Vai trò của tổ chức hội phụ nữ trong phòng, chống bạo lực gia đình

Những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các nạn nhân, đồng thời giúp hội viên xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Thực tế cho thấy, bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra với nhiều nguyên nhân: Tư tưởng trọng nam khinh nữ; việc phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc BLGĐ gặp nhiều khó khăn, do phần lớn phụ nữ bị bạo lực còn e ngại, không báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng; nhiều chị thiếu hiểu biết về Luật phòng, chống BLGĐ, thiếu kỹ năng ứng xử khi có mâu thuẫn, xung đột... dẫn đến tổn thương về vật chất và tinh thần. Trong khi đó, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh đối với những người có hành vi BLGĐ.

Một buổi sinh hoạt của CLB phòng chống bạo lực gia đình xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai).

Bà Vũ Thị Thu Lan, Trưởng ban Gia đình - Xã hội - Kinh tế (Hội LHPN tỉnh), cho biết: 5 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức gần 1.100 cuộc tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ cho trên 200 nghìn lượt hội viên phụ nữ. Đồng thời, tổ chức các chiến dịch truyền thông với chủ đề “Hạnh phúc gia đình, mình cùng vun đắp”, “Đồng hành cùng thành công của phụ nữ”.

Các cấp hội đã tổ chức 64 lớp tập huấn năng lực nhận diện, phát hiện BLGĐ, làm việc với nạn nhân BLGĐ, người gây bạo lực, kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho hơn 2.500 cán bộ, hội viên, cộng tác viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở... Phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa các huyện, thành phố tuyên truyền 12 chuyên đề, cung cấp hơn 6.000 cuốn sách, 5.000 cuốn truyện tranh, 350 tờ áp phích; 4.927 cuốn sách lật tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ...

Bên cạnh đó, các cấp hội thành lập 61 câu lạc bộ “Gia đình bình đẳng giới”, 139 địa chỉ tin cậy tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Các mô hình CLB: “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình nuôi dạy con tốt”; “Nhóm cha mẹ có con từ 0 - 8 tuổi” duy trì hoạt động hiệu quả; đội ngũ hòa giải viên cơ sở với 216 thành viên; trong đó, chi hội trưởng, chi hội phó chi hội phụ nữ làm thành viên nòng cốt tham gia can thiệp, hòa giải kịp thời các vụ BLGĐ, những mâu thuẫn xảy ra ở cơ sở. 5 năm qua, các tổ hòa giải đã hòa giải thành công 539/670 vụ liên quan đến BLGĐ...

Là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống BLGĐ, Hội LHPN huyện Thuận Châu đã xây dựng các CLB: “Phòng, chống BLGĐ”, “Bình đẳng giới”, “Mẹ và con gái”, “Mẹ chồng - nàng dâu” tại các xã Mường Khiêng, Chiềng Ly, Phổng Lăng… Định kỳ hằng tháng, các CLB tổ chức sinh hoạt với nội dung xoay quanh các chủ đề: Dân số - kế hoạch hóa gia đình; kỹ năng chăm sóc, giáo dục con cái; vận động người thân trong gia đình không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội; tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ...

Chị Lường Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thuận Châu, chia sẻ: Nhờ tham gia hoạt động các mô hình, nhận thức của hội viên về phòng, chống BLGĐ dần được nâng lên. Chị em không còn cam chịu và nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Không chỉ là chỗ dựa cho hội viên về mặt tinh thần, Hội LHPN tỉnh còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực để chị em phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập ổn định, tự tin làm chủ cuộc sống, từ đó giảm nguy cơ BLGĐ. 5 năm qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức 259 lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, điện dân dụng, cắt may, giầy da cho trên 8.000 lượt hội viên. Nhận ủy thác trên 1.400 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho trên 36.000 hội viên vay đầu tư sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các mô hình: Nuôi cá ao, nuôi gà lai ri, bò sinh sản, trồng chanh leo, xoài tròn và thêu may trang phục Mông cho 203 hội viên tại các huyện Thuận Châu, Yên Châu, Phù Yên, Bắc Yên, tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng...

Với mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, giảm tải những bạo lực có thể xảy ra, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, giáo dục, đa dạng hóa các hình thức truyền thông về vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; phối hợp với ngành chức năng cung cấp số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ. Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên phòng, chống BLGĐ có kỹ năng tư vấn cho nạn nhân, người gây bạo lực; kỹ năng xử lý tình huống khi có bạo lực xảy ra; có kiến thức pháp luật về phòng, chống BLGĐ, làm tốt công tác hòa giải tại cơ sở...

Nguyễn Thị Duyên (Trường Chính trị tỉnh)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/vai-tro-cua-to-chuc-hoi-phu-nu-trong-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-39081