Văn hóa phải là trung tâm, là động lực

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, Việt Nam không có cơ hội tiến cùng thời đại. Nhưng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội đang mở ra cho Thủ đô và đất nước ta. Vì thế, khát vọng phát triển phải được hiện thực hóa bằng quyết tâm chính trị và cách làm bài bản; mà trong đó, với Hà Nội, văn hóa phải được coi là điểm xuất phát, là trung tâm, là động lực.

Khát vọng phát triển rất lớn

- Là người tham gia vào quá trình xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, đồng chí cho biết ấn tượng về kết quả đại hội vừa qua là gì?

- Với mỗi đại hội có hai vấn đề quan trọng nhất là văn kiện và nhân sự, thì Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội (Đại hội XVII) đã thành công rất tốt đẹp.

Về văn kiện đại hội, ấn tượng với tôi là thành phố đã chuẩn bị rất chu đáo từ cách đây 2 năm khi Thành ủy Hà Nội triển khai chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm với 8 đề tài tổng kết tương ứng với 8 chương trình công tác toàn khóa nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI. Từng nội dung văn kiện đã được xây dựng công phu, chu đáo, cách lập luận, số liệu rất thuyết phục; thể hiện tinh thần gương mẫu, đoàn kết và khát vọng phát triển.

Về nhân sự, ấn tượng với tôi là Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đã bầu một lần được đủ 71 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ với số phiếu tập trung cao. Đây là đội ngũ trẻ và ngay trong Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy cũng có nhiều gương mặt trẻ.

- Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã thể hiện khát vọng phát triển, đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về nhận định này?

- Điều này trước hết thể hiện ngay trong chủ đề của Đại hội: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Tiếp đó là thông qua mục tiêu, chỉ tiêu phát triển với những con số đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao mới có thể thực hiện được, như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người và nhiều chỉ tiêu khác. Mặc dù Thủ đô và đất nước còn khó khăn, nhưng đứng trước cơ hội là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta đã quyết tâm nắm lấy.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đạt tỷ trọng kinh tế số trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2025 là 20%, trong khi Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã quyết nghị phấn đấu đạt khoảng 30%. Đây là khát vọng phát triển rất lớn.

Chú ý 2 khuyến nghị của UNESCO

- Thưa đồng chí, cơ hội để hiện thực hóa khát vọng phát triển đó ra sao?

- Ở ba cuộc cách mạng công nghiệp thế giới trước đây, Việt Nam không có cơ hội để hội nhập cùng nhân loại. Nhưng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có cơ hội, điều kiện để vận dụng, bứt phá, tiến cùng thời đại. Cái hay là dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã bắt đúng mạch này.

Tuy nhiên, người ta ví cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như một bên của dòng sông, để thành công cần có những “cây cầu” thể chế, cơ chế; đòi hỏi quyết tâm, khí thế đổi mới mạnh mẽ hơn cả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.

- Với Hà Nội, để khơi nguồn đổi mới, sáng tạo, từ đó biến những khát vọng phát triển thành hiện thực cần phải làm gì, thưa đồng chí?

- Tôi cho rằng, chính cơ hội với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khơi nguồn sáng tạo, đổi mới cho Thủ đô và đất nước.

Bên cạnh đó, chúng ta thấy rằng, năm 1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã phong tặng Hà Nội danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Năm 2019, đúng 20 năm sau ngày đó, UNESCO lại xếp Thủ đô ta vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của tổ chức này.

Khi UNESCO tôn vinh Hà Nội là Thành phố sáng tạo, chúng ta ngầm hiểu họ khuyến nghị Hà Nội vươn tới thực hiện 2 mục tiêu.

Thứ nhất, là phải phát huy tài nguyên trí tuệ con người. Trong tài nguyên con người, thì tài nguyên trí tuệ cực kỳ đặc biệt, vì mọi tài nguyên được khai thác đều dần cạn kiệt, riêng tài nguyên trí tuệ nếu biết khai thác thì càng dồi dào. Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa, có nguồn tài nguyên trí tuệ con người dồi dào nhất cả nước, nên phải làm được điều này.

Thứ hai, UNESCO khuyến nghị Hà Nội phải lấy văn hóa làm trọng, coi văn hóa là điểm xuất phát, là trung tâm, là động lực. Theo tôi, làm bất kỳ điều gì Hà Nội cũng phải nghĩ tới văn hóa, tính tới yếu tố văn hóa. Ví dụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế thì phải đặt câu hỏi văn hóa ở đâu, ứng xử với tự nhiên ra sao… Với Hà Nội, xây dựng một con đường, một cây cầu, một tòa nhà, một khu đô thị đều phải tính đến yếu tố văn hóa trong đó. Có dịp đến Paris (Pháp), chúng ta thấy, mỗi cây cầu bắc qua sông Seine là một công trình nghệ thuật khiến du khách đều phải dừng lại ngắm nhìn, chụp ảnh. Hàng triệu lượt khách trả phí để được làm điều ấy. Như vậy, văn hóa không chỉ khiến người ta nhớ, ấn tượng mà còn là nguồn thu, là nguồn lực phát triển.

Chính vì tầm quan trọng của văn hóa đối với Hà Nội như thế, nên khi Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy trước thềm Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo là phải nhận thức sâu sắc hơn, đúng tầm hơn trách nhiệm của Đảng bộ thành phố với toàn Đảng, trách nhiệm của Thủ đô với cả nước và đặc biệt, kinh tế Hà Nội có thể chỉ ở trong tốp đầu, nhưng văn hóa dứt khoát phải đứng đầu cả nước.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Còn nữa)

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/983957/van-hoa-phai-la-trung-tam-la-dong-luc