Tư vấn phong thủy: Cân bằng, bù trừ hay chia đều?

Trong lý thuyết lẫn ứng dụng phong thủy, khái niệm cân bằng âm dương, hài hòa đặc rỗng, chính phụ… vẫn hay được cho rằng chung chung, không rõ ràng. Tư duy so sánh với kiến trúc thuần túy mang tính khoa học Tây phương khiến những triết lý Đông phương bị xem là mơ hồ và khó 'cân đong đo đếm' được.

Từ chuyện có nên trồng cây trên mái nhà như một trào lưu gần đây hay cổ súy (thậm chí có người còn nhầm kiến trúc xanh là xanh hóa kiến trúc bằng cây cối), đến tranh cãi màu nào là màu gốc của công trình di sản (mà tư liệu ít ỏi còn lưu được chỉ là hình bản vẽ trắng đen), dễ thấy các tranh luận có thể định lượng định tính rõ ràng mà còn rơi vào đa chiều, trái ngược, huống chi để hiểu đúng và đủ về phong thủy là điều không dễ với đa số gia chủ và cả nhà chuyên môn.

Ngôi nhà Việt thể hiện văn hóa Việt

Có va chạm với khách hàng về phong thủy, các nhà chuyên môn mới thấm thía cái rào cản về nhận thức không dễ gỡ bỏ khá tương đồng với hai cách ứng xử mang tính đánh giá văn hóa(*). Một là đem tiêu chuẩn của chính mình ra áp đặt, cái gì có lợi (hoặc mình cho là có lợi) thì chạy theo bất chấp tính hợp lý và các logic khoa học.

Hai là sùng bái sản phẩm ngoại lai, chê bai giá trị của văn hóa Việt, nếp nhà Việt, chỉ hâm mộ phương Tây hiện đại, hoặc mê tín theo phong thủy xưa, Trung Hoa cổ…

Khi đủ kiến thức về triết học Đông phương, sẽ hiểu quan niệm “dụng ở chỗ không” trong tạo dựng nơi chốn cư ngụ của cha ông ta phát xuất từ đặc thù khí hậu, bao cảnh, môi trường. Một khối tích sẽ chỉ được gọi là ngôi nhà để sống khi sử dụng được khoảng trống hữu ích, và biểu hiện được quan hệ giữa con người và điều kiện tự nhiên chung quanh khối tích đó.

Cha ông ta, trên một cuộc đất, qua cách đào đắp, lấy chỗ trũng bù lên chỗ cao, che chỗ nắng, mở chỗ thoáng… đã thể hiện cách tạo ra vùng âm dương, tĩnh động, chính phụ, trước sau… mà thế hệ sau không phải lúc nào cũng nhận dạng rõ ràng ở ngôi nhà truyền thống. Chưa nói đến xử lý hình khối hoặc chi tiết trang trí, cách thức xử lý “phần thô” theo văn hóa Việt khá đặc trưng, nhưng một số khảo cứu về nhà xưa thường hay lược qua phần “sử dụng đất, tạo khoảng không hữu ích” rất khôn khéo và thực tiễn này.

Cho dù văn hóa Việt trải qua bao thời kỳ giao thoa, dung nạp, tiếp biến, thậm chí chịu tác động, ảnh hưởng của thời cuộc và văn hóa bên ngoài, thì giá trị cốt lõi khi người Việt làm ngôi nhà Việt vẫn không hề khác biệt, thậm chí thông qua kiến trúc của tiền nhân, khoa học hiện đại còn chỉ ra được tính thích ứng, ảnh hưởng ngược lại yếu tố văn hóa Tây phương ra sao, ví dụ như phong cách Đông Dương đầu thế kỷ XX(**), hay phong cách nhiệt đới hiện đại thập niên 60-70…

Thực tiễn tương đối trong mong mỏi tuyệt đối

Dĩ nhiên ai làm nhà ở cũng mong nhà mình tiện nghi, bền đẹp… nhưng đồng thời cũng phải chấp nhận một phần tương đối các giá trị đạt được. Đó cũng là mục tiêu của phong thủy: giải quyết các định vị hình thành nên tốt xấu từ ba đặc tính: đặc thù cuộc đất, đặc trưng sinh hoạt, đặc điểm mệnh trạch. Nói nôm na “nhà của ông A-xây ở chỗ B-có kiểu ăn ở C” là các biến số làm nên sự khác biệt với gia chủ khác-chỗ khác-công năng khác.

Những “chỉ định- chống chỉ định” kiểu “thầy bói xem voi” trở nên khó áp dụng khi 3 biến số trên (và còn nhiều biến số khác như thời vận, khí hậu, kinh tế…) tác động vào. Việc cân bằng được các dữ liệu phong thủy, đơn giản hơn là dung hòa, cao hơn là chọn lọc, sẽ cần khả năng suy xét từ đầu các mối tương quan giữa các thành phần, từ đó điều chỉnh, phân bố theo chính phụ có ưu tiên, chứ không phải là chia đều, hay cào bằng.

