Từng bước tự chủ trong thiết kế tàu quân sự

Tàu hải đội dân quân thường trực, tàu vận tải đổ bộ 550 tấn, tàu chở xăng dầu 3.000 tấn, tàu trinh sát... là những gam tàu tiêu biểu do Viện Thiết kế tàu quân sự (TKTQS), Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng thiết kế, được đóng mới trong thời gian qua. Kết quả đó khẳng định bước phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp đóng tàu quân sự nước ta, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo Đại tá Phạm Quang Chiến, Viện trưởng Viện TKTQS, khởi đầu là Tàu TS500CV, đến nay, Viện TKTQS có đủ năng lực để thiết kế hầu hết các gam tàu bổ trợ quân sự cho Bộ Quốc phòng và nhiều tàu kinh tế có tính năng hiện đại, công nghệ cao. Đây là bước phát triển vượt bậc của Viện, thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo trong định hướng phát triển trước yêu cầu xây dựng nền công nghiệp quốc phòng hiện đại và lưỡng dụng. Là cơ sở nghiên cứu, thiết kế đầu ngành trong lĩnh vực đóng tàu quân sự, Viện TKTQS nhanh chóng nắm bắt những thành tựu mới của khoa học-công nghệ, đẩy mạnh đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tạo bước phát triển vượt bậc cả về quy mô tổ chức, năng lực nghiên cứu thiết kế, làm chủ nhiều công nghệ đặc thù, công nghệ mới.

 Cán bộ, nghiên cứu viên Viện Thiết kế tàu quân sự (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trao đổi phương án thiết kế tàu biển.

Cán bộ, nghiên cứu viên Viện Thiết kế tàu quân sự (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trao đổi phương án thiết kế tàu biển.

Các loại tàu quân sự nói chung, tàu chiến nói riêng có quy trình thiết kế, chế tạo, đóng mới khác hoàn toàn so với các tàu kinh tế, tàu dân sự. Để hình thành nên những bản thiết kế tối ưu, bảo đảm tính năng kỹ thuật, chiến thuật là những bài toán đặt ra cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Viện. Việc làm chủ các phần mềm thiết kế chuyên dụng, như: Aveva Marine, Fine Marine, NavCad... giúp đội ngũ cán bộ nghiên cứu nhanh chóng tính toán các số liệu về tính năng của tàu như: Vận tốc, góc nghiêng, bán kính lượn vòng, quãng đường trớn tiến, trớn lùi... Đặc biệt, thực hiện chuyên môn hóa theo hướng thành lập tổ thiết kế tập trung, lựa chọn cán bộ có trình độ của các phòng chuyên môn làm nòng cốt, phát huy trí tuệ tập thể, Viện đã từng bước giải quyết được nhiều bài toán đặt ra trong thiết kế sản phẩm, nhất là tính toán khả năng hoạt động ổn định, phương án bố trí, tích hợp trên tàu.

Tàu đổ bộ đa năng, tàu chở dầu hay tàu vận tải đổ bộ 550 tấn (VDB-550) có khả năng chở được các loại xe chiến đấu hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép... khẳng định năng lực thiết kế của đội ngũ cán bộ Viện TKTQS. Không chỉ dừng ở thiết kế, Viện còn tham gia vào quá trình thành hình các gam tàu, từ tư vấn lập dự án, đề án, thiết kế thi công, giám sát thi công đến biên soạn tài liệu và bảo đảm kỹ thuật; là trung tâm kết nối giữa chủ đầu tư và các nhà máy thi công. Kết quả tham gia thực hiện các đề án, dự án đóng tàu trong toàn quân thời gian qua đã khẳng định năng lực thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công của Viện TKTQS, tạo tiền đề cho thực hiện các đề án, dự án lớn tiếp theo.

Đại tá Lê Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện TKTQS cho biết: Thiết kế tàu quân sự là lĩnh vực khoa học đa ngành như cơ khí, điện, vũ khí, tự động hóa... Vì vậy, bài toán xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có cơ cấu hợp lý, đồng bộ về chuyên ngành, chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, đơn vị đã thực hiện đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; luân phiên cử cán bộ đi đào tạo, nghiên cứu sinh, học cao học ở trong và ngoài nước, nhất là những chuyên ngành chuyên sâu, đặc thù, phù hợp với chức năng, định hướng phát triển. Đồng thời, thường xuyên tổ chức hội thảo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, phổ biến kinh nghiệm về thiết kế tàu, trang thiết bị trên tàu. Đặc biệt, trong những năm qua, Viện đã cử nhiều cán bộ đi thực tế ở nhà máy và tham gia các dự án đóng tàu trong nước; tham dự triển lãm quốc tế; khảo sát, đàm phán, nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài ở một số lĩnh vực chuyên môn sâu trong thiết kế tàu chiến. Đây là những “hạt nhân” đóng vai trò nòng cốt trong đảm nhận các nhiệm vụ khó, nhiệm vụ trọng điểm của đơn vị.

Cùng với xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, Viện tích cực tham mưu đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phần mềm thiết kế tàu theo hướng hiện đại, tạo nền tảng nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế. Đến nay, đơn vị đã triển khai nhiều dự án đầu tư, tạo sự đột phá về hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị; xây dựng xưởng chế thử có đủ hệ thống máy móc gia công cơ khí; các máy, thiết bị đo lường sức bền, độ cứng vật liệu, siêu âm khuyết tật mối hàn, kiểm tra chất lượng vũ khí, khí tài... bảo đảm đo lường, thử nghiệm trên 5 lĩnh vực kiểm định và 11 lĩnh vực thử nghiệm. Với những tiền đề vững chắc về nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở vật chất, đến nay, Viện TKTQS cơ bản làm chủ được thiết kế các gam tàu bổ trợ trong toàn quân, từng bước tiến tới làm chủ thiết kế tàu chiến đấu.

Theo Đại tá Lê Anh Tuấn, thời gian tới, Viện tập trung thực hiện khâu đột phá về “nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, tích hợp hệ thống trên tàu chiến đấu”, hướng tới thiết kế các gam tàu chiến, tàu bổ trợ hiện đại phù hợp với quy hoạch trang bị của Quân đội, tàu phục vụ dân sinh theo yêu cầu của thị trường trong nước, quốc tế; đề xuất mở mới các đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ có tính ứng dụng cao; đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp vũ khí, khí tài trên tàu và tham gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ một số hệ tàu mới...

Bài và ảnh: THANH THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tung-buoc-tu-chu-trong-thiet-ke-tau-quan-su-835729