Ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bệnh phổi và lao

Việt Nam đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát hiện bệnh lao. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo được gắn vào các máy X-quang, theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, máy sẽ có phần mềm hỗ trợ đọc phim X-quang. Nhờ đó, hiệu quả phát hiện bệnh lao đã tăng gấp đôi.

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu khai mạc hội nghị.

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu khai mạc hội nghị.

Trong hai ngày 24-25/5, Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức Hội nghị khoa học Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bệnh phổi và kiểm soát lao. Nhiều công nghệ cao được các diễn giả và các y, bác sĩ quan tâm, đặc biệt trong đó là công nghệ AI trong phát hiện bệnh lao.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, hiện nay tại Việt Nam đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát hiện bệnh lao.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo được gắn vào các máy X-quang, theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, máy sẽ có phần mềm hỗ trợ đọc phim X-quang. AI sẽ hỗ trợ bác sĩ tìm ra những bệnh nhân nghi mắc lao dựa trên các tổn thương, từ đó bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm tìm vi khuẩn lao chính xác hơn.

Chương trình Chống lao quốc gia đã triển khai AI trong phát hiện ca bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố từ năm 2021. Nhờ có AI, hiệu quả phát hiện bệnh lao đã tăng gấp đôi.

Theo thống kê, tỷ lệ phát hiện bệnh lao giữa những cơ sở y tế có triển khai AI với các cơ sở y tế không triển khai AI tăng gấp đôi. Kể cả so sánh thời điểm trước và sau triển khai AI ở một cơ sở y tế, số ca phát hiện bệnh lao cũng tăng lên rõ rệt.

Ở các cơ sở y tế tuyến huyện, vùng sâu vùng xa, nơi còn thiếu các bác sĩ chuyên khoa lao, hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ phát huy hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh lao tại cộng đồng.

Hiện nay, nhu cầu có hệ thống trí tuệ nhân tạo trong phát hiện bệnh lao rất lớn, tuy nhiên nguồn kinh phí cho lắp đặt hệ thống này còn hạn chế. Nếu Việt Nam triển khai trên diện rộng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phát hiện sớm bệnh lao sẽ góp phần nâng chấm dứt bệnh lao và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/01/2024, công tác nghiên cứu khoa học cũng là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp vào thành công của công tác chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Hội nghị có nhiều phiên thảo luận, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lao, phổi.

Hội nghị có nhiều phiên thảo luận, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lao, phổi.

Trong những năm qua, Bệnh viện Phổi Trung ương và Chương trình Chống lao quốc gia đã và đang thực hiện rất nhiều nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến bệnh phổi và lao, như ung thư phổi, ghép tạng, những nghiên cứu chuyên sâu về hô hấp, và bệnh lao. Các nghiên cứu ngày càng có chất lượng, các cơ hội hợp tác quốc tế ngày càng nhiều.

Về công tác nâng cao chăm sóc sức khỏe phổi, gánh nặng bệnh phổi và lao có chiều hướng gia tăng đáng kể, nhất là sau giai đoạn đại dịch Covid-19, càng làm cho nhu cầu phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đáp ứng nhu cầu của người dân, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thường quy được hầu hết các kỹ thuật cao cả về nội hô hấp và phẫu thuật lồng ngực.

"Bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc đề án ghép phổi, là một bước chinh phục đỉnh cao về chuyên môn, mở ra cơ hội sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người bệnh giai đoạn muộn không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Đây là những ca ghép phổi được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, là minh chứng cho thấy việc ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sẽ mang lại những thành tựu và lợi ích to lớn cho người dân Việt Nam", Tiến sĩ Đinh Văn Lượng cho hay.

Về công tác phòng chống lao, Bệnh viện đã triển khai rất hiệu quả nhiệm vụ này trong nhiều năm qua, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, tại Bệnh viện Phổi Trung ương thường có từ 20-40 trường hợp chờ được ghép phổi. Thời gian qua, có những ca ghép phổi vô cùng thành công, bệnh nhân sống được 4 năm sau ghép phổi rất khỏe mạnh. Đến nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã làm chủ được quy trình ghép phổi, nhưng nguồn tạng hiến vô cùng khan hiếm do các nguyên nhân từ nhận thức hay quan niệm của người dân…

Tại hội nghị, các báo cáo viên quốc tế và trong nước chia sẻ nội dung tập trung trong 4 chuyên đề chính, gồm có Ghép phổi, Hô hấp, Ung thư phổi, Lao và Nấm phổi.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-quan-ly-benh-phoi-va-lao-post811013.html