Ủy ban chứng khoán: khi thị trường có nhiều biến động, nhà đầu tư cần tỉnh táo với tin giả và tin đồn

Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khuyến nghị nhà đầu tư nhà đầu tư cần tỉnh táo với tin giả, tin đồn trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động.

Chia sẻ với báo chí chiều 13-4, bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, UBCKNN – khuyến nghị nhà đầu tư cần thực sự bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng tình hình vĩ mô thế giới, trong nước, cũng như tình hình sản xuất – kinh doanh của từng doanh nghiệp trong bối cảnh các chỉ số trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có xu hướng đi ngang và giảm nhẹ do chịu ảnh hưởng từ động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kì (FED), xung đột Nga – Ukraine, thông tin một số sự vụ tại một số doanh nghiệp cụ thể.

“TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan, vì vậy nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế, tránh đầu tư theo trào lưu, đầu cơ rủi ro cao. Ngoài ra, cần theo dõi thông tin chặt chẽ tại các nguồn thông tin chính thống, tránh bị tác động tâm lý không mong muốn từ tin giả và tin đồn, dẫn đến sai lầm trong đầu tư”, bà Bình nói.

Bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, UBCKNN. Ảnh: Quang Phúc.

Cũng theo bà Bình, triển vọng tích cực của nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 là hai yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp TTCK tránh khỏi các nhịp điều chỉnh sâu trong quý 1-2022.

Về vĩ mô, đại diện UBCKNN cho biết số liệu của Thổng cục Thống kê cho thấy các hoạt động kinh tế – xã hội đang khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất có khả năng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi trong năm 2022.

“Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào thị trường chứng khoán”, bà Bình phân tích.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quán triệt nhiều chính sách sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thông qua nhiều giải pháp về thuế, hải quan để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Về thị trường, chỉ số VnIndex tại thời điểm kết thúc quý 1-2022 giảm 0,4% so với cuối năm 2021, nhưng giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tăng 1,6 lần so với cùng kỳ giai đoạn năm trước. Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân tiệm cận mức 5 triệu tính tới cuối tháng 3-2022, chính thức hoàn thành chỉ tiêu 5% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán trước 3 năm so với mục tiêu của Chính phủ.

Ngoài ra, mức định giá của TTCK Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn so với nhiều thị trường khu vực. Cụ thể, tỷ lệ P/E dự báo 12 tháng của VN-Index vào đầu tháng 3-2022 đạt khoảng 13,3 lần, thấp hơn mức từ 16 – 17 lần tại các thị trường khu vực ASEAN, theo Reuters.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan. Theo thống kê, có 1.293/1.609 công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 tính tới 31-3-2022, tương đương 80% tổng số công ty báo cáo. Trong đó, 1.156 công ty báo cáo có lãi, chiếm 89% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo.

Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 598/632 công ty niêm yết báo cáo có lãi trong năm 2021, chiếm 95% số công ty niêm yết thực hiện báo cáo, cao hơn số công ty niêm yết báo lãi trong năm 2020 là 584/632, tương đương 92%.

“Với triển vọng phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên TTCK đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng cao trong năm 2022”, bà Bình cho biết.

Đáng lưu ý, TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ được cho “đặc sản riêng có” so với nhiều thị trường khu vực, gồm: kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh, theo bà Bình.

Về diễn biến thị trường hơn 1 tháng qua, bà Bình cho biết những rủi ro địa chíh trị quốc tế đã khiến áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, đặc biệt là sức ép giá cả nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là năng lượng. Những yếu tố đó tác động tới triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán trong nước cũng chịu tác động một phần từ các thông tin sự vụ tại một số doanh nghiệp cụ thể, hay một số tin đồn, tin bất lợi trên thị trường bất động sản khiến tâm lý nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân thận trọng và gia tăng hoạt động chốt lời.

“Diễn biến của TTCK Việt Nam cũng có sự tương đồng với các thị trường quốc tế. Những tín hiệu về khả năng ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát và căng thẳng chính trị giữa Nga – Ukraine cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu. Nhiều TTCK châu Âu, Mỹ và một số thị trường châu Á cũng biến động mạnh và theo chiều hướng giảm”, bà Bình lý giải

Về công tác quản lý thị trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 2 công điện chỉ đạo nhiều biện pháp để bảo đảm TTCK, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị chức năng trong việc tăng cường sự phát triển ổn định, lành mạnh của TTCK. Theo đó, hàng loạt sai phạm cũng đã được các cơ quan quản lý xử lý nghiêm.

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng vì có hành vi thao túng TTCK, hay sai phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

“Những chỉ đạo và hành động quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong tương lai. UBCKNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, cũng như rà soát, tiến hành xử lý các đối tượng tung, phát tán tin giả, tin đồn sai sự thật trên thị trường”, bà Bình nói.

Vân Phong

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/uy-ban-chung-khoan-khi-thi-truong-co-nhieu-bien-dong-nha-dau-tu-can-tinh-tao-voi-tin-gia-va-tin-don/