Vai trò quân sự của Nhật ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Nhật đóng vai trò quan trọng về mặt quân sự trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, song cũng đối mặt một số rủi ro giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.
Trao đổi với phóng viên của tờ The Diplomat, ông Robert Ward - Chủ tịch nhóm nghiên cứu về Nhật, đồng thời là Giám đốc mảng Địa Kinh tế và Chiến lược của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - đã đưa ra một số nhận định về vai trò quân sự của Nhật tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD), cũng như lầm rõ một số rủi ro mà Tokyo có thể sẽ phải đối mặt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung gia tăng.
Những thay đổi quan trọng trong Sách trắng quốc phòng 2021
Sách trắng quốc phòng năm 2021 của Bộ Quốc phòng Nhật (JMOD) hiện thu hút sự chú ý lớn của dư luận trong thời gian qua là vì bốn lý do chính.
Đầu tiên là việc Sách Trắng đã đề cập tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan và mối liên hệ của nó với an ninh của chính Tokyo. Đây là lần đầu tiên vấn đề an ninh khu vực eo biển được đề cập trong Sách trắng của Bộ Quốc phòng Nhật.
Thứ hai là sự tập trung vào quan hệ Mỹ - Trung, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung hiện là yếu tố then chốt đối với chính sách quốc phòng của Nhật.
Thứ ba là nêu bật việc Nhật ngày càng mở rộng quan hệ đối tác an ninh của mình ra ngoài khu vực và hướng tới các quốc gia khác ngoài Mỹ, như Đức, Anh và Pháp.
Thứ tư là Bộ Quốc phòng Nhật tăng cường tập trung vào nhu cầu đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) của nước này đối với các công nghệ tiên tiến. Trong bản tóm tắt của Sách trắng 2021 bằng tiếng Anh, cụm từ “nghiên cứu” đã được đề cập đến 17 lần, so với chỉ 2 lần vào năm 2020.
Ngoài ra, theo The Diplomat, trang bìa của Sách trắng 2021 cũng là yếu tố đáng chú ý. Khác với các năm trước, trang bìa Sách trắng năm nay là bức vẽ một chiến binh Samurai trên một con ngựa chiến mạnh mẽ. Đây được cho là một phần trong những nỗ lực của Tokyo nhằm tăng cường tuyển mộ vào quân đội, cũng để thu hút sự ủng hộ đối với các sáng kiến chính sách của Bộ Quốc phòng nước này.
Nâng cao vai trò quân sự của Nhật trong khu vực AĐD-TBD
Vai trò quân sự trong khu vực của Nhật bị giới hạn bởi “hiến pháp hòa bình” và những ràng buộc chính trị trong nước. Tuy nhiên, Tokyo đã rất tích cực trên nhiều mặt trận để cố gắng vừa cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và vừa đóng vai trò lớn hơn trong liên minh của Mỹ.
Tokyo đã mở rộng danh sách các quốc gia mà họ tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung. Theo đó, Nhật đã cùng Pháp tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên trên lãnh thổ của mình hồi tháng 5. Chính quyền Tokyo cũng đã lên tiếng ủng hộ hành trình của Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh trong khu vực. Ngoài ra, số lượng các cuộc tập trận chung của Nhật với Mỹ cũng tăng lên.
Bênh cạnh đó, Nhật cũng tập trung vào việc xây dựng năng lực ở khu vực Đông Nam Á, nhằm hỗ trợ các quốc gia ven biển củng cố khả năng thực thi pháp luật.
Đối thoại An ninh “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) - liên minh bốn quốc gia gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc - đã có được nhiều động lực hơn, phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn đến liên minh của các nước thành viên, cũng như phản ánh sự tích cực trở lại của Ấn Độ sau khi xảy ra một số căng thẳng với Bắc Kinh.
Động lực này đã được thể hiện thông qua cuộc tập trận Malabar 2020. Đây là lần đầu tiên Úc tham gia tập trận cùng với Nhật, Mỹ và Ấn Độ.
Động lực này cũng đã thúc đẩy việc mở rộng các hoạt động của nhóm QUAD sang các lĩnh vực an ninh kinh tế, như chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu và phân phối vaccine.
Đối với Nhật, nhóm QUAD là một nền tảng quan trọng để Tokyo có thể củng cố sự ủng hộ của mình đối với một “trật tự dựa trên lệ” trong khuôn khổ một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Ưu tiên chiến lược của Mỹ trong quan hệ Mỹ - Nhật
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden coi Nhật là một bên đối thoại quan trọng ở AĐD-TBD. Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm ông Biden sau khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Ngoài việc Mỹ thúc đẩy Nhật "đóng góp nhiều hơn" trong liên minh an ninh song phương, chính quyền ông Biden có hai ưu tiên chiến lược chính trong quan hệ giữa hai quốc gia.
Đầu tiên là đảm bảo sự đóng góp của Tokyo vào những nổ lực thúc đẩy an ninh kinh tế của chính quyền Washington. Các yếu tố về công nghệ cao đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nổ lực này, do Mỹ lo ngại về tầm ảnh hưởng của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei trong các hệ thống mạng 5G toàn cầu và về việc Bắc Kinh muốn trở thành một “nhà thiết lập quy tắc công nghệ”.
Thứ hai là tăng cường hợp tác giữa các nước nhóm QUAD. Theo The Diplomat, chính quyền ông Biden gặp một số trở ngại trong việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì lẽ đó, QUAD là một công cụ quan trọng về mặt chiến lược đối với sự can dự của Mỹ trong khu vực AĐD-TBD.
Ba rủi ro địa chính trị mà Nhật phải đối mặt
Ba rủi ro địa chính trị hàng đầu mà Nhật phải đối mặt đều liên quan đến Trung Quốc.
Mối lo ngại đầu tiên liên quan đến việc Bắc Kinh thực hiện các hoạt động thăm dò quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) với cường độ ngày càng dày đặc trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh.
Thứ hai là mối quan ngại về một tình huống bất ngờ có thể xảy ra ở Đài Loan, vì những tác động địa chính trị của nó đến khu vực.
Thứ ba là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Có nhiều ví dụ về điều này, bao gồm việc Bắc Kinh từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế (vốn không công nhận yêu sách “đường chín đoạn” của nước này ở Biển Đông), việc nước này gia cố và mở rộng các đảo trên biển, cũng như các hoạt động cưỡng chế của đội tàu đánh cá của Trung Quốc trong khu vực.
Sự bất ổn ở khu vực Biển Đông được xem là mối đe dọa trực tiếp đối với việc duy trì các tuyến hàng hải của Nhật cũng như đối với các đồng minh của Nhật trong khu vực.