Ủng hộ tuyến đường sắt đoạn Vũng Tàu theo đường 2 Tháng 9

Các ý kiến cho rằng lựa chọn phương án đi theo đường 2 Tháng 9 sẽ giảm diện tích giải phóng mặt bằng, số lượng dân bị ảnh hưởng ít và đặc biệt là kết nối trực tiếp vào trung tâm TP Vũng Tàu.

Đầu tháng 2-2023, Thường trực UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp để nghe đơn vị tư vấn báo cáo về hướng tuyến và nhà ga thuộc dự án tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa phận tỉnh. Trong đó, hướng tuyến đoạn qua địa bàn TP Vũng Tàu - điểm cuối của dự án nhận được nhiều ý kiến trao đổi nhất.

Hướng tuyến cũ ảnh hưởng gần 660 nhà dân

Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), đơn vị tư vấn dự án, cho hay năm 2013 Bộ GTVT thông qua quy hoạch hướng tuyến dự án trên. Theo đó, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đường sắt sẽ đi từ thị xã Phú Mỹ qua Bà Rịa về Vũng Tàu theo hành lang kỹ thuật rộng 200 m và đi song song về bên phải Quốc lộ 51. Khi đến ngã tư đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu (ĐT 994) - tức ngã ba đường Trường Sa hiện hữu sẽ rẽ tiếp vào trục đường 30 Tháng 4 để về điểm cuối là ga Vũng Tàu (khu vực gần sân bay Vũng Tàu).

Theo đơn vị tư vấn, phương án này có thuận lợi là hướng tuyến đã nằm trong các quy hoạch được duyệt nên không cần điều chỉnh. Tuy nhiên, hướng tuyến này lại chưa tiếp cận vào khu vực trung tâm nên phạm vi ảnh hưởng của ga nhỏ, giảm khả năng phục vụ hành khách và cư dân. Diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB) là 254 ha với khoảng 660 nhà dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị đơn vị tư vấn vẫn chọn phương án này, bám sát quy hoạch cũ, không điều chỉnh. Bởi theo ông Thọ, việc làm lại hồ sơ quy hoạch rất mất thời gian.

Đường sắt đi trên cao không ảnh hưởng đô thị

Tuy nhiên, những ý kiến khác tại cuộc họp lại đánh giá hướng tuyến chuyển sang đường 2 Tháng 9 hợp lý hơn và phân tích sâu những mặt được của phương án này.

Theo tư vấn, sau 10 năm quy hoạch được duyệt nhưng chưa có kinh phí triển khai, hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông tại Vũng Tàu có nhiều thay đổi. Mục đích vận tải hàng hóa về Vũng Tàu không còn, thay vào đó chỉ là nhu cầu vận chuyển hành khách, đặc biệt là khách du lịch. Do đó, đơn vị tư vấn đưa thêm phương án 2 để tỉnh lựa chọn. Qua đánh giá, đơn vị tư vấn nhận thấy đây là phương án phù hợp với định hướng phát triển của Vũng Tàu.

Theo đó, hướng tuyến khi đến ngã ba đường Trường Sa hiện hữu sẽ đi tiếp qua Ẹo Ông Từ để vào trục đường 51B (đường 2 Tháng 9 - đường Bình Giã). Điểm cuối ga hành khách dự kiến tại khu vực Bàu Trũng. Phương án này sẽ tiếp cận trực tiếp vào trung tâm TP Vũng Tàu, đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch và người dân. Tuyến đi trên cao giữa dải phân cách đường 2 Tháng 9. Diện tích GPMB chỉ hơn 8 ha và 25 nhà dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do hướng tuyến chưa có trong các quy hoạch nên cần phải điều chỉnh. Tuyến đi trên cao nên sẽ ảnh hưởng đến một phần cảnh quan trong đô thị Vũng Tàu.

Trục đường 2 Tháng 9 hiện là trục giao thông chính của TP Vũng Tàu. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Hai phương án hướng tuyến đơn vị tư vấn đề xuất. (Ảnh do đơn vị tư vấn cung cấp)

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT, phân tích thêm theo quy hoạch cũ, điểm cuối ga Vũng Tàu sẽ có hai nhánh. Một nhánh hành khách ở phía tây sân bay Vũng Tàu hiện hữu. Một nhánh đi xuống cảng container của Vũng Tàu. Nhưng theo quyết định của Bộ GTVT năm 2021 về phê duyệt Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện nay chức năng vận tải hàng hóa tại Vũng Tàu đã bỏ.

“Phương án đi theo đường 2 Tháng 9 có nhiều ưu điểm. Cần nghiên cứu theo hướng về lâu dài khai thác như một tuyến đường sắt đô thị nhưng tên vẫn là đường sắt quốc gia. Việc triển khai dự án cũng như GPMB rất lưỡng tiện. Tỉnh đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung nên chọn phương án này sẽ đề xuất bổ sung vào quy hoạch tỉnh. Sân bay Vũng Tàu hiện được thống nhất dời về Gò Găng, sắp tới không còn là đất quốc phòng. Tuy nhiên tiến độ di dời chậm, chưa được như kỳ vọng” - ông Chí nêu.

Ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đánh giá phương án hướng tuyến đi qua đường 2 Tháng 9 như tư vấn đề xuất là hợp lý hơn. Họp lãnh đạo Sở Xây dựng ủng hộ phương án này. Theo ông Hưng, phương án cũ đi qua đường 30 Tháng 4 đi cắt toàn bộ khu dân cư và ven sông, ảnh hưởng quy hoạch rất lớn.

“Phương án tuyến đường sắt đi trên cao, ở giữa dải phân cách của trục đường 2 Tháng 9 không phải GPMB nhiều. Về mỹ quan đường phố, với các đô thị trên thế giới, việc đường sắt đi trong đô thị là bình thường. Nó ảnh hưởng một phần nhưng các giải pháp thiết kế chi tiết cũng sẽ giải quyết được một phần. Tuy nhiên chỉ có khó khăn là do việc di dời sân bay còn chậm, khó khăn, điều chỉnh quy hoạch...” - ông Hưng nói.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cũng nêu ý kiến theo hướng ủng hộ phương án hướng tuyến vào Vũng Tàu đi theo đường 2 Tháng 9. Theo ông Khánh, định hướng Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ, Vũng Tàu sẽ là đô thị trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Tuyến đường sắt này sẽ nối vào tuyến đường sắt tại sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Khi đó khai thác, vận tải hành khách từ sân bay về Vũng Tàu rất thuận lợi.

Theo ông Khánh, việc ga cuối đặt tại sân bay Vũng Tàu sẽ khó khăn trong triển khai theo tiến độ trước năm 2030. Do đó, đề nghị đơn vị tư vấn cần chọn một vị trí khác. Đồng thời, nếu nhất trí chọn phương án này cần sớm bổ sung vào quy hoạch chung của tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ thông qua vào cuối năm 2023...•

Dự án có tổng chiều dài khoảng 121 km

Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến có tổng chiều dài khoảng hơn 121 km, đi qua các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Điểm đầu dự án tại ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Nghiên cứu thêm phương án điểm đầu tại ga An Bình (là ga lập tàu cho toàn mạng lưới đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM) thuộc TP Dĩ An, Bình Dương. Điểm cuối hàng hóa là cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu), còn điểm cuối hành khách là ga khách Vũng Tàu.

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ung-ho-tuyen-duong-sat-doan-vung-tau-theo-duong-2-thang-9-post719543.html