Tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức - Nâng cao bản lĩnh, ý thức chính trị của người làm báo
Vị trí vai trò của báo chí với công tác xây dựng Đảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tuyên truyền là công cụ quan trọng để tạo ra lực lượng mới hùng mạnh, là một bộ phận nòng cốt của công tác tư tưởng, giữ vai trò then chốt trong xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Chính vì vậy Người đã chỉ rõ: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực” để quần chúng hiểu đúng đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, từ đó tự giác tham gia công việc cách mạng. Do đó, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn xác định công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, trong đó công tác tuyên truyền là công cụ hữu hiệu và một trong những phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là bằng tuyên truyền, thuyết phục, vận động. Trong khi đó, công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức chính là “đường dẫn” đưa các nghị quyết của Đảng vào đời sống xã hội, biến đường lối, quyết sách của Đảng thành ý chí, quyết tâm của quần chúng nhân dân.
Vậy nên, hơn 99 năm qua, với chức năng, nhiệm vụ và vai trò đặc biệt quan trọng của mình, báo chí cách mạng Việt Nam luôn giữ vị trí đi đầu, gắn bó, đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và dân tộc. Đồng thời, tạo sự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Và trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, trước sự tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường và sự chống phá điên cuồng của các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính trị, báo chí cách mạng Việt Nam đã, đang tích cực, quyết liệt cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Quyết tâm chính trị cao độ của cấp ủy và chi bộ
Nhận thức rõ vao trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng nói chung, cơ quan báo Đảng ở địa phương nói riêng trong công tác xây dựng Đảng, cấp ủy, chi bộ và Ban biên tập Báo Bình Phước đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục của đơn vị. Vì thế, ngay sau khi được thành lập (ngày 1-1-1997), cấp ủy chi bộ đã triệu tập cuộc họp bàn về việc mở chuyên mục xây dựng Đảng trên trang 3 của Báo Bình Phước. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực quá mỏng và thể tài này đòi hỏi những cây bút có kiến thức chuyên sâu, am hiểu và công tác xây dựng Đảng nên mãi tới cuộc họp định kỳ tháng 9-1997, chi bộ Báo Bình Phước mới ban hành được nghị quyết về việc mở chuyên mục xây dựng Đảng. Trong nghị quyết nêu rõ: Giao cho Ban biên tập xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể đề tài cho các đảng viên là thành viên trong Ban biên tập và một số đồng chí trưởng phòng đảm nhiệm các bài viết theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương và Thường trực Tỉnh ủy.
Trong kế hoạch của Ban biên tập cũng phân công trách nhiệm cho từng đảng viên phụ trách ngành, địa bàn để đặt bài viết cho chuyên mục xây dựng Đảng từ lãnh đạo các sở, ngành và các huyện, thị xã. Trước đó, Ban biên tập cũng đã phân công Phòng Hành chính trị sự có trách nhiệm tập hợp các bài báo về xây dựng Đảng trên Báo Nhân Dân và báo trao đổi của các tỉnh, thành phố. Vào thứ hai hằng tuần, trong cuộc họp giao ban, đồng chí Hoàng Lâm, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Bình Phước và cũng là người có kinh nghiệm viết về xây dựng Đảng, yêu cầu các thành viên trong Ban biên tập và các trưởng phòng nghiên cứu những bài viết về xây dựng Đảng trên Báo Nhân Dân và báo Đảng của các tỉnh để học tập và rút kinh nghiệm. Tiếp đó, đồng chí Hoàng Lâm là người đầu tiên thực hiện một loạt bài về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại Đảng bộ tỉnh ở một số huyện, thị xã, thị trấn.
Bước sang năm thứ hai (1998), tất cả các thành viên trong Ban Biên tập phụ trách nội dung và các trưởng phòng chuyên mục đều đã thực hiện tốt các bài viết cho chuyên mục này. Cũng ngay từ đầu năm 1998, Báo Bình Phước phát hành 3 số trong tuần và trong đó chuyên mục xây dựng Đảng được duy trì trên hai số (thứ Hai và thứ Sáu). Và để chuyên mục này sinh động hơn, dễ thể hiện hơn đối với phóng viên, chi ủy và Ban Biên tập đã quyết định đăng tải các bài viết về các gương đảng viên tiêu biểu ở cơ sở. Và kết quả thật bất ngờ, chính những gương đảng viên tiêu biểu đã thu hút đông đảo bạn đọc, được độc giả trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Đặc biệt, những tấm gương đảng viên được phản ảnh trên báo có sức lan tỏa sâu rộng. Những việc làm hay, những nghĩa cử đẹp, nhất là kinh nghiệm trong việc quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương của các đảng viên tiêu biểu được nhiều người học, làm theo và có kết quả tích cực.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định: Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, thậm chí có mặt còn gay gắt hơn và đe dọa dến sự tồn vong của chế độ. Một trong 4 nguy cơ này là âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên rồi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thành những kẻ vong ơn bội nghĩa. Nhận thức rõ vấn đề này, từ tháng 3-2016, Báo Bình Phước đã mở chuyên mục “Chống diễn biến hòa bình”. Nội dung của những bài viết trong chuyên mục này là phê phán, phản biện những quan điểm sai trái, những luận điệu đổi trắng thay đen của một số đối tượng suy thoái về đạo đức, vong ơn, bội tín, bội nghĩa, như: Bùi Tín, Nguyên Ngọc, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Quang A, Nguyễn Phước Tương… được độc giả đánh giá cao, có tính chiến đấu, góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng về đạo đức.
Bài học kinh nghiệm từ thực tế
Từ thực tiễn trong công tác tuyên truyền xây dựng về đạo đức ở Báo Bình Phước và binhphuoc online trong những năm qua chúng tôi đã rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ít cho quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ nhất là cấp ủy, Ban biên tập và tập thể đảng viên cần có quyết tâm chính trị cao, sự thống nhất, đồng thuận ngay từ khi dự thảo nghị quyết của cấp ủy và kế hoạch triển khai thực hiện của Ban biên tập cần được trao đổi kỹ, cụ thể và phân công nhiệm vụ để từng đảng viên. Cùng với đó, Ban biên tập và đặc biệt là người đứng đầu cần năng động, sáng tạo và luôn nêu gương trong quá trình triển khai nghị quyết, kế hoạch cũng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai là hằng tháng, cấp ủy, Ban biên tập cần có định hướng nhiệm vụ cho các phòng nghiệp vụ, các trưởng phòng chuyên môn về việc cần chú trọng phản ánh những kết quả nổi bật trong thực hiện nghị quyết ở cơ sở, những giải pháp đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc tuyên truyền xây dựng đảng về đạo đức, nhất là về học học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, phải chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền các tấm gương điển hình tiên tiến, nhất là gương đảng viên tiêu biểu thực hiện phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Cuối cùng là để thực tốt việc tuyên truyền xây dựng Đảng về đạo đức, cấp ủy, ban lãnh đạo các cơ quan báo chí không thể không làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh, ý thức chính trị và đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí. Đặc biệt là phải xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền cụ thể, phù hợp đặc điểm, tình hình và kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở từng địa phương, đơn vị.