Tuyên Quang thời kỳ Pháp thuộc (1884 – 1945)
Cuối thế kỷ XIX, mặc dù triều đình nhà Nguyễn bạc nhược, đầu hàng quân Pháp, nhưng cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vẫn liên tục nổi dậy đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và bè lũ tay sai.
Trước khi quân Pháp đánh lên Tuyên Quang thì Tuyên Quang đặt dưới sự chỉ huy quân sự của Thống đốc Hoàng Tá Viêm và Đề đốc Lưu Vĩnh Phúc. Lưu Vĩnh Phúc là một trong nhiều thủ lĩnh ở Quảng Tây nổi lên chống nhà Thanh, sau sang Việt Nam vào khoảng năm 1867, quy thuận triều Nguyễn tham gia diệt phỉ và xây dựng kinh tế (Lào Cai).
Khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, sẵn có lòng căm ghét ngoại xâm, Lưu Vĩnh Phúc hợp tác với các lực lượng yêu nước Việt Nam chống Pháp. Lưu Vĩnh Phúc là người đã dẫn quân Cờ đen mai phục ở Cầu Giấy và làm nên chiến thắng vang dội tại đây, giết chết sĩ quan cầm đầu của địch là Thiếu tá Hải quân Pháp Phrăngxi Gácniê ngày 21-12-1873. Ngày 19-5-1883 lại xảy ra trận Cầu Giấy thứ hai cũng do Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy. Quân Pháp đại bại và Trung tá Hải quân Pháp Hăngri Rivie bỏ mạng tại trận. Tuy nhiên, quân Cờ đen là những nông dân bị bần cùng hóa nên họ có những hành động cướp bóc kiểu thổ phỉ.
Khoảng cuối năm 1883, để thực hiện Hiệp ước Hácmăng (25-8-1883), các tỉnh Bắc Kỳ đều có các quan lại được Triều đình cử tới làm việc với tư cách quan chức Bảo hộ. Vì vậy Tuyên Quang có Tuần phủ Hoàng Tướng Hiệp, Bố chính Lê Văn Duyên, Án sát Nghiêm Niệm, Thông phán Nguyễn Trung Hội.
Chẳng bao lâu sau, khoảng đầu năm 1884, Lãnh binh của đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc là Hoàng Thủ Trung đem 2.000 quân từ Hưng Hóa lên xóa sổ hệ thống chính quyền Bảo hộ ở Tuyên Quang. Tuần phủ Hoàng Tướng Hiệp bị bắt đưa đi án trí ở An Bình, kho tàng sổ sách bị tịch thu, Thông phán Nguyễn Trung Hội bị bắn chết, Án sát Nghiêm Niệm cáo bệnh, Bố chánh Lê Văn Duyên chạy trốn về Hà Nội. Quân đội Hoàng Thủ Trung rút ra ngoài thành. Ngày 31-5-1884, Đại tá Pháp Đuysenơ tấn công lên Tuyên Quang, trên chiến thuyền có đem theo Lê Văn Duyên.
Quân Pháp tới nơi chiếm được một cái thành rỗng không và không phải nổ tiếng súng nào. Chúng chủ quan chỉ để lại Đôminê cùng tiểu đoàn của hắn ở lại, còn cho rút bớt lực lượng về Hưng Hóa nơi chúng đã chiếm được từ ngày 12-4-1884. Hoàng Thủ Trung liền thu nạp thêm nhiều nghĩa dũng. Vì vậy quân số có từ 6 - 7 ngàn người lên tới 1 vạn người, vây chặt thành tỉnh. Địch hễ dẫn quân ra ngoài dù trên bộ hay dưới sông đều bị đánh chặn quyết liệt khiến sinh lực địch ngày càng bị tổn thất.
Tiểu đoàn quân Pháp do Đôminê chỉ huy bị cầm tù trong thành Tuyên Quang suốt từ tháng 5-1884 đến tận tháng 3-1885. Địch không thể lên giải vây sớm, vì thời gian này quân của Tổng đốc Vân Quý Sầm Dục Anh (quân Trung Hoa đã sang Việt Nam từ lâu do yêu cầu của triều Huế) và quân của Đề đốc Lưu Vĩnh Phúc đã phối hợp, tiêu diệt các đồn nhỏ, cắt mọi đường tiếp tế từ khắp mọi phía dẫn tới thành Tuyên Quang. Từ tháng 1-1885, quân đội của các tướng nói trên đã tăng cường bổ sung vào đội quân có cả dân binh địa phương của Hoàng Thủ Trung để bao vây tiêu diệt quân Pháp trong thành Tuyên.
