Văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã 'chiếm lĩnh' thế giới như thế nào?

Đằng sau sự trỗi dậy của các hiện tượng văn hóa Hàn Quốc trong những năm gần đây là sự hợp lực của nhiều yếu tố.

BTS giành chiến thắng Top Social Artist trong lễ trao giải Billboard Music Awards 2018.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, sự phát triển phi thường của văn hóa Hàn Quốc đã tạo ra ảnh hưởng rất lớn trên phạm vi toàn cầu. Theo các nhà quan sát, thành công này là nhờ sự xuất hiện và lan truyền của “Hallyu” (Hàn lưu - Làn sóng Hàn Quốc).

Loạt bài này sẽ cố gắng tìm hiểu về cách mà Hallyu để lại những dấu ấn lớn khắp nơi trên thế giới, đồng thời tạo ra ngành công nghiệp tỷ USD cho xứ sở kim chi.

Năm 2008, Seung Bak cùng đối tác kinh doanh đến một đài truyền hình Hàn Quốc ở Los Angeles (Mỹ), mang theo 50.000 USD và yêu cầu được cấp phép phát trực tuyến các bộ phim của xứ sở kim chi.

Họ ngay lập tức gặp phải những ánh mắt kỳ lạ. Liệu có ai ngoài cộng đồng người Hàn Quốc sẽ xem các chương trình của đất nước này, thậm chí còn trả tiền cho chúng? Liệu khán giả Mỹ có chấp nhận việc phải đọc phụ đề để xem một bộ phim Hàn Quốc hay không?

Thời điểm đó, khi Netflix còn chưa được đón nhận rộng rãi, thật khó tưởng tượng sẽ có một ngày những nhóm nhạc như Blackpink, BTS hay các bộ phim như “Parasite” (phim châu Á đầu tiên thắng ở 4 hạng mục giải Oscar lần thứ 92 năm 2020), sau đó là “Squid Game” (bộ phim đoạt 4 giải Emmy Awards 2022) lại có thể tạo ra sức thu hút đối với thế giới và định nghĩa lại cách thức giải trí vượt qua biên giới như vậy.

Tuy nhiên, Bak và doanh nhân người Mỹ gốc Hàn Suk Park đã nhận thấy nhu cầu tìm kiếm các nội dung tiếng Hàn ở Mỹ và những nơi mà tiếng Anh là ngoại ngữ chiếm ưu thế. Số lượng không nhỏ người dùng đã tải lậu các chương trình, sản phẩm văn hóa Hàn Quốc vi phạm bản quyền hay mạo hiểm với phần mềm độc hại. Có điều gì đó đã kích thích sự cuồng nhiệt, khiến họ vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa.

Bak, người đồng sáng lập trang web trực tuyến DramaFever cho biết trang web của mình đã thử nghiệm với các chương trình từ khắp nơi trên thế giới nhưng dường như không có chương trình nào gây được tiếng vang với người dùng như cách các chương trình Hàn Quốc đã làm. Bak lúc đó tự hỏi rằng đất nước nhỏ bé này làm sao lại có thể tạo ra những thứ thu hút nhiều người đến vậy?

Nhóm nhạc Blackpink.

Vượt qua biên giới

Điều đó đã xảy ra với K-pop, khi người hâm mộ háo hức, đua nhau xem những video âm nhạc được sản xuất nhanh chóng và bắt chước bước nhảy của các nghệ sĩ Hàn Quốc trên YouTube. Điều đó cũng xảy ra với các bộ phim, chương trình gắn mác Hàn Quốc, khi chúng xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng trực tuyến, thậm chí là những vị trí ưu tiên.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ, ngành công nghiệp sáng tạo của Hàn Quốc đã mở rộng ra ngoài thị trường nội địa vốn hạn chế. Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, vào năm 2020, xứ sở kim chi lần đầu tiên đạt thặng dư thương mại về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nghệ thuật và văn hóa. Điều này đã tiếp diễn vào năm 2021.

Nhà xã hội học John Lie (Đại học California - Berkeley, Mỹ), người chuyên nghiên cứu về đất nước Hàn Quốc, cho biết Hàn Quốc có truyền thống hướng các ngành công nghiệp đến xuất khẩu. Điều này càng được tăng cường sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

“Bắt đầu từ giữa những năm 1990, chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành một phần của nền kinh tế quốc gia”, Dal Yong Jin, tác giả cuốn “Transnational Hallyu” viết.

