Tỷ phú cam Hà Giang chia sẻ bí quyết xài phân cho cam to, ngọt

Nhằm không ngừng nâng cao năng suất, giá trị của đặc sản cam sành, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình (Hà Giang) đã triển khai thực hiện sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2012. Đặc biệt, với sự đồng hành của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.

Bón phân tăng 20% năng suất

Gặp anh Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hương Sơn, Tổ trưởng Tổ sản xuất cam VietGAP thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn khi đang tất bật đóng gói, bán cam cho khách tại phiên giao dịch nông sản an toàn do Hội ND TP.Hà Nội phối hợp với Hội ND tỉnh Hà Giang tổ chức mới đây, anh Nghĩa phấn khởi cho biết: “Cam sành là cây ăn quả đặc sản của Hà Giang được trồng tập trung tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Nhằm không ngừng nâng cao năng suất, giá trị của cam sành, 45 hộ trồng cam ở thôn Sơn Nam đã liên kết trồng hơn 180ha cam theo quy trình VietGAP”.

Anh Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hương Sơn, Tổ trưởng Tổ sản xuất cam VietGAP thôn Sơn Nam, xã Hương Sơn khi đang tất bật đóng gói, bán cam cho khách. Ảnh: T.H

“Tham gia tổ sản xuất, các hộ dân được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây cam theo đúng quy trình VietGAP. Tháng 12.2016, sản phẩm của tổ đã được cấp chứng nhận VietGAP và từ đó đến nay, cam sành của chúng tôi đưa ra thị trường thuận lợi với mẫu mã đẹp, được đóng thùng 10kg, có địa chỉ, mã vạch rõ ràng” - anh Nghĩa thông tin.

Hiện, với diện tích 13ha cam, anh Nguyễn Đức Nghĩa còn là một trong những tỷ phú trồng cam ở xã Hương Sơn. Anh Nghĩa cho biết: “Trung bình mỗi ha cam VietGAP cho thu hoạch từ 25 - 30 tấn, những cây sai quả có thể cho tới 3 - 4 tạ quả. Năng suất cam VietGAP không chỉ cao hơn 15 - 20% so với giống cam thường mà còn dễ bán và bán giá cao hơn, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ dân”.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng cam sành VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Nghĩa cho hay: “Muốn cam đạt được năng suất, chất lượng cao cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo nguyên tắc 4 đúng. Đó là: Đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Mỗi năm tôi thường bón phân Lâm Thao từ 3 - 4 lần cho đồi cam 12 tuổi của gia đình.

Cụ thể, trước lúc cây ra hoa khoảng 4 tuần, bón lót mỗi gốc từ 1,5 - 2kg phân Lâm Thao NPK-S*M1 5.10.3-8. Tiếp đó, sau khi cây đậu quả và phát triển, bón thúc từ 1 - 2 đợt phân, mỗi đợt bón khoảng 1,5 kg/gốc loại phân NPK-S*M1 12.5.10-14. Một tháng trước thu hoạch bón tiếp cho mỗi gốc cũng từng ấy. Đối với giai đoạn nuôi quả, bà con cần bón NPK-S*M1 12.5.10-14, vì loại phân này có hàm lượng đạm cao giúp phát triển thân lá, ngoài ra còn có hàm lượng kali cao giúp tăng hàm lượng đường”.

Tương tự anh Nghĩa, gia đình anh Lý Văn Hội là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia Tổ sản xuất cam VietGAP tại xã Hương Sơn. Được biết, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cam theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã, anh Hội còn được đi thăm quan thực tế mô hình tại xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Phúc (Bắc Quang, Hà Giang) và huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Hiện anh Hội có hơn 4ha cam sành VietGAP.

Anh Nguyễn Đức Nghĩa giới thiệu sản phẩm cam sành Hà Giang với người tiêu dùng. Ảnh: Thu Hà

Giải thích lý do chọn phân bón Lâm Thao cho mô hình trồng cam VietGAP, anh Nguyễn Đức Nghĩa cho hay: Qua tìm hiểu, tôi được biết phân bón Lâm Thao đáp ứng được các tiêu chí an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, các sản phẩm NPK của Lâm Thao được bổ sung đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng thiết yếu cho cây trồng, giúp cây trồng tăng năng suất, chất lượng nên nông dân chúng tôi rất ưa chuộng.

