Từ ngập úng cục bộ nghĩ về phát triển đô thị bền vững
Qua thực tế nhiều đợt mưa cho thấy, chỉ khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ mưa to liên tục, thành phố Hòa Bình sẽ lâm vào tình trạng ngập úng cục bộ. Nước dồn dập đổ về rất nhanh nhưng lại lâu thoát khiến
Qua thực tế nhiều đợt mưa cho thấy, chỉ khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ mưa to liên tục, thành phố Hòa Bình sẽ lâm vào tình trạng ngập úng cục bộ. Nước dồn dập đổ về rất nhanh nhưng lại lâu thoát khiến "phố biến thành sông”. Thực trạng này không chỉ diễn ra tại thành phố Hòa Bình mà còn ở một số địa phương khác. Thoát nước và quy hoạch đô thị vẫn là một "bài toán" cần lời giải đồng tốc trong quá trình phát triển đô thị.
Trận mưa đêm 27, rạng sáng 28/7 vừa qua khiến thành phố Hòa Bìnhngập trong biển nước. Một số khu vực có "truyền thống" ngập úng như chợ Nghĩa Phương, phường Đồng Tiến… nhiều hộ dân đã "trắng đêm tát nước”. Tại huyện Lương Sơn, mưa lớn liên tục khiến quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Lương Sơn như một dòng sông cuồn cuộn nước. Theo số liệu thống kê, địa bàn thị trấn Lương Sơn và một số xã lân cận thiệt hại lên đến hơn 1,5 tỷ đồng do mưa lớn đêm 23/7, chủ yếu là do ngập cục bộ, nước tràn vào nhà làm hư hỏng đồ dùng gia dụng.
Có một thực tế dễ nhận thấy, cả thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn đều là hai địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất hiện nay. Trong điều kiện thời tiết cực đoan, mưa nhiều, hệ thống thoát nước quá tải, dường như ngập úng đang gia tăng cùng tốc độ đô thị hóa. Đáng ngại hơn là có thể dẫn đến ngập úng kéo dài do phát triển đô thị "nóng", tự phát không theo quy hoạch và tình trạng lấn chiếm, lấp dần hệ thống tiêu thoát nước đô thị.
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến yêu cầu tiêu thoát nước khác trước, trong khi hạ tầng chung hiện nay không đáp ứng được. Hầu hết bề mặt (ngoại trừ các ao, hồ) đều đã bị bê tông hóa. Đất trống để làm nhà, công trình công cộng và ngay cả vỉa hè trước lúc lát gạch, đá cũng đã được xử lý bằng một lớp bê tông phía dưới. Đô thị gần như không còn không gian cho nước mưa có thể thẩm thấu được xuống nền đất phía dưới. Trong khi đó, tình trạng san lấp ao, hồ làm công trình, dự án vẫn tiếp tục tái diễn khiến khả năng tiêu thoát nước tự nhiên ngày càng giảm xuống; công tác quy hoạch chưa đáp ứng được dự báo cũng như đáp ứng các yêu cầu để phòng chống ngập úng đô thị.
Theo Tạp chí Kiến trúc, để hướng tới phát triển đô thị một cách bền vững, ngoài những yếu tố về việc kiến tạo các không gian sáng tạo, tái thiết các cơ sở công nghiệp, xác định tầm quan trọng của các không gian xanh trong đô thị thì việc xác định tầm quan trọng của không gian mặt nước và nguồn nước ngầm cũng là một yếu tố mang tính quyết định. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu xây dựng thành phố Hòa Bình trở thành đô thị loại II và huyện Lương Sơn trở thành đô thị loại IV đến năm 2025. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, những năm gần đây, cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn đã tăng tốc, đầu tư nguồn lực để thực hiện các tiêu chuẩn nâng cấp đô thị theo quy định. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, để xây dựng một đô thị đáng sống, cuộc sống chất lượng, thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền cũng như người dân thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn cần có giải pháp cụ thể để quy hoạch và phát triển đô thị một cách bền vững, xây dựng đô thị đồng bộ và bài bản; đồng thời xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị.