Văn hóa ẩm thực góp phần phát triển du lịch

Phú Thọ là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng của thời đại Hùng Vương cùng các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, là nguồn tài nguyên quý giá thu hút du khách trong và ngoài nước về với Đất Tổ. Trong xu thế phát triển đó, văn hóa ẩm thực đã và đang trở thành một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, tạo sức hấp dẫn, định vị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến để thu hút du khách.

Du khách nước ngoài trải nghiệm gói và thưởng thức bánh chưng tại làng cổ Hùng Lô, thành phố Việt Trì.

Du lịch trên địa bàn tỉnh hiện đã và đang hình thành ba dòng sản phẩm chính phát triển rõ nét là: Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái cộng đồng. Là tỉnh có địa hình bán sơn địa, khí hậu ôn hòa, có vùng đồng bằng và trung du xen kẽ, hệ thống thủy lợi từ ba con sông lớn đã tạo cho nền nông nghiệp của tỉnh phát triển, cung cấp cho ngành dịch vụ du lịch nhiều tài nguyên ẩm thực phong phú, đặc sắc như: Bánh chưng, bánh giầy, gà chín cựa, cá sông Đà, mỳ gạo Hùng Lô, thịt chua… Có thể chia thành ba loại ẩm thực rất đặc thù của vùng Đất Tổ là: Ẩm thực gắn liền với lễ hội, văn hóa tâm linh; ẩm thực đặc sản của vùng và ẩm thực thường ngày của người dân.

Nhiều sản vật đặc trưng vùng Đất Tổ được bày bán trong các quầy hàng tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, thành phố Việt Trì mang trong mình sự giao thoa giữa nét hiện đại và vẻ đẹp truyền thống cốt lõi của vùng đất phát tích, kinh đô đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Đến nơi đây, du khách không chỉ được tham quan, chiêm ngưỡng những di tích lịch sử lâu đời gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước mà còn được thưởng thức những hương vị đậm đà, hấp dẫn của “ẩm thực cội nguồn" tại các tuyến phố ẩm thực Tiên Dung, Nguyễn Du… Với hàng trăm các nhà hàng lớn nhỏ, không gian độc đáo, ấm cúng. Nhiều đơn vị kinh doanh ẩm thực, dịch vụ du lịch đã đưa ẩm thực Đất Tổ vào nhà hàng, dưới bàn tay khéo léo của người đầu bếp để tạo nên những món ăn độc đáo, hấp dẫn mà chỉ có thể thưởng thức ở vùng đất ngã ba sông, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách.

Mâm cỗ lá của người Mường khiến nhiều du khách thích thú khi về với bà con vùng cao các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn.

Bên cạnh đó, du khách cũng có thể trải nghiệm các món ăn dân dã với mâm cỗ lá của đồng bào dân tộc thiểu số khi đặt chân đến các điểm du lịch như: Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc… Dựa vào nguồn nguyên liệu có trong tự nhiên, những món ăn được giới thiệu đến du khách phần lớn là những món ăn gắn với cuộc sống đời thường của người dân với nguồn nguyên liệu thực vật, động vật có sẵn như: Vịt suối Nhàng, rêu đá, rau dớn... Những món ăn này mang đến sự hài lòng cho người thưởng thức, nhất là những thực khách muốn từ ẩm thực để tìm hiểu về bản sắc văn hóa, đời sống sinh hoạt, thói quen ăn uống của người dân vùng cao. Không chỉ thưởng thức vị ngon, hương vị độc đáo của món ăn, mà câu chuyện về nguyên liệu, cách chế biến, cho đến ý nghĩa của các món ăn cũng mang đến những giá trị tinh thần, tạo sự thú vị, hào hứng cho chuyến đi.

Chị Hoàng Hải Ly - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi đến Phú Thọ không chỉ một lần, mỗi lần đều cho tôi những trải nghiệm mới mẻ. Trước khi đến tôi cũng tìm hiểu về những đặc sản ở đây với mong muốn khi đến nơi có thể thưởng thức một cách trọn vẹn nhất. Các món ăn đều có hương vị rất riêng, đặc biệt như: Cá lăng, canh rau rắn, thịt chua. Tôi vẫn thường mua thịt chua về làm quà cho gia đình sau mỗi chuyến đi”.

Là một trong những địa bàn trọng điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Thanh Thủy cũng đã và đang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, hình thành hệ thống các nhà hàng đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đồng thời xây dựng thương hiệu cho các sản vật đặc trưng của địa phương. Đến đây, du khách có thể thưởng thức ẩm thực độc đáo dân dã, những đặc sản nổi tiếng đã thành câu ca truyền khắp cả vùng như: “Chè Mai Miếu, điếu Sơn Vi, rượu Hạ Bì, tương làng Bợ”, bánh tẻ mật Đào Xá, bánh gai làng Vũ, bánh nẳng làng Đào. Nhiều nhà hàng đã khéo léo chế biến các sản phẩm tự có của địa phương thành các món ăn đặc sản cao cấp phục vụ cả bốn mùa như: “Dê núi đá, cá sông Đà”. Ẩm thực đã góp phần ttừng bước đưa Thanh Thủy trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách.

Thanh Thủy nổi tiếng với ẩm thực bốn mùa đặc biệt là cá sông Đà.

Tuy nhiên, để ẩm thực Đất Tổ trở thành một yếu tố quan trọng trong các tour du lịch không chỉ đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ, phục vụ cho nhu cầu của khách về ăn uống đơn thuần mà trở thành mục đích của các chuyến đi cần có các giải pháp nhằm khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực một cách hiệu quả. Ngoài việc có các cơ chế chính sách, kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng phục vụ ẩm thực, thì việc nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tại các cơ sở kinh doanh ẩm thực rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần tăng cường quảng bá ẩm thực địa phương, ẩm thực phục vụ du lịch, đặc sản ẩm thực và dịch vụ ẩm thực tại các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hoạt động riêng giới thiệu ẩm thực với du khách, tạo cơ hội cho du khách được thưởng thức và trải nghiệm ẩm thực… Việc khai thác và phát triển dịch vụ ẩm thực phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc vùng Đất Tổ sẽ đưa du lịch tỉnh đến gần với du khách, ghi dấu trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//du-lich-le-hoi/van-hoa-am-thuc-gop-phan-phat-trien-du-lich/190402.htm