Anh Hội chia sẻ: “Khi tham gia Tổ cam sành VietGAP của thôn, tôi dần thấy rõ lợi ích của việc tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Mỗi thành viên phải có một cuốn sổ ghi chép thời gian, liều lượng sử dụng thuốc, phân bón vi sinh cho cây. Cuối năm, đến vụ thu hoạch, cam được dán nhãn mác, nguồn gốc trước khi đến tay người mua nên yên tâm về chất lượng. Cam VietGAP cho thu hoạch khoảng 20 tấn quả/ha, giá bán trung bình 12.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình tôi còn lãi trên 100 triệu đồng/ha. Nhờ đó, gia đình tôi có điều kiện sửa lại nhà, cho con ăn học đầy đủ”.

Nâng cao thương hiệu cam sành Hà Giang

Trao đổi về tình hình địa phương, bà Đặng Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn chia sẻ: Cây cam sành được trồng ở xã Hương Sơn từ những năm 1970, thời đó, người dân trồng và chăm sóc cây phần nhiều dựa vào kinh nghiệm, ít áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm không cao. Từ năm 2012, xã Hương Sơn đã triển khai xây dựng mô hình trồng cam VietGAP để có được những quả cam sạch, chất lượng ổn định, bán được giá cao.

Ban đầu, xã thành lập 1 tổ sản xuất cam VietGAP quy mô 12ha với 12 hộ dân thôn Sơn Trung. Không chỉ được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cam VietGAP, các hộ dân còn được cấp cây giống đầu dòng tiêu chuẩn để nhân giống sản xuất bằng mắt ghép, cành chiết. Thấy trồng cam VietGAP cho hiệu quả kinh tế khả quan nên ngày càng có nhiều hộ tham gia mô hình. Đến nay, xã Hương Sơn có tổng diện tích cam, quýt là 638ha và 8 tổ sản xuất cam VietGAP với 300 hộ tham gia, quy mô 478ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, để xây dựng thương hiệu cam VietGAP Hương Sơn nói riêng và thương hiệu “Cam sành Hà Giang” nói chung, xã đã chỉ đạo các Tổ sản xuất cam VietGAP phải bao quả, đóng hộp và in rõ địa chỉ trên bao bì sản phẩm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát để các hộ kinh doanh không trà trộn cam ngoài vùng vào bán...

Cùng với đó, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, xã có 90 hộ được giải ngân vốn với 13 tỷ đồng vay vốn phát triển trồng cam. Đây là nguồn động lực mạnh mẽ để thúc đẩy mô hình cam VietGAP phát triển hơn nữa.

Hiện, mỗi năm xã Hương Sơn cung ứng ra thị trường hơn 3.000 tấn cam/năm, nhiều hộ trồng cam có thu nhập đạt hơn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất hiện nay bà con đang gặp phải, chính là đầu ra còn bếp bênh. Anh Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, trong niên vụ cam 2018 – 2019, cam sành Hà Giang được mùa nhưng giá giảm và tiêu thụ chậm.

“Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã làm tốt công tác quảng bá và xúc tiến thương mại nhưng cam sành năm nay vẫn tiêu thụ chậm và giảm giá. Ngoài các nguyên nhân chủ quan thì cam sành Hà Giang được mùa với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay, nhưng cam Hòa Bình, cam Vinh, cam Hàm Yên (Tuyên Quang)… cũng được mùa nên dẫn tới cung vượt cầu”.

Theo lãnh đạo Hội ND tỉnh Hà Giang, để nâng cao chuỗi giá trị cam sành đặc sản của địa phương, các cấp Hội ND tỉnh Hà Giang tiếp tục phối hợp với các ban, đơn vị, doanh nghiệp trong đó có Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người trồng cam về giống cam, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản.

Bên cạnh đó, Hội ND tiếp tục kết nối, tìm đầu mối, giới thiệu tiêu thụ cam sành Hà Giang; tăng cường vận động, hướng dẫn nhân dân, các Tổ hợp tác, HTX trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn nhằm phát triển lâu dài.

Thu Hà

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dia-chi-xanh/ty-phu-cam-ha-giang-chia-se-bi-quyet-xai-phan-cho-cam-to-ngot-975141.html