U mê 'đốt tiền' liệu có mua được bình an, tài lộc?

Đầu Xuân Giáp Thìn, nhiều khu hóa vàng tại các đền, chùa trên cả nước luôn rực lửa. Đốt vàng mã là một hình thức mê tín dị đoan, song nhiều người vẫn u mê 'đốt tiền' cầu bình an, tài lộc gây lãng phí, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng 'buôn thần bán thánh'.

Mê muội và lãng phí

Ngày cuối tuần, di tích lịch sử đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) tấp nập người, xe; cảnh cò mồi viết sớ, khấn thuê, sắm lễ diễn ra náo nhiệt. Từ đền Trình đến đền Bà Chúa Kho chừng 2,5km nhưng mọc lên san sát những cửa hàng bán vàng mã, viết sớ.

Vào cơ sở bán vàng mã LL, chúng tôi được bà chủ giới thiệu, muốn cung thỉnh Bà Chúa Kho thì trước hết phải vào đền Trình. Rồi bà giới thiệu bộ lễ dâng đền Trình với 4 mâm gồm tiền vàng, bánh khảo, hoa tươi có mức giá từ 200.000 đến 300.000 đồng/mâm, sớ lễ 10.000 đồng/tờ. Khi du khách có nhu cầu đổi tiền lẻ, chủ cửa hàng mang ra một xấp tiền với đủ các mệnh giá từ 1.000 đến 5.000 đồng, chi phí 125.000 đồng đổi 100.000 đồng tiền lẻ.

Khi tới đền Bà Chúa Kho, chúng tôi lại được các chủ ki ốt mời viết sớ, dâng lễ, với mức giá tương tự tại đền Trình. Bên trong đền, người dân dò từng bước chen chúc nhau với mong muốn dâng lễ lên Bà Chúa Kho, cứ cách 2m lại có một người mời gọi khấn thuê, xin đài. Tìm đến khu hóa vàng tại đền, cảnh người hạ lễ, đốt vàng mã diễn ra sôi nổi, lửa cháy rực, khói bốc nghi ngút.

Mặc dù đã được vận động, tuyên truyền nhưng không ít người dân vẫn đốt nhiều vàng mã tại đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Văn Thư, Phó chủ tịch UBND phường Vũ Ninh lý giải, mặc dù các cán bộ văn hóa phường, thủ nhang đền Bà Chúa Kho đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân nhưng tình trạng đốt vàng mã vẫn diễn ra. "Việc đốt vàng mã hiện chưa bị luật pháp cấm nên chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền, vận động người dân và du khách. Dịp du xuân, lễ hội năm 2024, UBND phường Vũ Ninh đã chỉ đạo Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho tăng cường các biển, bảng khuyến cáo du khách về lễ đền không nhờ khấn thuê, lễ mướn; hạn chế đốt vàng mã mà chuyển vàng mã về kho để có dịp tặng lại du khách mang về nhà", ông Lê Văn Thư cho biết.

Với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, đốt nhiều vàng mã thì công việc làm ăn của gia đình mới phát đạt và yên ổn, nhiều người sính các sản phẩm hàng mã như biệt phủ, máy bay, xe hơi, ngựa, thỏi vàng để dâng thánh, "biếu tặng" tổ tiên. Những hàng hóa độc lạ như mỹ phẩm, hàng hiệu, bộ đồ đánh golf, điện thoại thông minh... gia nhập thị trường vàng mã để chiều theo nhu cầu của người dân.

Mới đây, thông tin đốt hàng tấn vàng mã trả lễ suốt 3 ngày tại đền Quan Lớn Tuần Tranh (xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) khiến dư luận xôn xao. Chia sẻ với báo chí, một lãnh đạo UBND xã Đồng Tâm khẳng định, số lượng tiền, vàng mã được tín chủ mang đến đền là 100 bao với khối lượng khoảng 1,5 tấn. Ban quản lý Di tích quốc gia đền Quan Lớn Tuần Tranh chỉ cho đốt 30 bao, số còn lại được yêu cầu chở đi hóa tại các đền, chùa, đình trên địa bàn và khu vực lân cận.

Cần chế tài cụ thể hơn

Trước mùa du xuân, lễ hội 2024, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành thông bạch, đề nghị các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo. Dù vậy, tình trạng đốt vàng mã vẫn diễn ra tràn lan tại các đền, chùa trên cả nước. Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc đốt vàng mã không phải là mỹ tục trong văn hóa Việt, không phù hợp với tinh thần đạo Phật. Việc người dân bắt chước, lạm dụng đốt vàng mã mà không hiểu bản chất chính là biểu hiện mê tín dị đoan. Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ cùng với ngành văn hóa và chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động để sớm hạn chế và dần loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự, các lễ hội và trong đời sống xã hội.

PGS, TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đốt vàng mã tràn lan tại các cơ sở thờ tự là do dân mê tín quá và cũng bị nhiều đối tượng xúi giục rằng càng đốt nhiều vàng mã thì càng được người âm độ. Ngoài ra, luật pháp về việc đốt vàng mã chưa nghiêm, tạo điều kiện cho các đối tượng “buôn thần bán thánh”. “Nếu đốt một chút vàng mã nhằm thể hiện lòng thành với tổ tiên thì không có gì đáng bàn. Nhưng đốt vàng mã mà chất đống, tâm lý “đốt tiền” cầu sự bình an, tài lộc thì là mê tín dị đoan. Đến với tôn giáo, tín ngưỡng là để tìm sự bình an, thanh thản của tâm hồn, để sám hối, gột rửa những lỗi lầm, hướng thiện, làm lành, lánh dữ... chứ không phải cầu xin danh lợi, tiền tài”, PGS, TS Chu Văn Tuấn khẳng định.

Đồng quan điểm trên, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, ngoài thiệt hại kinh tế, việc đốt vàng mã quá nhiều dẫn đến những hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ và mất an toàn. TS Trần Hữu Sơn nhấn mạnh, không nên vì tâm lý xem việc đốt vàng mã là tập tục tín ngưỡng của người dân mà e ngại khi vận động, khuyến cáo hay áp dụng chế tài quản lý. Việc hạn chế đốt vàng mã ở các điểm di tích thuộc trách nhiệm của Ban quản lý di tích cũng như cán bộ văn hóa địa phương và cần có chế tài xử phạt nếu như các cán bộ trên để tình trạng đốt vàng mã diễn ra tại các khu di tích mà mình quản lý.

“Bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nhất là các cơ sở thờ tự; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi, không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo” (Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ).

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/u-me-dot-tien-lieu-co-mua-duoc-binh-an-tai-loc-766785