V.League và 'quyền lực' cổ động viên

V.League đang phản ánh 'quyền lực' của khán giả từ việc cổ động viên Than Quảng Ninh 'đòi' tiền nợ cho cầu thủ đến cổ động viên Hải Phòng yêu cầu Chủ tịch câu lạc bộ từ chức.

Ông Văn Trần Hoàn (còn gọi là Hoàn "pháo") - một doanh nhân là một cổ động viên của bóng đá Hải Phòng đã thay thế ông Trần Mạnh Hùng ngồi vào vị trí Chủ tịch đội bóng. Bóng đá Hải Phòng có "sang một trang mới" hay không thì phải chờ nhưng qua đây, có thể thấy quyền lực của các cổ động viên đất Cảng.

Nói là quyền lực là bởi từ trước đến nay, cổ động viên Hải Phòng luôn mang đến cho V.League cả sự cuồng nhiệt, lùm xùm xen lẫn cả rắc rối trong những trận đấu "nóng". Thậm chí, những màn pháo sáng vô tội vạ, cổ động quá khích của cổ động viên Hải Phòng cũng từng khiến VFF thay đổi cả quy định kỷ luật và VPF thay đổi một số quy định ở các trận đấu tại V.League.

Cổ động viên Hải Phòng phản đối ông Trần Mạnh Hùng. Ảnh: H.A

Cách đây không lâu, các cổ động viên Hải Phòng đã liên tục căng băng rôn yêu cầu Chủ tịch Trần Mạnh Hùng từ chức. Đó là hệ quả của các trận đấu bết bát ở V.League 2021 và cả những mùa giải gây thất vọng đã qua. Và những thông điệp từ cổ động viên cùng với nhiều thực tế bất cập trong cách làm bóng đá đã khiến lãnh đạo thành phố Hải Phòng vào cuộc. Kết quả, ông Hùng mất ghế, quyền lực được chuyển giao cho cổ động viên đặc biệt Hoàn "pháo". Cổ động viên Hải Phòng thực sự đã "không lòng vòng". Thế nhưng rất nhiều người cũng đang quan tâm, khi quyền lực của đội bóng về tay cổ động viên rồi, bóng đá Hải Phòng sẽ thay đổi ra sao?

Để trả lời cho vấn đề của Hải Phòng, hãy nhìn sang câu chuyện của Than Quảng Ninh. Đây cũng là địa phương mà các cổ động viên cũng được biết đến là có tình yêu rất cuồng nhiệt với đội bóng và cũng thể hiện vai trò, quyền lực.

Sau mùa giải 2020, khi hàng loạt trụ cột của đội bóng ra đi, Than Quảng Ninh có lúc rơi vào cảnh khó khăn khi thiếu cả quân tập. Các cổ động viên đã kêu gọi một đội bóng nghiệp dư làm "quân xanh". Khi đội bóng "vỡ nợ", hàng loạt cầu thủ bị nợ tiền lương trong 8 tháng, bị nợ tiền thưởng, tiền lót tay từ những mùa giải trước lên đến 90 tỉ đồng, các cổ động viên cũng chung tay.

Họ không chỉ cùng nhau quyên góp để hỗ trợ tạm thời cho các cầu thủ, mà còn có những lá đơn huy động cả nghìn chữ ký gửi lãnh đạo tỉnh. Sau rất nhiều lần ý kiến, truyền thông vào cuộc, cuối cùng tài khoản của các cầu thủ cũng đã "ting ting". Bóng đá sống vì khán giả mà chết cũng vì khán giả là vậy, trong trường hợp này có thể hiểu theo đúng nghĩa đen.

Hải Phòng khác Quảng Ninh ở chỗ, họ được tỉnh hỗ trợ về kinh phí duy trì hoạt động, được quan tâm. Thế nhưng, chính người những quản lý đội bóng đã không vận hành hiệu quả. Nói đúng hơn, người quản lý có tầm nhưng không có tâm và ngược lại, có tâm nhưng chưa hẳn có tầm quản lý. Khi khúc mắc gặp phải, tỉnh vẫn là nơi giải quyết.

