Văn hóa lễ hội ngày tết ở Lý Sơn

Lý Sơn là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, gồm 3 đảo là Cù Lao Ré (đảo Lớn), xã đảo An Bình (đảo Bé) và hòn Mù Cu, cách đất liền khoảng 30km. Lý Sơn không chỉ được biết đến với nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp mê hoặc lòng người, mà còn là địa danh chứa đựng những nét văn hóa truyền thống quý giá khó có vùng biển, đảo nào có được, đặc biệt là các lễ hội ngày tết cổ truyền…

Nói đến đảo Lý Sơn người ta nghĩ ngay đến lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tuy nhiên, ngoài lễ này, Lý Sơn còn có rất nhiều nghi thức lễ được lưu giữ, tạo nên bản sắc riêng của cư dân đất đảo, như: lễ dựng cây nêu ngày tết; lễ hội đua thuyền tứ linh; lễ cầu ngư; lễ cầu mùa, cầu an, tạ mùa, dồi bồng là nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa tín ngưỡng của người Lý Sơn. Vào dịp tết cổ truyền, trên đất đảo vẫn giữ gìn nguyên vẹn các nghi lễ truyền thống, phong tục tết của người Việt như đi tảo mộ, trang hoàng bàn thờ gia tiên, mua sắm các lễ vật để cúng tế ở đình, miếu… đều được chuẩn bị hết sức chu đáo.

Vào dịp tết Nguyên đán, theo tục lệ hằng năm, sau lễ cúng đưa ông Công, ông Táo về trời từ đêm 23, rạng sáng 24 tháng Chạp, các đình làng, dinh miếu và các nhà thờ tộc họ đồng loạt làm lễ dựng cây nêu để đón tết cổ truyền của dân tộc. Lễ thượng nêu là một trong những nghi lễ truyền thống trong dịp tết được người dân đảo quê hương Hải đội Hoàng Sa gìn giữ, lưu truyền hàng trăm năm nay. Trong khi ở nhiều địa phương cả nước, nghi lễ này bị mai một thì tại Lý Sơn vẫn được gìn giữ bảo tồn đến ngày nay. Đây là nghi thức ăn sâu vào tâm thức, văn hóa truyền thống người dân xứ đảo.

Chuẩn bị ghe đua ngày tết - Ảnh: Gia Minh

Bên cạnh đó, ở đảo Lý Sơn những ngày tháng Chạp, tất cả dinh miếu đều thấp thoáng bóng áo thụng xanh, thụng đỏ của các bô lão; tiếng trống, tiếng chiêng hòa lẫn trong tiếng sóng biển... Đó là lúc người dân Lý Sơn làm lễ hoàn nguyện, lễ tạ ơn các đấng thần linh, các bậc tiền hiền, các binh phu đi Hoàng Sa thuở trước, sau một năm ra khơi bám biển, một năm miệt mài trên những cánh đồng nhỏ hẹp quanh 5 ngọn núi Giếng Tiền, Thới Lới, Hòn Sỏi, Hòn Tai, Hòn Vung mà 15 vị tiền hiền khai phá từ thuở vua Lê Kính Tông trị vì.

Lễ hoàn nguyện, tạ ơn trên đảo Lý Sơn thường bắt đầu từ mồng 2 tháng Chạp đến ngày đưa ông Táo về trời 23 tháng Chạp. Tùy từng đình làng, dinh miếu thì lễ tạ ơn, lễ hoàn nguyện được diễn ra theo thứ bậc từ các miếu (của các lân) đến các dinh (của xóm, thôn), lăng (thờ Cá Ông của các vạn) xong mới đến đình (chung của làng)…

Có rất nhiều nghi lễ trong ngày tết ở Lý Sơn liên quan đến đời sống sản xuất của cư dân. Ngày tết, tất cả chủ thuyền trên đảo đều đến các dinh miếu trong làng để ra mắt thần, làm lễ nguyện cầu năm tới làm ăn được mùa, sức khỏe dồi dào. Đến tối mồng 3, sáng mồng 4 tết, tất cả dinh miếu có thuyền đua, đặc biệt là 2 đình làng An Vĩnh, An Hải làm lễ cúng ở 2 đình.

Đặc biệt, ngày tết ở Lý Sơn không thể thiếu lễ hội đua thuyền từ ngày mồng 4 đến mồng 8 âm lịch, từ già đến trẻ đều mong đến ngày được xem các tay đua trổ tài. Trong các lễ hội, lễ hội đua thuyền tứ linh được duy trì tổ chức hằng năm thu hút đông du khách trải nghiệm, khám phá. Lễ hội đua thuyền tứ linh được gìn giữ gần 200 năm qua, các thuyền đua mang biểu tượng tứ linh (long, ly, quy, phượng) được chạm khắc tinh xảo. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc…

Đến ngày mồng 7, các làng làm lễ hạ nêu, tế cáo thần linh kết thúc các nghi lễ mừng năm mới, để trở lại cuộc sống bình thường.

Thanh Trà (t/h)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/383/154363/van-hoa-le-hoi-ngay-tet-o-ly-son