Tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ/ngành mới đạt 39,1%
Đến nay, có 2 Bộ/ngành có tỷ lệ giải ngân trên 50% (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường), 4/10 Bộ/ngành đến nay vẫn chưa giải ngân 2024: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, Bộ Y tế.
Ngày 3/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các bộ ngành sơ kết tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024, để trao đổi về các vướng mắc và đề xuất giải pháp đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Thông báo số 196/TB-VPCP ngày 4/5/2024, ngày 3/12, tại trụ sở Bộ Tài chính, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị với các Bộ, ngành về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài các tháng cuối năm 2024. Dự Hội nghị có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các Bộ ngành được giao vốn ODA.
Theo báo cáo của các Bộ, ngành trung ương và theo số liệu từ hệ thống TABMIS, tính đến hết tháng 11/2024 tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ ngành đạt 39,06% kế hoạch vốn điều chỉnh, trong đó 2 Bộ ngành có tỷ lệ giải ngân trên 50% (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường), 04/10 Bộ, ngành đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài năm 2024 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, Bộ Y tế).
Tại Hội nghị, các Bộ ngành đã cùng thảo luận và xác định nguyên nhân giải ngân chậm. Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết qua thực tế làm việc, Bộ Tài chính thấy nổi lên một số vướng mắc về giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong khâu đầu thầu hoặc hợp đồng thương mại; chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán hoặc do thiếu kế hoạch vốn (cả cấp phát và vay lại) cũng chủ yếu thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh và các ban quản lý dự án khi đã lập kế hoạch vốn không sát với tiến độ thực hiện dự án và số vốn cần giải ngân.
Đặc biệt với các dự án sẽ kết thúc giải ngân trong năm 2024, tình trạng các địa phương tiếp tục chậm giải ngân vốn vay nước ngoài còn do nhiều dự án (22% số dự án đang giải ngân) phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, đề nghị sử dụng vốn dư.
Để tháo gỡ tình trạng trên, Hội nghị đã thống nhất một số giải pháp như: tăng cường giám sát chặt chẽ tiến độ, tập trung triển khai thực hiện các dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; khẩn trương xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng, đấu thầu và các vướng mắc khác trong phạm vi thẩm quyền. Đối với các kiến nghị giải pháp vượt quá thẩm quyền của các Bộ ngành, cần nhanh chóng tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, là năm hết sức quan trọng trong việc tạo sự bứt phá và chuyển biến tích cực trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy hàng hóa sản xuất trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển, giúp phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn như Nghị quyết 01/NQ-CP đã đặt ra.
“"Việc đạt được tỷ lệ giải ngân 95% kế hoạch vốn được giao năm 2024 đối với nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không đơn giản khi từ nay đến hết năm không còn nhiều. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ/ngành thống nhất, triển khai các giải pháp đã được nêu ra để đạt được tỷ lệ giải ngân cao nhất có thể", ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại lưu ý.