Ukraine tuyên bố hạ tên lửa Dagger, Patriot được đưa vào tham chiến

Quân đội Ukraine có 'vui mừng quá sớm' khi tuyên bố lần đầu tiên bắn hạ tên lửa siêu thanh Dagger của Nga. Trong khi đó Nga chưa có phản ứng về vấn đề này.

Nguồn Bulgarianmilitary

Ukraine có khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh?

Vào ngày 6/5, Không quân Ukraine đã thông báo rằng, vào tối ngày 4/5, quân đội Ukraine đã bắn hạ một tên lửa siêu thanh Kh-47 Dagger do một chiếc máy bay chiến đấu MiG-31K của Nga phóng đi. Quân đội Nga hiện chưa phản hồi về thông tin trên.

Tên lửa siêu thanh Dagger (Dao găm) là loại vũ khí thu hút nhiều sự chú ý trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, bởi đây là loại tên lửa siêu thanh đầu tiên trên thế giới được đưa vào thực chiến.

Vào ngày 19/3 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng việc sử dụng tên lửa siêu thanh Dagger đã phá hủy một kho vũ khí lớn của quân đội Ukraine ở Ivan-Frankivsk.

Máy bay chiến đấu MiG-31K với tên lửa Dagger. Nguồn Topwar.

Đây cũng là lần đầu tiên tên lửa siêu thanh được đưa vào chiến đấu thực tế; sự kiện này đã làm dấy lên những thảo luận sôi nổi từ thế giới bên ngoài.

Vào tháng 8/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cho biết, trong các chiến dịch quân sự đặc biệt tại lãnh thổ Ukraine, quân đội Nga đã ba lần sử dụng tên lửa siêu thanh Dagger.

Dagger là tên lửa siêu thanh phóng từ trên không đầu tiên được quân đội Nga sử dụng, nó có thể được phóng đi từ máy bay đánh chặn MiG-31K hoặc máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-22M3M đã được sửa đổi.

Vào ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga Putin lần đầu tiên công khai hai tên lửa siêu thanh đang được phát triển trong phát biểu thông điệp Liên bang hàng năm của Tổng thống và cho biết, Quân đội Nga đã trang bị tên lửa siêu thanh phóng từ trên không Dagger và phóng từ mặt đất Avangard; khiến dư luận rất quan tâm và thảo luận sôi nổi.

Theo Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga, bắt đầu từ ngày 1/12/2017, tên lửa Dagger sẽ đồng thời tiến hành thử nghiệm và làm nhiệm vụ trực chiến tại Quân khu phía Nam của Nga.

Máy bay chiến đấu MiG-31K với tên lửa Dagger. Nguồn Topwar.

Theo Military, tốc độ bay của Dagger cao gấp 10 lần tốc độ âm thanh, có thể cơ động trong suốt quỹ đạo bay; có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng không và chống tên lửa đang hoạt động. Tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, tấn công mục tiêu cách xa 2.000 km.

Tên lửa Dagger đã trở thành một trong những công cụ quan trọng để quân đội Nga tấn công các mục tiêu có giá trị cao và thể hiện khả năng răn đe. Chẳng hạn tên lửa này đã xuất hiện ở Syria, Belarus, Kaliningrad. Thế giới bên ngoài cho rằng những hành động này là hoạt động răn đe của quân đội Nga.

Tên lửa Dagger có thể nói là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với quân đội Ukraine. Vào ngày 9/3 năm nay, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc không kích quy mô lớn khác nhằm vào toàn bộ lãnh thổ Ukraine, lần đầu tiên phóng 6 tên lửa siêu thanh Dagger. Theo truyền thông Mỹ, đây được gọi là cuộc tấn công bằng tên lửa siêu thanh lớn nhất "chưa từng có".

Đồ họa tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa Dagger. Nguồn Bulgarianmilitary

Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine cho biết, Ukraine đã bị trúng 6 tên lửa Dagger phóng từ trên không, mà họ cho biết không thể đánh chặn.

Tên lửa siêu thanh có tốc độ rất cao (trên 5 Mach), nên có khả năng xuyên phá mạnh hơn tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, các hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo có quỹ đạo bay tương đối ổn định; nhưng không thể đối phó hiệu quả với khả năng cơ động tốc độ cao của tên lửa siêu thanh.

Trước đó, quân đội Ukraine đã nhiều lần “khoe” xác tên lửa hành trình cận âm của quân đội Nga bị phòng không Ukraine bắn hạ như tên lửa hành trình Kh-555, Calibre và Kh-101. Nhưng trước khi đánh chặn được tên lửa Dagger, quân đội Ukraine chưa từng “khoe” việc đánh chặn thành công tên lửa siêu thanh hoặc mảnh vỡ của tên lửa đạn đạo.

Mảnh vỡ nghi là đầu đạn của tên lửa Dagger. Nguồn Bulgarianmilitary

Patriot về mặt lý thuyết có khả năng đánh chặn tên lửa Dagger

Theo thông tin được quân đội Ukraine công bố, quân đội Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa Patriot vừa mới nhận của Mỹ, để đánh chặn tên lửa siêu thanh Dagger.

