Tuyết Thanh – giọng ca nhạc cách mạng nổi tiếng được phong tặng danh hiệu NSND ở tuổi 81

Theo quyết định 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11, có 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) đợt 2 năm 2023. NSƯT Tuyết Thanh – giọng ca nhạc cách mạng gạo cội có tên trong danh sách nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND trong đợt này.

Giọng hát rung động hàng triệu trái tim

Nghệ sĩ Tuyết Thanh (sinh năm 1942) là giọng ca nổi tiếng trên làn sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam giai đoạn 1965-1990, có vị trí trong số những giọng ca tiểu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Giọng hát cao vút, đầy “lửa” của bà từng làm rung động hàng triệu trái tim khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc cũng như hàng vạn chiến sĩ trên mặt trận. Bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt 2 năm 1988.

Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Đường, trong gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng từ nhỏ, NSƯT Tuyết Thanh đã bộc lộ năng khiếu ca hát. Mười một tuổi, Tuyết Thanh có mặt trong đội Sơn ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mười bốn tuổi, Tuyết Thanh tham gia đội hợp xướng của các ông Đặng Hùng, Mạc Hy nổi tiếng thời bấy giờ. Ngay khi là cô nữ sinh Trường Trưng Vương, Tuyết Thanh cũng đã được nhiều người biết đến với “giọng hát sơn ca” của mình. Theo nguyện vọng của gia đình, học xong, Tuyết Thanh đi làm công việc đánh máy. Nhưng chỉ được một năm, tình yêu với ca hát đã khiến Tuyết Thanh từ bỏ công việc ổn định để thi vào Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn Ca múa Trung ương. Đỗ cả hai nơi, Tuyết Thanh quyết định đầu quân vào Đài Tiếng nói Việt Nam.

Bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 1960, NSƯT Tuyết Thanh mau chóng từ vị trí hát trong dàn đồng ca thành giọng ca chính của đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát đơn ca đầu tiên của Tuyết Thanh là “Nắng ấm về trên Tổ quốc” của Trần Khánh, ông cũng là một ca sĩ đồng nghiệp và sau này cùng lĩnh xướng với Tuyết Thanh trong nhiều tác phẩm lớn. Một trong những bài hát ghi dấu ấn đầu tiên cho một giọng ca nổi bật của Tuyết Thanh là “Tiếng hò trên đất Nghệ An” (Tân Huyền, 1964). Bài hát này NSƯT Tuyết Thanh đã biểu diễn trực tiếp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần.

Tuyết Thanh thành công trong nhiều thể loại, từ nhạc cách mạng đến nhạc dân ca. Những tác phẩm bà thể hiện để lại dấu ấn đậm nét về một giọng ca có âm sắc thanh tú, thể loại đề tài đa dạng và khả năng chinh phục các cao độ mãnh liệt. Nhiều bài hát bà thể hiện đầu tiên đã trở thành dấu ấn kinh điển như “Bài ca Hà Nội” (Vũ Thanh, 1966), “Nổi trống lên rừng núi ơi” (Hoàng Vân, 1965), “Tiếng hò trên đất Nghệ An” (Tân Huyền, 1964), “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” (Lưu Cầu, 1969), “Bài ca phụ nữ Việt Nam” (Nguyễn Văn Tý, 1970), “Bến cảng quê hương tôi” (Hồ Bắc, 1968), “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” (Phạm Tuyên, 1975, song ca cùng Đặng Hùng). Một số bài hát nổi tiếng thường được chính Tuyết Thanh hát ngay sau khi nhạc sĩ sáng tác xong, đáp ứng tính thời sự cũng như được hoàn thiện thêm sau đó.

Tuyết Thanh là một trong những giọng ca thu âm nhiều nhất của nhạc cách mạng. Trong một lần phỏng vấn, bà cho biết có năm từng thu tới 600 ca khúc. Hiện nhiều bản thu vẫn được phát sóng và chia sẻ trên các trang nhạc cách mạng. Với khán thính giả và người yêu âm nhạc thuở ấy, ấn tượng về giọng hát Tuyết Thanh là giọng hát cao vút, đầy lửa và chứa đựng trong đó chất mộc mạc, giản dị.

