Tùng 'sữa' - Tổng giám đốc Tập đoàn BHG Việt Nam: Đi tìm cơ hội trong khó khăn
Hậu đại dịch, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng không phải không có cơ hội. CEO Tập đoàn BHG Việt Nam Nguyễn Văn Tùng nói, nếu cứ ngồi than vãn …dưới mưa, trời không thể hửng nắng. Phải tìm cách 'khiêu vũ' dưới những cơn mưa để tìm cách 'sống chung với lũ'.
Nguyễn Văn Tùng, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn BHG Việt Nam ở thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) dẫn tôi đi xem vài vị trí mà anh vừa thuê lại để kinh doanh. Chỗ mở nhà hàng, nơi làm đại lý, vị trí nào cũng đắc địa. Tùng nói, lần này không kể chuyện nghịch cảnh, số phận, nỗ lực vươn lên của bản thân mà chuyển sang nói chuyện làm ăn, chuyện cơ hội, hướng đi trong kinh doanh thời kỳ hậu đại dịch.
Nhìn anh luôn rạng ngời, lúc nào cũng tỏa năng lượng sống tích cực. Quan sát anh em công ty không khí làm việc rất chuyên nghiệp, có vẻ như hậu đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến BHG Việt Nam?
CEO Nguyễn Văn Tùng: Ảnh hưởng chứ anh! Sản phẩm chủ lực của chúng tôi là sữa. Ở Việt Nam sữa là thực phẩm bổ sung chứ không phải thứ không có không được trong thực đơn của mỗi gia đình. Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm theo. Một ví dụ như thế này để anh dễ hình dung, thời gian qua, nhiều nhà máy đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, công nhân mất việc, giảm thu nhập nên họ sẽ phải chắt chiu chi phí sinh hoạt. Khi mở cửa hàng, đại lý, chúng tôi đã tính toán các vị trí gần nhà máy, khu công nghiệp để thu hút khách hàng là nữ công nhân nhưng khi nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc, đại lý cũng không thể duy trì hoạt động hoặc giảm doanh số bán hàng. Nói chung con …covid-19 nó không trừ ai cả (cười).
Nhưng theo tôi biết, về cơ bản số lượng cửa hàng, đại lý, siêu thị của BHG vẫn ngót nghét con số 300 như cuối năm ngoái? Hàng tháng vẫn có 5-6 cửa hàng mới khai trương? Các con số đâu có biết nói dối?
CEO Nguyễn Văn Tùng: Quả đúng là số lượng cửa hàng, siêu thị của BHG cơ bản không giảm. Năm nay, chúng tôi đã vươn ra một số tỉnh mới như Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, mở thêm một số cửa hàng tại Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương…nhưng cách làm cũng khác. Ngoài việc không làm kiểu mua đứt bán đoạn mà phải trực tiếp quản lý, phân phối theo chuỗi mang thương hiệu BHG, chúng tôi xác định, thời gian khó khăn này, phải dành sự quan tâm đặc biệt hơn cho các cửa hàng. Đó là hỗ trợ vốn, đào tạo kỹ năng quản lý, kỹ năng bán hàng thường xuyên hơn. Đặc biệt liên tục có các chương trình chăm sóc khách hàng, quảng bá sản phẩm. Thời điểm này là lúc duy trì, củng cố hoạt động kinh doanh, chấp nhận lợi nhuận suy giảm một chút nhưng niềm tin giành cho nhau thì luôn phải được bồi đắp từng ngày.
Kiểu như trong gian khó mới hiểu hết lòng nhau, thử thách, xây đắp lòng tin. Nói một cách khác là nếu muốn đi xa phải đi cùng nhau?Vậy, anh nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực của mình như thế nào trong bối cảnh khó khăn chung?
CEO Nguyễn Văn Tùng: Thực ra trong cái khó vẫn …ló cái khôn. Tuy nhiên để nhìn thấy cơ hội, tranh thủ cơ hội, chúng tôi xác định nguồn vốn để đầu tư phải đảm bảo, phải có sự chuẩn bị trước rủi ro. Tôi ví dụ thế này, bây giờ nếu anh có vốn, anh sẽ thuê được mặt bằng rẻ vì nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa, bất động sản đóng băng. Về nhân sự, do người lao động mất việc hoặc có ít hơn sự lựa chọn nên mình có cơ hội để tuyển dụng được nhân sự tốt ở hầu khắp các lĩnh vực như: kinh doanh, kỹ thuật, truyền thông…Những cơ hội đó, tôi tin là nhiều người nhìn thấy nhưng vấn đề là phải có sự tính toán, chuẩn bị từng bước, nhất là về vốn.
