Tự sự về 'Sông Hồng ký sự'
Hơn 10 năm làm báo, tôi được đi đây đó, tiếp xúc, trải nghiệm cuộc sống ở nhiều vùng, miền và có không ít kỷ niệm khó quên. Trong đó, chuyến tác nghiệp viết loạt bài 'Sông Hồng ký sự' đã cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc về tình cảm của những con người đã giúp đỡ, hỗ trợ mình.
Ngày mới về nhận công tác tại báo Tiền Phong, tôi được giao nhiệm vụ viết 6 trên 15 kỳ của tuyến bài “Sông Hồng ký sự”. Đây là nhiệm vụ khá khó khăn đối với tôi khi phải đi một hành trình dài từ “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” (tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đến ngã 3 sông Bạch Hạc (Phường Bạch Hạc, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Dù đề cương đã được xây dựng khá chi tiết nhưng để hiện thực hóa đề cương bằng những câu chuyện sát thực tế và sinh động lại là một hành trình gian nan. Để bắt đầu, tôi đi thẳng từ Hà Nội lên TP Lào Cai rồi ngược lên A Mú Sung. Vừa đi, vừa mang theo nỗi lo, đến nơi mà bao nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ kỳ cựu đã “cày” nát rồi, mình sẽ có gì viết mới hơn?
Đến nơi, tôi được cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng nơi đây chào đón, hỗ trợ, giúp đỡ. Họ hẹn rồi dẫn tôi gặp các già làng, các cụ cao niên hiểu tường tận về địa danh Lũng Pô, A Mú Sung để tôi được nghe những câu chuyện thú vị về vùng đất biên cương đã đi vào thơ ca. Tôi không quên được hình ảnh Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, lúc đó là Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Mú Sung, Bộ đội Biên phòng Lào Cai, cùng ông Vàng Duẩn Phú, nguyên Bí thư Đảng ủy xã A Mú Sung kể cho tôi những câu chuyện về những dấu mốc lịch sử hào hùng, nơi những người lính biên phòng chiến đấu kiên cường và ngã xuống để bảo vệ biên cương. Để tưởng nhớ sự hy sinh của những người lính nơi biên ải và khẳng định chủ quyền của Tổ quốc, Tỉnh Đoàn Lào Cai đã huy động nguồn lực xã hội xây dựng “Cột cờ Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” tại vị trí cột mốc biên giới số 92.
Đặc biệt, trong quá trình tác nghiệp, tôi may mắn gặp Tiến sĩ Trần Hữu Sơn (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai) - người nắm rất kỹ và yêu thích văn hóa Lào Cai đang có chuyến nghiên cứu văn hóa các dân tộc ở huyện Bát Xát. Khi gặp, tôi nói với ông về việc viết loạt bài “Sông Hồng ký sự” và ngỏ ý muốn ông chia sẻ những câu chuyện lịch sử, văn hóa của đoạn sông Hồng từ Lũng Pô về TP. Lào Cai.
Ngay lập tức, ông đồng ý và quyết định chậm lại hành trình của mình để giúp đỡ tôi. Từ câu chuyện lịch sử ông kể, tôi mới biết được rằng đoạn sông Hồng từ Lũng Pô ngày nay về đến TP. Lào Cai xưa kia là tuyến giao thông đường thủy tấp nập, hàng hóa giao thương giữa Vân Nam (Trung Quốc) với Việt Nam rất sôi động.
Có thời điểm, 90% lượng hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài của vùng Vân Nam đều đi qua cửa khẩu Lào Cai trên sông Hồng cho đến khi có đường sắt thay thế. Nhờ vậy, bài viết của tôi ở thượng nguồn sông Hồng có nhiều điểm mới như: Khắc họa về sự khô cạn, đổi màu của sông Hồng ở Lào Cai, chuyện về Thác Tây, về quá trình xây dựng tuyến đường sắt Điền Việt, về một thương cảng cũ sầm uất cạnh sông Hồng.
Tuyến bài mang tên “Sông Hồng ký sự” khởi đăng, nhận được nhiều phản hồi tốt đẹp từ bạn đọc. Mới đây, tuyến bài được trao giải B “Giải báo chí viết về ngành giao thông vận tải lần thứ IV năm 2022-2023”.
Khi đã tìm hiểu thu thập xong tư liệu ở Lào Cai, tôi xuôi về tỉnh Yên Bái để tiếp tục hành trình. Theo kế hoạch, tôi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái tìm hiểu thông tin. Tại đây, lãnh đạo Sở giới thiệu để tôi gặp Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Yên Bái và chị Nguyễn Kim Lê, Phó Trưởng phòng Quản lý di tích và danh thắng thuộc Trung tâm Quản lý Di tích và Phát triển Du lịch tỉnh để phỏng vấn. Sau khi phỏng vấn xong, trên đường về khách sạn, tôi nhận được cuộc điện thoại của ông Quang.
Ông nói: “Lúc nãy tớ nói tràng giang đại hải như thế, có lẽ cậu chưa hình dung ra hết đâu. Thôi, ngày mai qua đây, hai chú cháu mình đi trải nghiệm thực tế. Đi thực tế sẽ giúp cháu hiểu tường tận những di tích lịch sử - văn hóa, những di chỉ khảo cổ hai bên bờ sông Hồng. Để chú nói với Lê đi cùng nữa”. Thế là, trong chuyến đi cùng hai nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa của Yên Bái, tôi được tường tận từng di tích lịch sử, từng di chỉ khảo cổ dọc sông Hồng đoạn qua Yên Bái.
Trong chuyến đi tác nghiệp này, tôi còn nhận được nhiều tình cảm trân quý tương tự như vậy. Khi tôi cảm ơn, họ đều nói: “Cứ viết bài cho hay là được rồi”. Lời nói đó như giao nhiệm vụ nên tôi đã cố gắng hết sức mình để tìm tòi, thể hiện bài viết.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tu-su-ve-song-hong-ky-su-post1585120.tpo