Người thể hiện đầu tiên nhiều ca khúc trên sóng phát thanh

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, NSƯT Tuyết Thanh nhiều lần được hát phục vụ Bác Hồ trong những năm cuối đời của Người. Ca khúc Tuyết Thanh thường xuyên hát cho Bác nghe là "Tiếng hò trên đất Nghệ An" của nhạc sĩ Tân Huyền. Ấn tượng của NSƯT Tuyết Thanh về Bác ngày đó vẫn rất đậm nét. Khi đó, Bác thường mặc bộ quần áo nâu giản dị, chăm chú nghe hát. Dù sức khỏe yếu nhưng mỗi lần ca sĩ hát xong, Bác lại gọi vào tặng kẹo, hỏi han ân cần về đời sống: "Lương như vậy các cháu có đói không?", "Chú Trần Lâm có lo được đời sống cho các cháu không?" (nhà báo Trần Lâm khi ấy là Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam). Rồi Người rơi nước mắt khi biết cuộc sống của các nghệ sĩ khi đó còn rất nhiều khó khăn, thiệt thòi.

NSƯT Tuyết Thanh cũng vinh dự là người thể hiện đầu tiên nhiều ca khúc trên sóng phát thanh. Chẳng hạn như ca khúc “Nổi trống lên rừng núi ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Năm 1965, Tuyết Thanh cùng các ca sĩ trong đoàn là Mộng Dung, Tuấn Kỳ… và các nhạc sĩ Hồ Bắc, Văn Dung, Hoàng Vân, Trần Chung… đi thực tế sáng tác và biểu diễn tại vùng Lao – Hà – Yên (Lào Cai – Hà Giang – Yên Bái). Trên đường đi, đường bộ bị giặc Mỹ bắn phá ác liệt, cả đoàn phải đeo ba lô đi bộ theo đường sắt. Một tuần liền đi bộ, tổng số 167km, thiếu cơm phải ăn dứa trừ bữa. Bà kể, đi bộ nhiều đến nỗi khi kết thúc chuyến đi về tới Hà Nội, chân bà sưng to vù. Đói, khổ, nhưng các nghệ sĩ vẫn cất cao tiếng hát phục vụ chiến sĩ, đồng bào. Chính trong cái gian khổ, sống và chết cận kề ấy, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác ca khúc “Nổi trống lên rừng núi ơi” với những giai điệu rộn ràng, tươi vui. Và Tuyết Thanh vinh dự là người thể hiện ca khúc này đầu tiên trên đường hành quân.

"Bài ca Hà Nội" - Nghệ sĩ Tuyết Thanh

Ca khúc “Bài ca Hà Nội” của nhạc sĩ Vũ Thanh cũng là một niềm vinh dự với NSƯT Tuyết Thanh. Năm 1967, những ngày giặc Mỹ bắn phá ác liệt, các nghệ sĩ thường xuyên phải túc trực ở phòng thu của Đài để đảm bảo sóng phát thanh không bị gián đoạn. Một buổi trưa, khi bà và các đồng nghiệp đang trong hầm trú ẩn bỗng nghe thấy tiếng reo hò rộn rã của nhân dân. Bật nắp hầm nhảy lên, các nghệ sĩ chứng kiến một cảnh tượng hào hùng, đó là chiếc máy bay Mỹ bốc cháy như một quả cầu lửa. Mọi người vui sướng vừa nhảy vừa ôm nhau khóc vì xúc động.

Nhạc sĩ Vũ Thanh khi ấy cũng có mặt, lập tức đặt bút viết những dòng ca hân hoan đầu tiên: “Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công/ Đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm – Đồng Xuân/ Nghe náo nức trong lòng Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ…”. Bài hát vừa hoàn thành, được đưa ngay vào phòng thu. Tuyết Thanh được vinh dự là người hát đầu tiên. Hai tiếng sau, bản thu âm hoàn thành, phát sóng ngay.