Ví dụ như “thầy” phong thủy cứ “phán” là bếp phải đặt ở góc này, xoay về hướng nọ… thì rất phi lý, vì ngay trong phái Bát Trạch dùng la bàn xác định đã có 12/24 cung đặt được bếp, tức là trên vòng tròn la bàn 360 độ có chỗ cát, chỗ hung (tốt-xấu) chứ không cố định vài chỗ.

Cũng dễ thấy rằng, thành phần hay bị điều chỉnh, đập phá khi xây nhà luôn là kích thước cửa, ô giếng trời, mảng trang trí… gọi chung là những khoảng liên quan đến âm dương của trường khí ngôi nhà. Nhưng yếu tố âm dương thì lại chịu tác động bởi môi trường cư ngụ, tương quan đặc rỗng mỗi ngôi nhà (về hình khối cũng như về khoảng sử dụng) phụ thuộc rất nhiều vào ngoại cảnh tác động lên.

Ví dụ nhà nằm ở vùng nông thôn, nhà vườn, biệt thự… có cây xanh bao bọc thì những hướng khí hậu tốt nên làm phần rỗng nhiều hơn đặc để thiên nhiên tràn vào nội thất. Gọi là rỗng nhưng thực ra vẫn có khoảng đệm (như hàng hiên, mái vươn xa,…) để giảm bớt tác động trực tiếp (mưa tạt, gió lùa, nắng xiên). Ở nước ta nhà xoay về hướng tây chịu nắng khá gay gắt nên phải che chắn nhiều hơn, nhưng không hẳn nhà hướng tây phải làm kín mít, mà vẫn phải xen kẽ đặc rỗng, có khối lồi lõm, có lam che chắn để xử lý linh hoạt.

Đặc rỗng trong không gian nội thất liên quan chặt chẽ đến khả năng thông thoáng, lấy sáng
tự nhiên (Ảnh trái) Khi mặt tiền bị “phơi” nắng gắt, giải pháp dùng hình khối kết hợp mái che, hàng hiên, lam chắn... sẽ ưu việt hơn là mảng kính lớn hay trang trí phức tạp cầu kỳ.

Làm cụ thể để phong thủy là nhiệm vụ thiết kế

Như vậy, khi các bên nhìn nhận phong thủy là ứng xử văn hóa, thì nhiệm vụ thiết kế sẽ rõ ràng, chi tiết và không bị phủ lên tấm màn mê tín, mơ hồ nữa. Như vấn đề nở hậu hoặc thóp hậu, đơn giản là xử lý sao cho không gian thực dụng có được thoải mái, giảm cảm giác bít bùng, thông thoáng và thẩm mỹ, chứ không phải chuyện so đo vài ba tấc nở hậu hay thóp hậu.

Dễ nhận ra trong kho tàng kinh nghiệm làm nhà truyền thống, không có lấy một dòng nào nhắc đến chuyện nở hay thóp hậu. Gặp đất xéo thì làm nhà vuông, gặp nhà xéo thì làm phòng vuông, thậm chí bo tròn, vát nhẹ, đặt khoảng ít dụng vào chỗ xéo, chỗ bí, là ổn, miễn sao không gian chính yếu được thuận tiện, thoải mái, thông thoáng.

Việc hiện nay khi xin phép xây dựng phải tuân thủ nguyên tắc chừa khoảng trống từ 10% đến 20 % diện tích đất (tùy theo khu vực quy hoạch) chính là để tránh tình trạng làm “đặc” hết diện tích, không còn khoảng “ rỗng” cho nội khí lưu thông, ngoại khí luân chuyển. Về cân bằng âm dương, nguyên tắc cân bằng động biểu hiện cái nhìn “thoáng” theo nhiều nghĩa. Thoáng để không có bất kỳ phòng ốc nào trong nhà bị vây kín, bức bí. Thoáng là không so đo từng tấc nhỏ mà nhìn vào đại cục chung giúp ngôi nhà không sa đà chi tiết rườm rà, rối rắm.

Thoáng còn là vấn đề tư duy biết “nắm và buông” với khu nào, chỗ nào trong nhà, như nơi thờ cúng gọn ghẽ, thâm nghiêm, hay góc thư giãn thoải mái, co giãn. Thoáng như cha ông ta từ xưa đã nghĩ thoáng về khoảng Thiên Tỉnh (giếng trời, sân trong) là sự thấu hiểu vùng không gian đi đến được và không gian nhìn ngắm hít thở được trong phong thủy. Mở một giếng trời có thể không giành được mấy mét vuông sàn, không đi vào khoảng trống đó, nhưng bù lại tăng thêm khoảng thông thoáng, thư giãn hữu dụng.

