tuyến băng qua sa mạc Sahara. Trong số này, chủ yếu là người tị nạn Afghanistan và người di cư từ các nước khu vực Tây Á và Nam Á.

Dòng người di cư tiếp tục gia tăng thì số người thiệt mạng cũng gia tăng. Thế nhưng, những người di cư bất hợp pháp với hy vọng đổi đời tiếp tục đổ về châu Âu không chùn bước. Các thảm kịch trên biển, trên biên giới đất liền vẫn liên tục xảy ra. Theo Frontex, chỉ riêng các vụ đắm thuyền trên biển Địa Trung Hải trong ba tháng đầu năm 2023 đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và làm hàng chục người mất tích.

Mới nhất, vào ngày 26/2, một chiếc thuyền chở người di cư từ Afghanistan, Iran và một số nước khác xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ đã chìm ở vùng biển phía Đông Calabria của Italy. Ít nhất 64 người chết và hàng chục người mất tích. Ngày 8/4, 20 người mất tích khi chiếc thuyền cao su bơm hơi của họ bị chìm ngoài khơi Tunisia do va phải đá ngầm. Ngày 9/4, một thuyền xuất phát từ Libya chở theo 400 người bị hỏng máy trôi giạt trên vùng biển giữa Hy Lạp và Malta. Sau đó, ngày 12/4, lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã tìm thấy 10 thi thể và cứu sống được 72 người trong khi 30 người vẫn đang mất tích. Trước đó, vụ lật tàu chở người di cư ngoài khơi Tunisia khiến ít nhất 27 người thiệt mạng…

Giải pháp cho bài toán hóc búa?

Tình trạng nhập cư trái phép gia tăng là thách thức lớn, đòi hỏi các nước châu Âu phải có biện pháp hữu hiệu và tiếng nói chung.

Phát biểu nhân Ngày quốc tế người di cư 18/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới cần “làm tất cả có thể” để ngăn chặn thiệt hại về tính mạng đối với người di cư, coi đây là mệnh lệnh nhân đạo, nghĩa vụ đạo đức và pháp lý. Ông Gunterres cho biết, thế giới hiện có khoảng 280 triệu người phải rời khỏi đất nước để tìm kiếm cơ hội và cuộc sống tốt hơn và nhấn mạnh, phần đông những người di cư một cách an toàn và trật tự đều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và gia tăng hiểu biết.

Chia sẻ nhận định của Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng giám đốc Tổ chức di cư quốc tế (IOM) Antonio Vitorino cũng cho rằng, người di cư là nền tảng của sự phát triển và tiến bộ. Lãnh đạo IOM kêu gọi loại bỏ chính trị hóa vấn đề di cư, cũng như quan điểm chia rẽ và thù địch đối với người di cư.

Tại hội nghị gần đây, nhiều thành viên EU ủng hộ thiết lập cơ chế chia sẻ gánh nặng theo nguyên tắc các nước thành viện tự nguyện nhận số lượng người di cư còn những nước không nhận thì phải đóng góp tài chính như đề xuất của Pháp và Italy. Thế nhưng, những gì đang xảy ra cho thấy, cơ chế này chưa đủ ràng buộc để cải thiện tình hình. Lãnh đạo EU nhất trí áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn để kiểm soát người di cư, để có thể trục xuất các trường hợp xin tị nạn bị từ chối. Một quốc gia thành viên có thể sử dụng phán quyết của tòa án ở nước thành viên khác để trục xuất người di cư trái phép trở về nước xuất xứ. Lãnh đạo EU cũng kêu gọi nỗ lực đóng góp mới của các thành viên, thành lập các quỹ chung hỗ trợ người di cư và tăng cường quản lý biên giới, củng cố hạ tầng và phương tiện giám sát.

Bất đồng quan điểm

Tuy nhiên, vẫn còn một số quốc gia EU không ủng hộ kế hoạch “tự nguyện chia sẻ và đóng góp” với mục tiêu có thể phân bổ mỗi năm 10.000 người tị nạn tới tất cả các nước thành viên mà Pháp, Italy là những nước hăng hái đề xuất. Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner kịch liệt phản đối vì cho rằng động thái này "gửi tín hiệu sai tới những băng nhóm buôn người". Hà Lan cũng cho biết họ sẽ không tiếp nhận những người xin tị nạn theo đề xuất. Trong khi đó, các quốc gia như Hungary, Ba Lan… đã từ lâu không ủng hộ bất kỳ cơ chế tái định cư người tị nạn một cách cưỡng ép nào. Nhiều nước EU ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn trong chính sách tị nạn. Tuy vậy, một số nước, trong đó có Ðức, quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn lao động di cư, lại quan tâm tới lợi ích từ người di cư và từ chối xây dựng các hàng rào cứng. Đức không muốn gây sức ép bằng cách rút viện trợ phát triển hoặc thị thực đối với các nước có người di cư.

Trong khi Thủ tướng Italy Giorgia Meloni hối thúc lãnh đạo EU hành động nhiều hơn, nhắc lại “trách nhiệm hỗ trợ người di cư là trách nhiệm chung” thì Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin lấy làm tiếc rằng Italy đã không hành xử như một quốc gia châu Âu có trách nhiệm. Quan chức này cho hay “việc quản trị các dòng di cư là một vấn đề chung tác động đến tất cả chúng ta, cần giải pháp nhất quán cho toàn bộ châu Âu”.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10/3 vừa qua, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thống nhất tăng cường hợp tác chống lại nạn buôn người qua eo biển Manche, xây hàng rào cao bốn mét và góp thêm 91 triệu Euro cho Pháp để tăng chi viện cho cảnh sát trên các bãi biển của Pháp. Đổi lại, cảnh sát Anh được phép tiếp cận các trung tâm kiểm soát người di cư của Pháp.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Anitta Hipper thừa nhận: “Di cư là một thách thức của châu Âu và phải được giải quyết cùng nhau”. Bà Sara Prestianni, nhà hoạt động nhân quyền thuộc tổ chức EuroMed Rights đánh giá: “Hiện nay chính sách di cư của châu Âu hướng ra bên ngoài nhiều hơn, với việc tăng cường cách tiếp cận bằng đòn bẩy và có điều kiện. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp, mà thậm chí còn là một phần của vấn đề. Thảm kịch gần đây càng gióng lên hồi chuông báo động và cho thấy, giải pháp duy nhất có thể ngăn người di cư bất hợp pháp mạo hiểm tính mạng là mở rộng con đường vào EU hợp pháp cho họ và EU phải có cách tiếp cận phù hợp, nhân đạo và có trách nhiệm hơn”.

(tổng hợp)

Đức Trí

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/van-nan-di-cu-thach-thuc-tieng-noi-chung-cua-eu-224252.html