Theo tài liệu của Pháp thì lúc này quân địch trong thành có 600 lính: 2 đại đội lê dương, 1 đại đội ngụy, 37 pháo thủ và công binh. Lực lượng bao vây quanh thành có tới 15.000 người. Quân ta đào hầm hào vào tận chân thành, dùng mìn nổ phá thành. Quân địch bị uy hiếp mạnh và núng thế. Đúng lúc này, ngày 3-3-1885, quân tiếp viện của địch do Giôvaninenli trên 9 chiếc pháo thuyền kéo lên giải vây. Quân ta liền tổ chức một trận diệt viện chưa từng có trên chiến trường Bắc Kỳ tại Hòa Mục. Lưu Vĩnh Phúc đã dự kiến trước trận đánh này và bố trí sẵn một trận địa lôi. Hai vạn cân thuốc nổ được nhồi vào các ống tre, xếp vào 500 hòm gỗ vuông chôn dọc hai bên đường. Ngoài ra, còn khá nhiều tên lửa, ống phóng hỏa bố trí sẵn.
Quân đội Lưu Đề đốc dùng kế nghênh chiến rồi rút lui, tạo cơ hội cho bọn trong thành thoát ra, nhử chúng sa vào trận địa lửa. Địch bị thiệt hại nặng nề. Từ hôm đó chiến sự vẫn tiếp diễn quanh thành và kéo dài trong 6 tuần liên tiếp. Sau đó, quân của Sầm Dục Anh án binh bất động thoái lui. Tình hình đó cũng làm quân ta nao núng cộng thêm việc hết đạn nên đội quân Lưu Vĩnh Phúc phải rút ra đóng ở Thanh Thủy. Thành Tuyên được giải vây nhưng địch thiệt hại rất nặng: đội quân trong thành bị tiêu diệt 1/2, quân của Giôvaninenli tử vong gần 100 tên, bị thương 787 tên trong đó có 21 sĩ quan. Tuyên Quang lại rơi vào tay quân Pháp từ giữa tháng 4-1884.
Trong lúc thành Tuyên Quang bị địch chiếm và bị bao vây (kể từ ngày 315-1884) có hai sự kiện ảnh hưởng tới tinh thần quân tướng cả hai phía. Đó là Quy ước Thiên Tân được ký kết giữa Pháp và Triều Thanh (ngày 11-5-1884), theo đó thì Trung Hoa cam kết rút hết quân ở Bắc Kỳ về biên giới. Sự kiện thứ hai là Triều đinh Huế ký với Pháp Hiệp định Patơnốt (ngày 6-6-1884) chấp nhận sự bảo hộ của Pháp ở Trung và Bắc Kỳ với hai thể chế: thuộc địa ở Nam Kỳ và bảo hộ ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Sau hai hiệp ước đó, mặc dù còn có chiến tranh Trung - Pháp ở Lạng Sơn nhưng quân Thanh cũng rút ra khỏi Bắc Kỳ. Đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc dù không muốn cũng buộc phải trở về Trung Quốc. Từ năm 1885, nhân dân Tuyên Quang tự lực tự cường chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau sự biến ở Kinh thành Huế tháng 7-1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, toàn quốc đã dấy lên một phong trào đấu tranh vũ trang suốt mười mấy năm trời. Trong phong trào toàn quốc này, vùng miền núi Bắc Kỳ luôn luôn là chiến trường ác liệt nhất, với những lãnh tụ nổi tiếng như Bố Giáp, Nguyễn Quang Bích, Đốc Tít, Đề Kiều, Đốc Ngữ,... Trong hàng ngũ nghĩa quân có nhiều người ở Tuyên Quang tham gia, đặc biệt là đồng bào Tày, Dao ở huyện Yên Bình.
Ở Tuyên Quang năm 1885, Pháp mới chỉ làm chủ được tỉnh lỵ. Tháng 5-1886, địch chiếm Chiêm Hóa và mãi đến ngày 1-9-1887 chúng mới chiếm được Hà Giang và năm 1893 mới đặt được đồn Yên Bình. Tuy vậy, Tuyên Quang luôn là địa bàn hoạt động, là hậu phương cho các nghĩa quân của nhiều thủ lĩnh Cần Vương chống thực dân Pháp.
Những năm 18901891, nhân dân Tuyên Quang tham gia cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp của các thủ lĩnh: Nguyễn Triệu Trọng, Hoàng Thân Lợi, Đặng Văn Siêu, Lương Tam Kỳ... Vùng đất từ Chiêm Hóa trở lên có hoạt động của nghĩa quân Hoàng Cầu, vùng Sơn Dương có Tuần Đạt, Hà Giang có Lê Chí Tuân... Địch nhằm chủ yếu vào nghĩa quân Nguyễn Triệu Trọng nhưng chúng cũng bị tiêu hao nhiều sinh lực.
Những năm 1894 -1896 Pháp tìm cách chia rẽ, ly gián các lực lượng kháng Pháp ở vùng Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang gây nên những cuộc huynh đệ tương tàn khiến cho lực lượng nghĩa quân suy yếu đi rất nhiều. Riêng khu vực Hà Giang từ cuối năm 1894, nghĩa quân Hà Cốc Thượng hoạt động rất mạnh, đánh thắng nhiều trận ở Bắc Mê, Quản Bạ, phía Bắc Hà Giang. Ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang, nghĩa quân Cao Tài Nhị, Lò Sét liên tiếp mở các cuộc tấn công mạnh vào Bắc Mục, Yên Mục, Ngòi La. Tháng 1-1896, Nguyễn Triệu Trọng liên kết với Mạc Quế An thành một lực lượng 300 tay súng bao vây đồn Cổ Lum (Lào Cai) giao chiến với binh đoàn Bayi ở đèo Mã Quy, giết chết một số sĩ quan Pháp.