Than Quảng Ninh được nuôi bởi một doanh nhân là ông Phạm Thanh Hùng. Nói đúng hơn thì đó là một người yêu bóng đá, một cổ động viên đặc biệt, như cách nói của chính ông Hùng. Quyền lực nằm trong tay cổ động viên, thế nhưng không phải lúc nào cũng thay đổi được cục diện, như việc trả lương cho các cầu thủ. Khi vấn đề phát sinh, cuối cùng vẫn "kêu" địa phương.

Cần nhìn nhận vấn đề ở đây, giữa cổ động viên và người làm bóng đá luôn có những góc nhìn cuộc chơi khác nhau. Khi nào bóng đá Việt Nam thoát hẳn khỏi sự bao cấp, lúc đó những quyền lực thực sự mới nằm trong tay khán giả. Còn quyền lực hiện tại của những cổ động viên chỉ đơn giản là những cuộc thay đổi một vị trí hoặc một điều lệ nào đó. Còn sau đó, vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cổ động viên Hải Phòng có thể kéo đổ ghế ông Hùng "bói cá", thế nhưng họ không chắc chắn, ông Hoàn "pháo" có thực sự là giải pháp bền vững. Hãy chờ xem, bóng đá Hải Phòng sẽ thay đổi ra sao. Mong rằng, bản sắc sẽ trở lại Lạch Tray.

Việt Nam gặp Lebanon tranh vé dự Futsal World Cup 2021

Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã đặc cách cho ba đội bóng Iran, Nhật Bản và Uzbekitsan đi thẳng đến Vòng chung kết Futsal World Cup 2021. Hai suất còn lại của châu Á sẽ được xác định thông qua đá play-off giữa 4 đội tuyển gồm Việt Nam, Thái Lan, Iraq và Lebanon.

Theo kết quả bốc thăm của AFC ngày 27/4, Việt Nam sẽ chạm trán Lebanon. Các đội sẽ đá theo thể thức lượt đi và về (sân nhà, sân khách). Đội thắng chung cuộc sau 2 lượt trận sẽ giành suất dự Vòng chung kết Futsal World Cup 2021.

AFC thông báo, các trận lượt đi play-off sẽ diễn ra vào ngày 20/5 và các trận lượt về sẽ diễn ra vào ngày 25/5. Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thể thức thi đấu sân nhà, sân khách sẽ là thách thức lớn cho đội tuyển futsal Việt Nam cũng như 3 đội còn lại.

Được biết, địa điểm tổ chức diễn ra tại sân trung lập, dự kiến tại Dubai (UAE). Ông Trần Ah Tú - Ủy viên Thường trực VFF cho biết, đội tuyển futsal Việt Nam sẽ tập trung ngày 3/5, sau khi giải futsal Vô địch quốc gia 2021 kết thúc vào cuối tháng 4. Trong thời gian tới, Ban huấn luyện đội tuyển futsal sẽ lên kế hoạch chuẩn bị lực lượng cho đội tuyển.

Đội tuyển futsal Việt Nam đang được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Phạm Minh Giang sau khi chia tay ông Miguel Rodrigo. Ông Phạm Minh Giang hiện tại đang dẫn dắt Thái Sơn Nam tham dự giải futsal Vô địch quốc gia 2021 đang diễn ra tại Đắk Lắk.

Nếu vượt qua vòng play-off, Việt Nam sẽ có cơ hội lần thứ 2 tham dự Vòng chung kết Futsal World Cup. Trước đó, chúng ta lần đầu tiên dự giải đấu này vào năm 2016 với kỳ tích vượt qua Nhật Bản ở tứ kết Vòng chung kết Futsal châu Á 2016.

Vòng chung kết FIFA Futsal World Cup 2021 với sự tham dự của 24 đội tuyển sẽ được tổ chức tại Lithuania từ ngày 12/9 đến 13/10. (H.H)

Hưng Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-hoa/v-league-va-quyen-luc-co-dong-vien-638988/