"Hôm sau Đài nhận được nhiều lời khen của quân dân Miền Bắc vì động viên đúng lúc. Bởi vì nó là thật, người thật, việc thật, được tận mắt chứng kiến thì mình rất vui. Bây giờ hát lại có khi không hay bằng, lúc ấy tinh thần hồ hởi, phấn chấn, vừa hát vừa khóc. Bất cứ người nào trong hoàn cảnh đó cũng có thể khóc được", nghệ sĩ Tuyết Thanh nhớ lại.

Nghệ sĩ Tuyết Thanh không thể quên kỷ niệm hát bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" do Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác. Bà nhớ lại: "Hôm đó chúng tôi đang làm việc buổi sáng ở phòng thu, theo dõi các tin tức trên loa ở đài phát, cứ một tiếng lại có tin chiến thắng, nhưng không nghĩ ngày chiến thắng gần thế. 11h30 ngày 30/4/1975, Đài TNVN phát tin Giải phóng hoàn toàn miền Nam, lúc đó có bài hát của anh Phạm Tuyên đưa đến, chúng tôi ôm nhau, nhảy lên, mừng lắm, khóc. Chúng tôi cũng chia nhau từng tốp, 4 bè chia nhau ra chỉ sau một tiếng là thu ngay, vừa hát vừa chảy nước mắt vì mừng vui. Đứng trên bục hát, ai cũng nghẹn ngào, thực sự lúc đó chúng tôi hát không hay đâu, nhưng không khí không có bút nào tả xiết, bây giờ nhớ lại vẫn nghẹn ngào. Anh em cứ làm việc cả ngày tại phòng thu, thu rất nhiều bài hát. Không nói chuyện, quên ăn, quên uống vì vui quá no rồi. Tôi được giao lĩnh xướng bài này cùng với anh Đặng Hùng, hát không hay đâu, nhưng sự hồ hởi nó toát ra ở trong lòng. Chỉ có diễn viên ở đài mới có niềm hạnh phúc đó".

NSƯT Tuyết Thanh coi Đài Tiếng nói Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của mình.

Nghệ sĩ Tuyết Thanh chia sẻ, bà thích nhất là đi hát cho bộ đội. Những lúc hành quân, tiếng hát của diễn viên nhà Đài như là hành trang của người lính. Bà nhớ mãi kỷ niệm biểu diễn ở tuyến lửa Sông Cầu, đứng bên mâm pháo hát cho chiến sĩ, vào hầm trú ẩn hát cho thương-bệnh binh.

“Có những người mình hát đến cuối hầm quay trở lại họ đã hy sinh. Diễn viên ngày xưa hòa mình với quần chúng, gặt lúa, gánh lúa, đập lúa cùng dân. Tình cảm quân dân gắn bó, thân thiết lắm. Tôi hay theo các tác giả đi sáng tác, có bài hát mới nào là hát phục vụ đồng bào ở tỉnh đó. Năm 1975 giải phóng cũng biểu diễn ở Sài Gòn, đang chuẩn bị diễn thì mọi người bảo "ra gặp anh ở R", họ cứ cười vì tôi bé nhỏ mà sao hát khỏe quá. Người ta bảo "Ở R mà nghe chị hát thì sướng lắm, quên cả đói". Tôi đã đi công tác từ Mã Pì Lèng ra đến đảo Phú Quốc”, NSƯT Tuyết Thanh chia sẻ.

NSƯT Tuyết Thanh coi Đài Tiếng nói Việt Nam như ngôi nhà thứ hai của mình. Bà chia sẻ: “Lớn lên và trưởng thành ở đó, tôi không thể quên các anh chị đã dìu dắt trưởng thành. Tôi gắn bó với Đài, rất yêu Đài và rất cám ơn Đài vì đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành”.

Phương Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/tuyet-thanh-giong-ca-nhac-cach-mang-noi-tieng-duoc-phong-tang-danh-hieu-nsnd-o-tuoi-81-post1064246.vov