Ủng hộ đồng bào vùng lũ: Hãy thành tâm, đừng 'làm hàng'!
Cơn bão số 3 qua đi để lại mưa, lũ quét, sạt lở đất xảy ra liên hoàn trên nhiều địa phương phía Bắc cùng những tổn thất hết sức to lớn, hết sức đau thương.
Mấy ngày qua, những hậu quả của bão lũ được tường thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả các trang mạng xã hội khiến cả nước không khỏi quặn lòng, đau xót. Biết bao giờ cuộc sống mới trở lại bình yên, biết bao giờ những vết thương của bão số 3 để lại cho con người và các vùng đất mới se lại?
Có lẽ không cần thiết đưa lại những hình ảnh, những clip, những con số khô khan mà phía sau đó là những tổn thất không gì bù đắp được cho đồng bào nơi bão lũ, nơi sạt lở.
Nỗi đau chung của cả nước trong năm 2024 này đã và đang được an ủi, sẻ chia từ những hoạt động từ thiện, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc tuy theo những cách riêng nhưng đều mang đậm nét nghĩa đồng bào, tình dân tộc.
Cũng bởi vậy mà trong những ngày này, bên cạnh sự ủng hộ vật chất, nhiều địa phương đã chủ động giãn, hoãn các chương trình, sự kiện văn hóa đã được dự định để hướng về đồng bào vùng lũ, để cảm thông, để sẻ chia.
Những con người trụ được, đi qua bão lũ tuy còn muôn vàn khó khăn phía trước có thể yên lòng bởi họ vẫn còn có hàng triệu người dân cả nước đang chung tay, đang hướng về họ, hướng về những địa chỉ đầy nước mắt và đau thương nhưng cũng đang thực sự là địa chỉ của những tinh thần truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.
Bạn bè quốc tế cũng đang chia sẻ nỗi mất mát to lớn của đồng bào nơi bão lũ vừa đi qua bằng cả vật chất và sự động viên tinh thần.
Cứu trợ, sẻ chia, ủng hộ đồng bào nơi bão lũ đang là hoạt động được tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân cả nước chung tay hưởng ứng với tinh thần vừa là nghĩa vụ, vừa là mệnh lệnh của trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống.
Với ý nghĩa ấy, sẽ là trọn vẹn, sẽ là nhân văn nếu như phong trào ủng hộ, hỗ trợ đồng bào vừa trải qua bão lũ từ cơn bão số 3 giữ được sự hiệu quả, sự lành mạnh.
Nói hiệu quả tức là vật phẩm cần cho đồng bào như lương thực thực phẩm, nước uống, thuốc men, quần áo, vật liệu xây dựng… đến được đúng nơi có nhu cầu một cách chóng vánh nhất, đúng đối tượng nhất để phát huy tác dụng đúng lúc. Hàng cứu trợ cần phát huy được ngay hiệu quả thiết thực trong cuộc sống, góp phần để đồng bào vùng bão lũ sớm ổn định cuộc sống.
Ở đây, chính quyền các địa phương bên cạnh công tác cứu trợ theo khả năng của mình cần kịp thời xây dựng những kế hoạch phối hợp tốt với các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức xã hội và tổ chức từ thiện, các cá nhân hảo tâm để mọi người đều có được thứ đang cần, bảo đảm đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là không để một ai đói rét, thiếu chỗ ở sau bão lũ. Tránh nhất là việc hàng cứu trợ ùn ứ, chất đống tại các kho, các nơi tập kết để phải chờ đợi mà giảm thiểu tác dụng cứu trợ.
Nói lành mạnh là không để xảy ra bất cứ tiêu cực nào trong phân phối hàng cứu trợ cho bà con, không để hàng hóa, lương thực, vật phẩm cứu trợ và cả tiền bạc đi lạc, đi “nhầm” địa chỉ, nơi đến.
Nói lành mạnh là như các cụ xưa vẫn nói: “Của cho không bằng cách cho”. Cho đi, ủng hộ một đồng bạc, một kí gạo, một bộ quần áo, một thùng mì tôm là quý song cần được trao như đại diện cho những trái tim, tấm lòng thơm thảo, một nghĩa tình được san sẻ ở nấc cao nhất chứ tuyệt nhiên không thể là những dòng “tus” thách đố, “làm hàng” của một số cá nhân như đã thấy trên mạng xã hội mấy ngày nay.
Nói lành mạnh là còn bảo đảm không chỉ hàng hóa cứu trợ đến nơi an toàn mà cả người, nhân viên cứu trợ cũng cần được bảo đảm không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc về nhân mạng. Chưa nói đâu xa, ngay những ngày gần đây câu chuyện về một nhân viên cứu trợ rớt xuống nước và không qua khỏi, hay một xe cứu trợ bị lật trên đường đi là lời nhắc nhở hết sức cần thiết.
Mong lắm, mong lắm những điều như thế.