Ứng dụng công nghệ cao trong điều trị bệnh phổi và kiểm soát lao mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh

Nhờ có khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ cao đã hỗ trợ rất nhiều trong phát hiện, điều trị các bệnh lao và bệnh phổi, mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân.

Nhờ có khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ cao đã hỗ trợ rất nhiều trong phát hiện, điều trị các bệnh lao và bệnh phổi, mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân.

Hội nghị Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bệnh phổi và kiểm soát lao diễn ra trong 2 ngày 23- 24/5 tại Hà Nội do BV Phổi Trung ương, Chương trình Chống Lao quốc gia tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu từ Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, GS. AHLĐ. Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam; GS. Punnarerk Thongcharoen- Chủ tịch Hội Lồng ngực châu Á Thái Bình Dương; GS.TS. Trịnh Ngọc Bình, Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ (UCSF), đại diện các trường đại học, đơn vị nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và các y bác sĩ chuyên ngành lao và bệnh phổi từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Giám đốc BV Phổi Trung ương, Phụ trách điều hành Chương trình Chống Lao quốc gia TS.BSCC Đinh Văn Lượng phát biểu tại hội nghị.

Giám đốc BV Phổi Trung ương, Phụ trách điều hành Chương trình Chống Lao quốc gia TS.BSCC Đinh Văn Lượng phát biểu tại hội nghị.

Công nghệ cao mang lại cơ hội sống cho bệnh nhân ghép phổi, đưa ghép phổi tại Việt Nam vào thường quy

Phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Phụ trách điều hành Chương trình Chống Lao quốc gia TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho biết: "Trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/01/2024, công tác nghiên cứu khoa học cũng là một trong những giải pháp quan trọng đóng góp vào thành công của công tác chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam."

Cho đến nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thường quy được hầu hết các kỹ thuật cao cả về nội hô hấp và phẫu thuật lồng ngực.

TS.BSCC Đinh Văn Lượng nhấn mạnh: "Bệnh viện đã thực hiện đề án ghép phổi, là một bước chinh phục đỉnh cao về chuyên môn, mở ra cơ hội sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người bệnh giai đoạn muộn không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Đây là những ca ghép phổi được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, là minh chứng cho thấy việc ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sẽ mang lại những thành tựu và lợi ích to lớn cho người dân Việt Nam".

Giám đốc BV Phổi Trung ương, Phụ trách điều hành Chương trình Chống Lao quốc gia TS.BSCC Đinh Văn Lượng trình bày báo cáo tại hội nghị.

Giám đốc BV Phổi Trung ương, Phụ trách điều hành Chương trình Chống Lao quốc gia TS.BSCC Đinh Văn Lượng trình bày báo cáo tại hội nghị.

GS.TS. Trịnh Ngọc Bình, Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ (UCSF) là một trong những người hỗ trợ các chuyên gia của BV Phổi Trung ương trong quá trình chuyển giao kỹ thuật ghép phổi cho Việt Nam cho biết, ghép phổi là một kỹ thuật khó, phức tạp với chi phí rất lớn. Nên để thực hiện ghép phổi tại Việt Nam, người bệnh cần có sự chuẩn bị từ trước, trong và sau ghép phổi.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS.BSCC Đinh Văn Lượng cho hay, tại BV Phổi Trung ương thường có từ 20-40 trường hợp chờ được ghép phổi. Thời gian qua, có những ca ghép phổi vô cùng thành công, bệnh nhân sống được 4 năm sau ghép phổi rất khỏe mạnh. Đến nay, BV Phổi Trung ương đã làm chủ được quy trình ghép phổi, nhưng nguồn tạng hiến vô cùng khan hiếm do các nguyên nhân từ nhận thức hay quan niệm của người dân….

AI giúp phát hiện sớm bệnh lao trong cộng đồng

Chia sẻ với phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống bên lề Hội nghị khoa học, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương PGS.TS.Nguyễn Bình Hòa cho biết, hiện nay tại Việt Nam đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phát hiện bệnh lao. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo được gắn vào các máy Xquang, theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, máy sẽ có phần mềm hỗ trợ đọc phim Xquang. AI sẽ hỗ trợ bác sĩ tìm ra những bệnh nhân nghi mắc lao dựa trên các tổn thương, từ đó bác sĩ sẽ cho chỉ định xét nghiệm tìm vi khuẩn lao chính xác hơn.

Chương trình chống Lao Quốc gia đã triển khai AI trong phát hiện ca bệnh tại nhiều tỉnh, thành phố từ năm 2021. "Nhờ có AI, hiệu quả phát hiện bệnh lao đã tăng gấp đôi", PGS.TS.Nguyễn Bình Hòa nói. Tỷ lệ phát hiện bệnh lao giữa những cơ sở y tế có triển khai AI với các cơ sở y tế không triển khai AI tăng gấp đôi. Kể cả so sánh thời điểm trước và sau triển khai AI ở một cơ sở y tế, số ca phát hiện bệnh lao cũng tăng lên rõ rệt.

Ở các cơ sở y tế tuyến huyện, vùng sâu vùng xa, nơi còn thiếu các bác sĩ chuyên khoa lao, hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ phát huy hiệu quả trong phát hiện sớm bệnh lao tại cộng đồng. Nhu cầu rất lớn, tuy nhiên nguồn kinh phí cho lắp đặt hệ thống này còn hạn chế. Nếu triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phát hiện sớm bệnh lao sẽ góp phần nâng chấm dứt bệnh lao và cao sức khỏe nhân dân.

Tại Hội nghị, rất nhiều các bài trình bày của các báo cáo viên quốc tế và trong nước về các nội dung tập trung trong 4 chuyên đề chính, gồm có Ghép phổi, Hô hấp, Ung thư phổi, Lao và Nấm phổi. Thông qua các bài báo cáo, các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ và cập nhật các kỹ thuật cao, những thành tựu mới về ghép phổi, y học tái tạo, ung thư phổi hay công tác chống lao… Qua đó người dân là những đối tượng trực tiếp được thụ hưởng các thành tựu y học tiên tiến nhất trong khám chữa các bệnh lao và bệnh phổi, từ đó góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.

Hải Yến

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-dieu-tri-benh-phoi-va-kiem-soat-lao-mang-lai-nhieu-loi-ich-cho-nguoi-benh-169240524141136014.htm