Giữa tháng 10/2021, tuyến độc đạo dẫn vào Vườn Quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) đã bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt hoàn toàn do trận mưa lịch sử xấp xỉ 1.000mm trút xuống khu vực núi rừng này nhiều ngày. Tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng phần taluy âm tại vị trí Km12+900 (hướng Quốc lộ 1 đi lên đỉnh Bạch Mã), cách văn phòng Vườn Quốc gia Bạch Mã khoảng 10km, cách đỉnh Bạch Mã 6km.
Đoạn đường bị sạt lở có chiều dài khoảng 55m, ăn sâu vào sườn núi hơn 50m. Vụ sạt lở đất đã phá hủy hoàn toàn kết cấu kè bê tông bảo vệ và bề mặt đoạn đường.
Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã Nguyễn Vũ Linh cho biết, vụ sạt lở này được xem là lớn nhất từ trước đến nay tại Bạch Mã. Đây là sự cố bất khả kháng do thiên tai, gây mất ổn định và an toàn cho tuyến đường chuyên phục vụ bảo vệ rừng, cũng như phát triển du lịch sinh thái.
Do nằm ở địa bàn phức tạp, núi cao, dốc thẳm, địa tầng phức tạp, nên việc xử lý khắc phục thông tuyến phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, khảo sát thực địa, đề xuất phương án, bố trí kinh phí thực hiện; dẫn đến hoạt động giao thông đi lại bị ách tắc kéo dài nhiều tháng.
Trước nhu cầu của khách tham quan khi hoạt động du lịch trong nước từng bước phục hồi sau dịch bệnh COVID-19, Vườn Quốc gia Bạch Mã từng thí điểm đón một số đoàn leo núi, đi bộ theo tuyến đường độc đạo băng qua khu vực sạt lở để lên khám phá các khu sinh cảnh, suối thác và đỉnh cao nhất (1.450m) của ngọn núi. Tuy nhiên, do đoạn sạt lở trên tuyến đường chưa được khắc phục, việc đi bộ trên quãng đường dài dễ nảy sinh những vấn đề không mong muốn, Vườn Quốc gia Bạch Mã quyết định ngừng đón khách kể từ đầu tháng 5 vừa qua.
Đến nay, sau khi hoàn tất các hồ sơ, thủ tục về đầu tư khắc phục sạt lở tuyến độc đạo, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã chỉ đạo đơn vị nhà thầu khẩn trương bắt tay thi công các hạng mục nền móng, thân đường, thoát nước, hệ thống bảo đảm giao thông…
Tuyến thi công khắc phục đoạn sạt lở đường lên đỉnh Bạch Mã triển khai trên chiều dài khoảng 70m. Đơn vị thi công tiến hành dịch hướng tuyến về phía taluy âm khoảng 2-3m, tạo mặt đường rộng 5,5m; bảo đảm kỹ thuật và an toàn cho phương tiện thiết bị khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, đơn vị thi công sẽ xử lý nền đường, taluy âm, cấy trụ cốt thép vào lòng núi ở dưới thân đường đoạn khắc phục sạt lở; bố trí tường chắn xây bằng đá hộc cao 6m tại vị trí chân taluy; mái taluy âm gia cố bằng tấm lát bê tông, bố trí rãnh thu nước dọc theo chân cơ và đỉnh kè. Đối với đoạn đường bị trôi, sạt, khi khắc phục sẽ bổ sung lại bề mặt bằng bê tông, bố trí thanh truyền lực, móng cấp phối đá dăm theo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Dự kiến, đầu tháng 6 tới, đoạn sạt lở gây chia cắt kéo dài tuyến độc đạo lên đỉnh Bạch Mã sẽ cơ bản được thông tuyến. Được biết, công trình khắc phục sạt lở đường vào Vườn Quốc gia Bạch Mã có tổng trị giá đầu tư 9 tỷ đồng, kinh phí được cấp từ ngân sách khắc phục hậu quả thiên tai của nhà nước.
Vườn Quốc gia Bạch Mã được thành lập năm 1991, với tổng diện tích 22.031ha, thuộc tỉnh TT-Huế. Ðến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mở rộng Vườn Quốc gia Bạch Mã, với tổng diện tích là 37.487ha, nằm trên địa bàn hành chính hai tỉnh TT-Huế và Quảng Nam. Ngoài chức năng công viên quốc gia, bảo tồn đa dạng sinh học, nơi đây còn là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng.
Ngọc Văn