Cũng trong năm 1896, nói chung phong trào Cần Vương đã suy yếu nhiều và dần dần chấm dứt. Các thủ lĩnh nghĩa quân ở Tuyên Quang và vùng lân cận, dù không bị bắt hay bị tiêu diệt nhưng cũng không còn sức để tổ chức các trận đánh Pháp. Nghĩa quân đều rút lui dần sang bên kia biên giới.
Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang không chỉ tham gia và ủng hộ các lực lượng chống thực dân Pháp như kể trên mà còn tích cực tham gia các phong trào địa phương với các thủ lĩnh người các dân tộc như Quản Tha, Tuần Dật, Đèo Văn Trì, Nông Văn Quang, Cầm Văn Thanh, Đèo Chính Lục, Đặng Phúc Thành, Hà Cốc Thượng,...
Đầu thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam nói chung, đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang nói riêng bước vào một trang sử mới.
Trong khoảng từ năm 1906 cho đến năm 1924, Tuyên Quang, nhất là tại huyện Sơn Dương có nhiều hoạt động của nghĩa quân Đề Thám. Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã giúp đỡ, che giấu các nghĩa quân khi đang hoạt động, kể cả khi phong trào đã thất bại, Đề Thám đã hy sinh. Các tướng lĩnh của Đề Thám được nhắc đến như Cả Huỳnh, Quản Cờ, Hoa, Kép Bang, v.v.. Bên cạnh đó là những hoạt động chống đối của người Hoa, kể cả những công nhân làm tại các mỏ khai thác của Pháp từ những năm 1908-1909.
Chính quyền Tuyên Quang gọi họ là “đảng cải cách” (parti réformiste) của Trung Hoa và những người châu Á xâm nhập Tuyên Quang. Tháng 3-1913, số công nhân làm đất ở Nà Đồn, Đài Thị (Chiêm Hóa) gồm 235 người đã đấu tranh đòi tên chủ Đétsôven phải trả đủ lương, không được bớt xén. Trong hai năm 1913-1914, đồng bào các dân tộc Yên Bình tham gia phong trào Giáp Dần và cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp của hai thủ lĩnh người Dao là Triệu Tiến Kiên và Triệu Tài Lộc.
Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Đội Cấn năm 1917 cũng làm rung chuyển chính quyền Tuyên Quang và tác động mạnh đến nhân dân các dân tộc Tuyên Quang. Đặc biệt ở mỏ Tràng Đà từ năm 1916 đến năm 1921 đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động khiến công nhân bất bình, nhất là khi phát sổ lao động năm 1921. Vì vậy, năm 1925 ở đây đã nổ ra cuộc đình công của toàn công nhân mỏ đòi cải thiện tiền lương và giảm giờ làm.
Theo tài liệu của một yếu nhân trong Việt Nam Quốc dân Đảng 1 thì Phạm Tuấn Tài là một nhà giáo ở Hà Nội, người sáng lập ra Nam Đồng thư xã, cái nôi khai sinh ra Việt Nam Quốc dân Đảng. Khi Nguyễn Thái Học triệu tập hội nghị thành lập Đảng tháng 12-1927 và được bầu làm Chủ tịch Tổng bộ Việt Nam Quốc dân Đảng thì Phạm Tuấn Tài không có mặt nhưng vẫn được bầu vào Tổng bộ2.
Trước đó, Nam Đồng Thư xã bị Pháp đóng cửa, tịch thu hết mọi ấn phẩm và Phạm Tuấn Tài phải chuyển lên Tuyên Quang dạy học. Trong những năm 1927-1929, tại Tuyên Quang, Phạm Tuấn Tài không ngừng tuyên truyền vận động thành lập Chi bộ Việt Nam Quốc dân Đảng. Năm 1929, sau vu tên mô phu Badanh (Bazin) bi am sat, ông bị bắt và đày ra Côn Đảo, nhưng Chi bộ Việt Nam Quốc dân Đảng tại Tuyên Quang đã thành lập. Chính là tại chi bộ này, ở Tuyên Quang, Ngô Hải Hoàng đã trở thành đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng.
Ngô Hải Hoàng là một trong hai người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Ông quê ở Nghệ An, làm việc ở Tuyên Quang rồi chuyển sang Yên Bái. Sau khi khởi nghĩa thất bại, trước Hội đồng Đề hình của Pháp tại Yên Bái, Ngô Hải Hoàng đã thể hiện một tấm gương về tinh thần yêu nước, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và đồng chí, đức hy sinh bất khuất của một người có khí phách. Có tài liệu cho biết, Chi bộ Việt Nam Quốc dân Đảng của Hải Hoàng ở Tuyên Quang đã vận động nhiều quần chúng tham gia vào cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Như vậy có thể nói, cuộc khởi nghĩa Yên Bái có sự tham gia của nhân dân và đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng ở Tuyên Quang 1.