Cách tư duy đậm chất cân bằng âm dương này giúp trường khí trong nhà liên kết tốt hơn, giảm tình trạng nhà ống bốn bề vây kín. Kinh nghiệm phong thủy truyền thống đã đúc kết “đa thiên tỉnh khắc sơn xuyên”, tức là dùng nhiều giếng trời (Thiên Tỉnh) để tránh việc tạo nên những khe hẹp hun hút trong nhà (vùng Sơn Xuyên) gây ra gió lùa, gió quẩn rất có hại.

Về hình thức bên ngoài, kiểu làm nhà với các phần đặc rỗng tạo hình khối, điêu khắc, xếp đặt... có thể hấp dẫn, bắt mắt, nhưng bên trong không gian thiếu hợp lý, khó sử dụng, nôm na là làm “đồ giả” chỉ nhằm trang trí cho mặt ngoài, sẽ khiến cho trường khí nơi cư ngụ về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Nguyên lý cân bằng âm dương với nhà nhiệt đới cho thấy phòng ở trên cao, tính dương nhiều thì nên mở hạn chế, có che chắn để ánh sáng không quá chói chang, giảm dương thịnh. Ngược lại, phòng ở dưới thấp hoặc phòng bị khuất kín, vốn ẩm thấp tối tăm, thì cửa nên mở sao cho tăng cường thêm nhiều ánh sáng, thông thoáng, thậm chí làm cửa mở suốt và ít ngăn đặc là cách giúp thông gió tốt, giảm cảm giác bít bùng, nặng nề.

Khi các giải pháp nhà cửa thời công nghệ tràn ngập như hiện nay, với sự trợ giúp của nhà chuyên môn, việc bố trí nhà ở (căn hộ hay nhà phố) về phong thủy cơ bản không hề quá phức tạp, miễn sao gia chủ có cái nhìn tổng thể, tư duy rạch ròi, minh định và cân nhắc đa chiều trong lựa chọn.

Bài: ThS-KTS Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương

______________

(*) Thuật ngữ xã hội học phân biệt hai cách ứng xử đối với những mẫu văn hóa khác.
- Chủ nghĩa vị chủng, hay chủ nghĩa duy dân tộc, tethno-centrism: là kiểu đánh giá văn hóa khác bằng tiêu chuẩn văn hóa của chính mình. Điều này tạo ra đánh giá bất công hoặc sai lệch một mẫu văn hóa khác. Cách nhìn nhận văn hóa này cũng mang tính phản ứng tiêu cực và lệch lạc đối với những nền văn hóa, mẫu văn hóa khác nhau.
- Thuyết tương đối văn hóa (cultural relativism): là đánh giá văn hóa khác trong cảnh quan văn hóa của chính nó. Thuyết này nhấn mạnh rằng các bối cảnh xã hội khác nhau làm nảy sinh các giá trị và tiêu chuẩn khác nhau. Một biểu hiện của thuyết tương đối văn hóa là chủ nghĩa duy ngoại (xeno-centrism), đó là sự tin rằng những gì (sản phẩm, kiểu cách, ý tưởng...) thuộc về nền văn hóa của bản thân mình đều ở “dưới tầm” so với những thứ tương tự nhưng ở nền văn hóa mà nó phát tích. Ví dụ: người Mỹ tin rằng đồ điện tử của họ không tốt bằng của Nhật Bản, hoặc người Việt cho rằng dầu gội đầu sản xuất tại Việt Nam không tốt bằng của châu Âu mặc dù cũng do chính hãng đó sản xuất...

(**) Phong cách Indochine hay kiến trúc Đông Dương là một ví dụ điển hình của nền mỹ thuật giàu tính khoa học, duy lý theo tinh thần khoa học ở châu Âu khi kết hợp với nghệ thuật phương Đông để tìm nguồn cảm hứng mới, tìm ra những quy luật thẩm mỹ của các dân tộc ở phương Đông, tạo nên những kiến trúc kết hợp Âu Á hài hòa. Việc lược bỏ phần nào nhận thức lệch lạc “lấy châu Âu làm trung tâm” cũng như không lặp lại kiến trúc cổ Á Đông đã tạo ra trong lịch sử kiến trúc Việt Nam một dòng kiến trúc có tích hợp văn hóa độc đáo, phong phú và bền vững. Đặc trưng nổi bật về văn hóa của kiến trúc Đông Dương là sự tự chuyển biến để thích nghi hóa giữa kiến trúc ngoại lai (hiện đại phương Tây) với các yếu tố bản địa và yếu tố nghệ thuật phương Đông.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tu-van-phong-thuy-can-bang-bu-tru-hay-chia-deu-39484.html