Tuyệt đối tránh tiêu cực, tư tưởng cục bộ địa phương khi sáp nhập tỉnh
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu phải công tâm, khách quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đề xuất, giới thiệu nhân sự khi thực hiện sáp nhập.
Giai đoạn "cực kỳ khó khăn"
Ngày 11/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tỉnh ủy Sóc Trăng về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Phát biểu định hướng tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đoàn công tác tiến hành cuộc họp để nghe 3 địa phương báo cáo kết quả thực hiện, nêu rõ những việc đã làm, đang làm và chưa làm, những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thực hiện sắp xếp bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, giai đoạn 1 đã hoàn thành cơ bản. Giai đoạn 2 sẽ tiến hành từ tháng 3 đến tháng 6.
Nhấn mạnh đây là giai đoạn "cực kỳ khó khăn", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, để thực hiện được thì Quốc hội phải tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, sửa đổi Luật tổ chức chính quyền địa phương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về sắp xếp cấp xã.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (Ảnh: Media Quốc hội).
Nếu việc sửa đổi Hiến pháp và một số luật được thông qua thì sẽ kết thúc hoạt động của cấp huyện. Sẽ sáp nhập cấp tỉnh nếu Quốc hội thông qua Đề án sẽ giảm từ 63 tỉnh thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành phố.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Văn phòng Trung ương Đảng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương báo cáo về 5 nội dung cơ bản, tại cuộc họp hôm nay các địa phương sẽ tập trung báo cáo 3 nội dung:
Về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Về thực hiện Kết luận số 150, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị, hướng dẫn công tác nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Về thực hiện Chỉ thị số 45, ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp. Các nội dung còn sẽ báo cáo cụ thể khi Đoàn công tác làm việc trực tiếp với 3 địa phương trong thời gian tới.
Nhấn mạnh, trong việc sắp xếp nếu nhận thức không rõ, không có tư tưởng tiến công thì hết sức khó khăn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc quán triệt tư tưởng trong cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng, có như vậy mới thực hiện được thành công; bất kỳ khó khăn, gian khổ, phức tạp gì cũng vượt qua được.

Bí thư Tp. Cần Thơ Đỗ Thanh Bình báo cáo tại cuộc làm việc (Ảnh: Media Quốc hội).
Tại cuộc họp, Đoàn đã nghe lãnh đạo thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng Đồng báo cáo tình hình thực hiện, tiến độ triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Các ý kiến cũng thảo luận, tập trung làm rõ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đảm bảo đúng tiến độ thời gian, thống nhất cao và đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao báo cáo Thành ủy Cần Thơ, Tỉnh ủy Hậu Giang, Tỉnh ủy Sóc Trăng; nhiệt liệt biểu dương 3 tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động, tích cực triển khai các công việc, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
"Từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã hướng dẫn rất kỹ về sắp xếp bộ máy. Giai đoạn 2 về sắp xếp bộ máy cực kỳ khó khăn, vừa chạy vừa xếp hàng chứ không thể đủng đỉnh, túc tắc mà xong được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quang cảnh cuộc làm việc (Ảnh: Media Quốc hội).
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các địa phương đã chủ động theo dõi, cập nhật chủ trương định hướng, bám sát tiến độ, yêu cầu của cấp có thẩm quyền để chủ động triển khai thực hiện, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về phương án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Sau sắp xếp, 3 địa phương Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đã giảm từ 263 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 103 đơn vị hành chính cấp xã.
Hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân về các đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh và cấp xã với tỉ lệ đồng thuận trung bình đạt khoảng 97%.
Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành Nghị quyết thông qua các Đề án với tỷ lệ đồng thuận đa số đạt 100%. Kết thúc hoạt động của 28 đảng bộ huyện và hơn 140 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp huyện...
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Thường vụ 3 Thành ủy, Tỉnh ủy có kế hoạch chi tiết trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Thực hiện đầy đủ, đúng quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp.
Tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng tài sản công, trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính. Xây dựng phương án sử dụng hiệu quả các trụ sở dôi dư sau sáp nhập, tránh lãng phí.
Thực hiện nghiêm, hiệu quả các nội dung theo Nghị quyết số 57, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, số hóa tài liệu… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp dịch vụ công trước, trong và sau sắp xếp.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu 3 địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện đúng các mục tiêu đã đề ra; cân đối ngân sách, bố trí kinh phí, kịp thời thực hiện chi trả theo chế độ, chính sách về thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Tuyệt đối tránh tiêu cực, tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm; phải công tâm, khách quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đề xuất, giới thiệu nhân sự theo các quy định mới của Trung ương".