Vào tháng 12 năm ngoái, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trị giá 1,85 tỷ USD, bao gồm cả hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Ngày 5/1 năm nay, chính phủ Đức cho biết, Đức và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc Đức sẽ cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Weasel và hệ thống tên lửa phòng không Patriot để huấn luyện.

Ngày 18/4, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Reznikov tiết lộ trên mạng xã hội rằng, Ukraine đã chính thức nhận tiểu đoàn tên lửa Patriot đầu tiên do các nước phương Tây cung cấp. Ông Reznikov cũng cho biết, "Hệ thống Patriot đã tạo ra một khả năng mà trước đây Ukraine không có, đó là bắn hạ các mục tiêu là tên lửa đạn đạo".

Hệ thống phòng không Patriot PAC-2 của Mỹ. Nguồn Wikipedia

Hãng tin CNN của Mỹ đưa tin, Ukraine đã nhận được ít nhất hai hệ thống tên lửa Patriot, một từ Mỹ và một từ Đức.

Hãng thông tấn quốc gia Ukraine ngày 21/4 đưa tin, Tư lệnh Không quân Ukraine, tướng Ore Chuk đã thị sát hệ thống phòng không Patriot được triển khai tại một trong các hướng ngày hôm đó. Sau đó, ông đăng tin và ảnh lên mạng xã hội, đồng thời cho biết hệ thống phòng không Patriot đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Patriot là hệ thống phòng không và chống tên lửa do Mỹ phát triển, chủ yếu có 3 mẫu chính là PAC-1, PAC-2 và PAC-3, đã nhiều lần tham gia thực chiến và đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo.

Hiện tại, Mỹ và Đức chưa tiết lộ các mô hình viện trợ cụ thể cho thế giới bên ngoài, nhưng dựa trên các bức ảnh về các binh sĩ Ukraine đang được huấn luyện tại Đức, có thể Đức đã cung cấp cho Ukraine phiên bản Patriot PAC-2.

Mảnh vỡ nghi là đầu đạn của tên lửa Dagger. Nguồn Bulgarianmilitary

Theo chuyên gia quân sự Han Eastern của Mỹ phân tích. Trong các phiên bản Patriot, thì PAC-3 là mẫu tiên tiến nhất, tập trung vào việc đánh chặn tên lửa. Việc Mỹ có cung cấp tên lửa PAC-3 cho Ukraine hay không vẫn còn phải chờ xem.

Theo các thông tin trước đây của hãng tin Anh Reuters, hệ thống tên lửa phòng không Patriot do phương Tây cung cấp cho Ukraine có tầm bắn 150 km.

Theo chuyên gia quân sự Han Dong của Trung Quốc cho biết, tầm bắn 150 km là tầm đánh chặn máy bay của Patriot PAC-2; còn khi đánh chặn tên lửa đạn đạo, chỉ có thể tiêu diệt mục tiêu trong tầm bắn từ 20-30 km, độ cao đánh chặn khoảng 15 km.

Patriot PAC-2 chủ yếu dùng để đánh chặn tầm trung và tên lửa đạn đạo tầm ngắn, với khoảng cách đánh chặn tối đa khoảng 30 km và độ cao khoảng 15 km, sử dụng đầu đạn động năng để tác động trực tiếp. Phiên bản PAC-3 MSE mới nhất, có độ cao đánh chặn đến 35 km, khả năng chống tên lửa mạnh hơn".

Một chuyên gia tên lửa giấu tên nói với tờ The Paper: "Tên lửa Dagger được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga và khả năng cơ động của nó ở giai đoạn cuối tương đương với khả năng cơ động của tên lửa đạn đạo tái nhập vào bầu khí quyển trái đất.

Thực chất Dagger không có bước nhảy vọt về chất; nên tên lửa phòng không Patriot PAC-2 hoặc PAC-3 về lý thuyết có khả năng đánh chặn tên lửa Dagger”.

Hệ thống phòng không Patriot PAC-2 của Mỹ khai hỏa. Nguồn Wikipedia

"NATO, đứng đầu là Mỹ, đã hỗ trợ rất nhiều cho Ukraine về mặt tình báo và thông tin, đồng thời cũng rất chú ý đến hiệu suất của các loại vũ khí tiên tiến khác nhau của Nga trong thực chiến.

Tên lửa Dagger, được coi là là "sát thủ lớn" của quân đội Nga, nên là tâm điểm chú ý. Với sự hỗ trợ thông tin của NATO, nó có thể hỗ trợ cho các hoạt động tên lửa Patriot của Ukraine và nâng cao tỷ lệ đánh chặn thành công tên lửa Dagger của quân đội Ukraine"; chuyên gia Han Dong nhận định.

Han Dong cho rằng, tính xác thực của mảnh vỡ tên lửa Dagger được lưu truyền trên Internet là “đáng nghi ngờ” và việc đánh chặn có thực sự thành công hay không, phụ thuộc vào việc Quân đội Ukraine cung cấp bằng chứng rõ ràng hơn trong tương lai.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ukraine-tuyen-bo-ha-ten-lua-dagger-patriot-duoc-dua-vao-tham-chien-1853295.html