Ngày nay, công nghiệp giải trí là một trong những ngành xuất khẩu phát triển nhanh nhất của đất nước này. Các chuyên gia kinh tế ước tính nó tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho Hàn Quốc mỗi năm.

Không chỉ vậy, từ sự lan tỏa của văn hóa đại chúng, nhiều người trở nên thích đất nước Hàn Quốc, thích các sản phẩm của Hàn Quốc, thích điện thoại thông minh, chất bán dẫn của họ. Kinh tế nhờ đó càng được kích thích tăng trưởng.

Nhóm Blackpink đã có 2 đêm diễn thành công ở SVĐ Mỹ Đình khiến nhiều bạn trẻ rất hào hứng.

Công thức thành công

Đằng sau sự “càn quét” của các hiện tượng văn hóa Hàn Quốc trong những năm gần đây là sự hợp lực của nhiều yếu tố.

Với K-pop, đó là nỗ lực của các hãng sản xuất âm nhạc và công ty tìm kiếm tài năng. Họ đã nhắm mục tiêu vào thị trường nước ngoài bắt đầu từ đầu những năm 2000, khi tuyển dụng các tài năng người Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, người Mỹ gốc Á cho các ban nhạc, đồng thời phát hành sản phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Một yếu tố khác là người hâm mộ. Đó là những người góp phần không nhỏ cho chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội khi đua nhau tải, phát trực tuyến các sản phẩm mới của thần tượng.

Trong khi đó, thành công của các bộ phim Hàn Quốc lại đến theo một cách khác, một phần nhờ vào việc Hàn Quốc có quan điểm cởi mở trong quản lý điện ảnh từ những năm 1960. Hàn Quốc cũng đưa nhiều tài năng về điện ảnh sang Mỹ học tập, và những người này về sau trở thành những nhân tố quan trọng trong việc phát triển nền điện ảnh nước này.

Phim Hàn Quốc dần dần đã có chỗ đứng ở Nhật Bản, sau đó là Trung Quốc, trước khi bùng nổ khắp châu Á, tạo nên cái gọi là "Hàn lưu”. Từ nội dung ban đầu dựa trên mô-típ những câu chuyện tình cảm lãng mạn, các bộ phim đã được cải thiện về chất lượng sản xuất, đa dạng hóa về thể loại, cốt truyện.

Với sự xuất hiện của các nền tảng trực tuyến như Netflix, phim Hàn tiếp cận được với khán giả phương Tây theo cách mà ngay cả những người tạo ra chúng cũng bất ngờ.

Đặc biệt, các bộ phim Hàn còn tạo ra trào lưu phê bình, “mổ xẻ” nội dung trên khắp thế giới, điển hình là những tác phẩm có tính phê phán xã hội sâu sắc như “Parasite” và “Squid Game”.

Mạng xã hội như Twitter cũng giúp các văn hóa Hàn Quốc đạt đến đỉnh điểm và tăng theo cấp số nhân trong giai đoạn 2017 – 2018. Giống như cách mở rộng cộng đồng người hâm mộ của K-pop, các bộ phim sẽ được người xemchia sẻ nhanh chóng và nhân rộng trên mạng xã hội.

Sau Netflix, các dịch vụ phát trực tuyến như Apple TV+ hay Disney+ đã ra mắt tại Hàn Quốc vào cuối năm ngoái, cùng một số nhà cung cấp khác. Tất cả những điều này mở ra chân trời mới cho ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc.

Đó là một sự đảo ngược ngoạn mục so với nhiều thập kỷ trước, khi mà các nhà làm phim Hàn Quốc lo sợ sẽ bị xóa sổ bởi sự xuất hiện của các bộ phim Hollywood. Người đại diện Studio Dragon, công ty sản xuất đứng sau các bộ phim truyền hình ăn khách của Hàn Quốc cho biết: “Sau ‘Parasite’, chúng tôi nghĩ thời của mình đã tới”.

_______________

Sự phát triển phi thường của văn hóa Hàn Quốc đã khiến cả thế giới thán phục. Không ít người đặt câu hỏi đất nước này đã làm thế nào để biến những điều những điều tưởng chừng không thể thành có thể? Bài kỳ 2, đăng sáng 5/8 sẽ phần nào trả lời câu hỏi này. Mời độc giả đón đọc.

Đàm Anh (Theo Dailysabah, Marketplace)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/van-hoa-ai-chung-han-quoc-a-chiem-linh-the-gioi-nhu-the-nao-a620248.html