Ưu đãi đầu tư - Giám sát kịp thời để tránh chuyển giá, đầu tư chui!

Dự thảo luật cần quy định việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia, đầu tư đồng bộ thông suốt về DN, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI để các cơ quan Trung ương, địa phương tổng hợp đánh giá, giám sát hiệu quả kịp thời, tránh tình trạng chuyển giá, đầu tư chui, đầu tư núp bóng và các vi phạm khác.

Đây là quan điểm của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) khi góp ý vào Dự án Luật Đầu tư sửa đổi. Đại biểu cho rằng, thời gian qua nước ta đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi đã thu hút nhiều hơn nguồn lực từ nước ngoài. Tuy nhiên, các ưu đãi đã bộc lộ nhiều bất cập như hệ thống chính sách pháp luật, tính minh bạch, đơn giản vừa qua còn chưa cao, còn chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

Bên cạnh việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi đối với thu nhập DN làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý, dễ tạo khe hở cho các DN lợi dụng giảm thuế phải nộp, gây nên tình trạng bất công bằng trong động viên thuế giữa các đối tượng.

Theo đại biểu, vì chính sách ưu đãi không ổn định nên DN không tự tính trước được hiệu quả kinh doanh trung và dài hạn, cũng là nguyên nhân hạn chế việc thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Do đó, Dự thảo luật cần bổ sung quy định rõ hơn nguyên tắc thực hiện chính sách ưu đãi theo hướng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định mà phải đảm bảo tính ổn định vĩ mô. Sự ổn định, minh bạch, cụ thể hóa còn có ý nghĩa rất quan trọng, tránh chồng chéo trong các quy định pháp luật, làm điều kiện tốt nhất cho các DN thu hút đầu tư.

Ngoài ra, dự thảo luật cần quy định việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia, đầu tư đồng bộ thông suốt về doanh nghiệp, đặc biệt là các DN FDI để các cơ quan trung ương, địa phương tổng hợp đánh giá, giám sát hiệu quả kịp thời, tránh tình trạng chuyển giá, đầu tư chui, đầu tư núp bóng và các vi phạm khác.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhìn nhận, việc sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư khả thi, đảm bảo quyền nhà đầu tư được tiếp cận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

“Tuy nhiên tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định rõ về trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì phải có chế tài xử lý, thu hồi các khoản ưu đãi, hỗ trợ mà họ được hưởng để đảm bảo chặt chẽ và công bằng”, đại biểu nói.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) dẫn Dự luật quy định nhà đầu tư tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan và các cơ quan khác có thẩm quyền tương ứng với từng loại hình ưu đãi đầu tư.

Theo đại biểu, quy định này khiến nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phải tự xác định ưu đãi đầu tư, phải tự thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gây tốn nhiều thời gian, chi phí cho nhà đầu tư.

Như vậy, đại biểu cho rằng, với một Cty có thể đồng thời có nhiều dự án hoặc cấu phần với các mức thuế suất thuế thu nhập được ưu đãi khác nhau. Đây chính là cơ sở để khuyến khích các DN thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận từ dự án cấu phần đầu tư có mức thuế suất cao sang dự án cấu phần đầu tư có mức thuế suất thấp để trốn thuế.

Việc chuyển giá, trốn thuế lại càng dễ dàng hơn khi luật cũng không có những quy định về việc xác định giá trị vốn đầu tư ban đầu của DN. Đặc biệt dự thảo luật đã đưa thêm quy định về ưu đãi đặc biệt tại khoản 3 Điều 20 với mức ưu đãi rất lớn, tối đa thêm 50% so với các mức ưu đãi cao nhất trong Luật Thuế thu nhập DN hiện hành và tiêu chí cơ bản để được hưởng ưu đãi đặc biệt là căn cứ trên tổng mức vốn đầu tư.

“Theo tôi trong trường hợp thật sự cần thiết đưa ra các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt để thu hút đầu tư nước ngoài, đề nghị cần cân nhắc áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế dựa trên chi phí như các nước đã bắt đầu áp dụng, ví dụ như khấu hao nhanh, tăng mức chiết trừ thu nhập chịu thuế.

Cơ chế này đảm bảo rằng chỉ khi dự án đi vào thực hiện có đầu tư thực tế, có chi phí thực tế thì mới được hưởng ưu đãi, chống được hiện tượng đầu tư ảo và khai vống vốn đầu tư...

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/uu-dai-dau-tu-giam-sat-kip-thoi-de-tranh-chuyen-gia-dau-tu-chui-195178.html