Tướng Pháp nói cuốc xẻng Việt Nam mạnh không kém xe tăng

Tiếng đào thịch thịch dội vào lòng đất đêm đêm vang động khắp bốn phía tạo nên một nỗi ám ảnh khiến quân địch vô cùng hoảng sợ.

Để giảm bớt thương vong cho bộ binh ta khi tiếp cận và tiến công cứ điểm địch, ta đã đào đường hào từ bìa rừng tiến về hướng cứ điểm mà ta sẽ tiến công, khi đến gần thì đào chiến hào ngang, xây dựng trận địa xuất phát tiến công rồi trận địa xuất phát xung phong theo đội hình triển khai của đơn vị.

Sau khi kết thúc thắng lợi đợt 1, để chuẩn bị cho đợt 2 chiến dịch, ta đã phát triển thành hệ thống trận địa tiến công và bao vây ngày càng vững chắc, trong tầm bắn có hiệu quả của các cỡ hỏa lực của ta.

Ta xây dựng 2 loại đường hào:

- Một là đường hào trục, dùng cho việc cơ động bộ đội và pháo đi cùng, vận chuyển thương binh, hình thành một đường vòng rộng lớn bao quanh phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm.

- Hai là đường hào tiếp cận của bộ binh, xuất phát từ vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng rồi đổ ra cánh đồng, cắt ngang đường hào trục, tiến dần về vị trí địch được chọn làm mục tiêu tiêu diệt.
- Dọc hai loại đường hào trên đều có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, công sự và ụ súng để sẵn sàng đánh trả những cuộc tiến công của địch.

Ảnh tư liệu.

Cả hai loại hào đều phải có độ sâu 1m7, riêng đáy hào trục phải rộng 1m2 để hai cáng thương có thể tránh nhau. Đáy hào tiếp cận của bộ binh thì rộng 0m5, hai người tránh nhau được. Về chiều dài, lúc đầu ước tính khoảng 100 km, nhưng trong quá trình chiến dịch, bộ đội ta đã đào đến hơn 200 km đường hào! Phải lao động cật lực, từ 14 đến 18 tiếng mỗi ngày, đào mãi khiến xẻng cuốc mòn dần, có xẻng chỉ còn 1/3.

Việc xây dựng trận địa phải tiến hành chủ yếu vào ban đêm, đào đến đâu ngụy trang đến đó và phải triển khai cùng một lúc trên toàn mặt trận để phân tán sự chống phá của địch. Nhưng khi các đường hào đã vươn dài hàng chục kilômét trên cánh đồng thì không còn cách nào che mắt được kẻ thù, nhất là tiếng đào thịch thịch dội vào lòng đất đêm đêm vang động khắp bốn phía tạo nên một nỗi ám ảnh khiến quân địch vô cùng hoảng sợ.

Chúng đã dùng pháo binh và không quân bắn phá ngày đêm, đưa quân ra những trận địa ở gần để san lấp và gài mìn, ngăn quân ta đào tiếp. Và cũng từ đây, mỗi mét đường hào không chỉ phải đổi bằng mồ hôi mà cả bằng xương máu.

Các tướng tá Pháp sau này đã nhận xét: “Với biện pháp vừa dũi vừa tự vệ có hiệu quả kỳ lạ, cái vòi của những con bạch tuộc cứ vươn tới với tốc độ khủng khiếp. Do tìm được cách đánh thích hợp, đối phương đã tạo cho chiếc cuốc, chiếc xẻng của họ có sức mạnh không kém xe tăng, máy bay quân đội Pháp!”

Hoàng Minh Phương/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuong-phap-noi-cuoc-xeng-viet-nam-manh-khong-kem-xe-tang-post1472307.html