Gần đây, BHG Việt Nam đã hợp tác với một thương hiệu sữa hàng đầu thế giới là DENEAST của Thụy Điển... Việc hợp tác với các “ông lớn” của ngành sữa không phải chuyện dễ dàng. Anh nhìn thấy cơ hội gì từ thượng vụ này?
CEO Nguyễn Văn Tùng: Chúng tôi đã ký kết hợp tác với nhà máy sữa & đồ uống DENEAST, một thương hiệu lớn. Nói thật là rất khó để có thể làm ăn với họ vì yêu cầu của các doanh nghiệp này rất cao, đòi hỏi đối tác làm ăn với họ cũng phải là những doanh nghiệp lớn, hoặc có tiềm năng phát triển lớn. Nói thật, nếu trước đại dịch, chúng tôi khó có cửa để ký kết hợp tác với những doanh nghiệp lớn như thế này. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, nhiều hãng sữa nổi tiếng thế giới sẽ phải tính toán lại chiến lược kinh doanh, trong đó có việc hợp tác với những đối tác mới, thị trường mới, nơi có nhiều dư địa để phát triển nên đó là cơ hội của chúng tôi. Họ là đối tác lớn, mạnh về thương hiệu và công nghệ, trong khi chúng tôi có hệ thống phân phối khắp các tỉnh thành phía nam. Đối tác cũng nhìn thấy ở chúng tôi tâm huyết, khát vọng, sự tin cậy…
Trong 2 năm qua, BHG không chỉ phân phối các sản phẩm mẹ & bé mà còn đầu tư vào sản xuất. Liệu sản xuất có phải là hướng đi chiến lược của công ty trong những năm tới?
CEO Nguyễn Văn Tùng: Hiện tại chúng tôi đã có một nhà máy sản xuất sữa ổn định tại Hà Nội và đang triển khai xây dựng một nhà máy nữa tại Bình Dương. Sắp tới chúng tôi sẽ ra mắt thương hiệu sữa Nocos Green. Còn về lâu dài, tôi vẫn mong muốn có một nhà máy sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng tại quê tôi Nông Cống, Thanh Hóa. Chúng tôi đang trong quá trình tìm tiềm năng.
Nocos Green? Nghe rất quen! Có gì đó liên quan đến Nông Cống – Thanh Hóa quê anh không?
CEO Nguyễn Văn Tùng: Đúng vậy! (cười). Quê tôi ở xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, một vùng quê nghèo của xứ Thanh. Rời quê đi học và lập nghiệp ở phía nam đã hơn chục năm nhưng lúc nào tôi cũng trăn trở với quê hương. Ước mơ của tôi là sẽ có một thương hiệu, sản phẩm gì đó gắn với quê hương. Nocos là chính là “Nông Cống” như anh phát hiện. Khi tôi đề xuất xây dựng thương hiệu này, hầu hết cổ đông trong công ty, trong đó có những cộng sự không phải người quê gốc Thanh Hóa cũng rất ủng hộ. Có một chút tình cảm cá nhân nhưng tôi nghĩ, quan trọng nhất không phải ở cái tên mà phải là chất lượng của sản phẩm…
Xin cảm ơn anh! Chúc anh nhiều sức khỏe, chúc BHG Việt Nam sẽ có một năm gặt hái nhiều thành công.
CEO BHG Việt Nam Nguyễn Văn Tùng sinh năm 1991, quê ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Năm 2013, đang là sinh viên năm cuối trường Sỹ quan kỹ thuật công binh, Tùng đi thực tập và gặp tai nạn trên công trường thi công cầu Hóa An, sông Đồng Nai. Cú sốc kinh hoàng đã khiến anh chỉ còn lại 1 tay, 1 chân. Bằng nghị lực phi thường, Tùng đã đứng dậy và khởi nghiệp bằng nghề bán lẻ sữa.
Năm 2015, BHG Việt Nam ra đời và dần trở thành một nhà phân phối sữa và các sản phẩm dành cho mẹ & bé hàng đầu ở khu vực Bình Dương và Đông Nam bộ. Hiện hệ thống của BHG Việt Nam có gần 300 cửa hàng, siêu thị trải dài khắp các tỉnh phía Nam. Biệt danh “Tùng sữa” vẫn theo anh đến bây giờ, còn BHG là chữ viết tắt của “bách hóa group” để nhớ về một thời khởi nghiệp gian khó.