Tuyển sinh năm 2024: Nhiều trường đại học đề xuất phương thức tuyển sinh mới

Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học công bố tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Ngoài ra, nhằm tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào cao, một số trường đã đề xuất thêm phương thức xét tuyển mới.

Nhiều trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vừa công bố phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2024. Theo nhà trường, năm nay, chính sách tuyển sinh của Học viện có một số điểm mới so với kỳ tuyển sinh các năm trước. Trong đó, về chỉ tiêu tuyển sinh, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn khi Học viện tăng chỉ tiêu tuyển sinh với tổng chỉ tiêu là 5.200 cho cả 2 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM (năm 2023 là 4.280 chỉ tiêu)

Về ngành tuyển sinh và đào tạo, năm nay, Học viện dự kiến tuyển sinh 22 ngành, chương trình đào tạo (tăng 3 ngành, chương trình đào tạo so với năm 2023). Trong đó, dự kiến tuyển sinh mới các ngành, chương trình đào tạo sau: ngành Quan hệ công chúng, chương trình Thiết kế và phát triển game, chương trình Công nghệ thông tin Việt – Nhật.

Năm 2024, Học viện có thêm 2 chương trình chất lượng cao với nội dung, chất lượng chương trình đào tạo có nhiều ưu việt và lợi thế đối với người học. Học viện dự kiến tuyển 600 chỉ tiêu các chương trình chất lượng cao: Công nghệ thông tin, Marketing số, Kế toán theo chuẩn quốc tế ACCA.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy với tổng chỉ tiêu năm nay là 2.050, tăng 100 chỉ tiêu so với năm ngoái. Học viện tuyển sinh theo 3 phương thức tương tự năm 2023, gồm: Xét học bạ (15%), xét tuyển kết hợp (15%), xét điểm thi tốt nghiệp THPT (70%). Năm nay, Học viện dành chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất với 70%. Học viện chấp nhận quy đổi điểm môn tiếng Anh đối với những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh.

Học viện Tài chính vừa công bố phương thức tuyển sinh đại học năm 2024. Theo đó, năm 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy của Học viện Tài chính dự kiến là 4.500, tăng 300 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Sinh viên Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội trong một giờ học.

Trường ĐH Công nghệ TP. HCM dự kiến tuyển sinh 12.500 chỉ tiêu trình độ đại học, tăng 2.600 chỉ tiêu so với năm 2023. Nguyên nhân tăng chỉ tiêu là trường dự kiến mở 7 ngành mới gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính.

Năm nay, đối với khối ngành Công an, các trường cũng đồng loạt tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Theo công bố chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy vào các trường đại học, học viện khối ngành Công an nhân dân năm 2024 của Bộ Công an, Bộ dự kiến tuyển 2.150 chỉ tiêu đào tạo hệ đại học chính quy phân bổ vào 8 trường đại học, học viện trực thuộc (tăng 150 chỉ tiêu so với năm 2023).

Đề xuất nhiều phương thức xét tuyển mới

Năm 2024, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh gần 18.000 chỉ tiêu bậc đại học và hơn 3.000 chỉ tiêu bậc sau đại học. ĐH Quốc gia Hà Nội có 12 trường, khoa xét tuyển hệ đại học chính quy.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, về phương hướng tuyển sinh năm 2024, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đổi mới tuyển sinh, tăng cường năng lực tổ chức quản lý đào tạo theo mô hình quản trị đại học tiên tiến, nhằm thu hút được nhiều thí sinh giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng quy mô tuyển sinh tại Hòa Lạc.

ĐH Quốc gia Hà Nội cũng tiếp tục dùng điểm thi tốt nghiệp và một số phương thức khác như xét dựa vào chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP .HCM; xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp.

Ngoài ra, nhằm tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào cao, một số trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất thêm phương thức xét tuyển mới.

Ông Phạm Như Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược đề xuất, với đặc thù là đơn vị có thời gian đào tạo kéo dài, đòi hỏi tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào cao, Trường ĐH Y Dược mong muốn triển khai thí điểm hình thức phỏng vấn sau khi các thí sinh đã trúng tuyển vào Trường bằng bài thi đánh giá năng lực hay bài thi tốt nghiệp THPT.

Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Nguyễn Xuân Long cho rằng, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP để xét tuyển mang tính khả thi cao, bởi lẽ bài thi này đã được thực hiện trên máy tính, do Bộ GD&ĐT tạo ra đề.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Chử Đức Trình, từ thực tiễn cho thấy chất lượng sinh viên tốt nghiệp chưa cao, phần lớn sinh viên chưa đủ năng lực nghề nghiệp. Vì vậy, cần tập trung vào những phương thức tuyển sinh ổn định và bền vững để tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào tốt. Ông Trình ủng hộ phương thức thi đánh giá năng lực của Trung tâm Khảo thí, đồng thời đề xuất, trong điều kiện nhất định có thể dành 100% chỉ tiêu cho phương thức này.

Đối với những đề xuất này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ xem xét những đề xuất này.

Ông Hải yêu cầu các đơn vị đào tạo chủ động đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh do vậy cần tuyển đúng, tuyển đủ trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế tại đơn vị. Các đơn vị tuyển sinh không đủ cần rút kinh nghiệm cho năm tuyển sinh tiếp theo, tăng cường hoạt động quảng bá tuyển sinh.

Về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh tới đây, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị Ban Đào tạo căn cứ vào số liệu sinh viên tốt nghiệp đúng hạn để quyết định phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tuyen-sinh-nam-2024-nhieu-truong-dai-hoc-de-xuat-phuong-thuc-tuyen-sinh-moi-169240314162910149.htm