Vẫn cần 'cởi trói' chính sách visa

Một số chuyên gia du lịch cho rằng, chính sách visa của Việt Nam vẫn khá chặt chẽ, cần thông thoáng hơn để tạo điều kiện thu hút khách du lịch quốc tế.

Qua khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho thấy nhờ chính sách miễn thị thực đơn phương cho một số thị trường trọng điểm như Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... nên lượng khách từ các quốc gia này tăng trưởng mạnh mẽ.

Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần thông thoáng hơn chính sách visa.

Theo đó, giai đoạn 2004-2018, lượng khách Nhật Bản tăng trung bình 8%/năm, Hàn Quốc tăng 20%/năm; Giai đoạn từ 2005-2018, lượng khách từ các nước Tây Âu tăng 9%/năm; từ 7/2015-2018, lượng khách từ các nước Bắc Âu tăng trung bình 15%/năm.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch cho biết, quý 1/2019, TAB đã tiến hành khảo sát khách quốc tế đến Việt Nam, các công ty lữ hành, tổ chức phi chính phủ,... từng xin visa vào Việt Nam. Kết quả cho thấy, có nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi Việt Nam cần cải thiện hơn nữa về chính sách visa.

Đầu tiên là vấn đề phí thị thực bởi theo quy định của nhà nước là 25 USD/người. Tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính cho hay, qua khảo sát, chỉ 18% số khách được hỏi nộp dưới 30 USD, còn phần lớn trên 30 USD, thậm chí có khách mất trên 90 USD, tức gấp gần 4 lần so với quy định. Điều này có nghĩa, họ phải chi những khoản phí khác, chẳng hạn như phí dịch vụ.

Bên cạnh đó, thời gian xin visa khá lâu, nếu làm visa điện tử bình thường là 5 ngày. Song, thực tế khách phải chờ từ 6-14 ngày, hoặc trên 14 ngày cũng có.

Chưa kể, thông tin chính thức để hướng dẫn cho khách nước ngoài xin visa vào Việt Nam vẫn còn nguồn chưa đáng tin cậy. Hiện 15% số khách được hỏi biết thông tin qua đại sứ quán, 14% qua Tổng cục Du lịch, 26% qua các công ty du lịch,… còn lại là những kênh thông tin phi chính thức, hay khách phải tìm qua công cụ tìm kiếm.

Khảo sát cũng cho thấy, lượng khách đến Việt Nam theo tour từ 16 ngày trở lên chiếm rất nhiều, trong khi chính sách miễn thị thực của Việt Nam lại chủ yếu từ 15 ngày trở xuống.

Trước thực tế nêu trên, ông Chính cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi một số hạn chế đang tồn tại trong chính sách visa.

Trước tiên, ông Chính kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần cải thiện thị thực điện tử (e-visa). Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần xác định rõ một trang website chính thức cho dịch vụ thị thực điện tử, do cơ quan Xuất nhập cảnh, Bộ Công an công bố. Ngoài ra, nên ưu tiên tên miền bằng tiếng Anh, trong đó có phần chuyển đổi ngôn ngữ tiếng Việt.

Hơn nữa, cần nâng thời hạn miễn thị thực theo mức tiêu chuẩn là 30 ngày nhằm góp phần thu hút du khách đường dài.

Ông Chính cho rằng, thay vì đề nghị miễn thị thực 30 ngày thì trong Dự thảo Luật Xuất nhập cảnh sửa đổi nên để là “miễn thị thực tối đa 30 ngày”. Như vậy, Chính phủ có thể quyết định tùy theo từng nước để áp dụng miễn thị thực 15 ngày hay 30 ngày.

TAB cũng đề xuất bỏ quy định “Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”. Điều này giúp khách quốc tế đến và xuất cảnh Việt Nam có thể thực hiện một chuyến đi tới một nước láng giềng trong thời gian họ lưu trú.

Ngoài ra, nên cải tiến các thủ tục xin thị thực tại cửa khẩu. Bởi theo ông Chính, hiện rất nhiều công ty, tổ chức trá hình làm dịch vụ chính thức xin thị thực cho khách du lịch và thu mức phí quá cao một cách tùy tiện.

TAB đề nghị, nếu Bộ Công an đồng ý cho các công ty dịch vụ tồn tại thì cần đưa ra quy định về mức phí dịch vụ, cũng như quyền hạn trách nhiệm của họ để bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch. Cần phân biệt rõ phí thị thực chính thức và phí dịch vụ, không nên để lập lờ, làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề miễn visa đơn phương, đại diện TAB cho hay đến hết 31/12/2019, một loạt quốc gia như Nga, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển sẽ hết hiệu lực.

Theo quan điểm của chuyên gia này, Chính phủ nên gia hạn thêm cho các thị trường nêu trên bởi, thị trường Hàn Quốc đứng thứ 2 trong số các thị trường có khách nhiều nhất đến Việt Nam (22%), chỉ sau Trung Quốc (32%); Nhật Bản xếp thứ ba, Nga xếp thứ 6,...

"Lượng khách của 3 thị trường này đã chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. 3 thị trường trên còn nằm trong số chi trả cao, hơn cả Trung Quốc và một số nước ASEAN, nếu giảm lượng khách thì đóng góp của ngành Du lịch sẽ giảm đáng kể", ông Chính phân tích.

Ngoài ra, đại diện TAB đề nghị bổ sung 6 quốc gia trọng điểm về du lịch như Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sĩ và Bỉ vào danh sách miễn thị thực. “Du lịch Việt Nam cần thị trường và chính sách đơn phương miễn visa cho một số quốc gia chính là cú hích để nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực”, đại diện TAB nhận định.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/van-can-coi-troi-chinh-sach-visa-114491.html