Từ đối thoại 2+2, Mỹ-Ấn Độ tìm cách 'hóa giải' ranh giới khác biệt

Trang ORF ngày 15/4 đăng bài viết của Giáo sư Harsh V. Pant* phân tích về mức độ sâu sắc của cam kết Mỹ-Ấn Độ qua cuộc đối thoại 2+2 và các động lực của mối quan hệ này trong bối cảnh hiện nay.

Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Mỹ chủ trì cuộc đối thoại 2+2 với những người đồng cấp S Jaishankar và Rajnath Singh của Ấn Độ, ngày 11/4 tại thủ đô Washington D.C. (Nguồn: Twitter)

Hình ảnh mô tả cuộc đối thoại 2+2 giữa Mỹ và Ấn Độ hôm 11/4 có thể là phản ứng của Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar trước câu hỏi về việc Ấn Độ nhập khẩu dầu từ Nga.

Ông nói: “Lượng mua của Ấn Độ trong tháng ít hơn so với lượng mua của châu Âu trong một buổi chiều”.

Nhiều người ở Ấn Độ coi đây là một sự phản bác đúng đắn đối với việc Mỹ làm khó New Delhi về mối quan hệ năng lượng với Nga.

Và nhiều người ở Mỹ sẽ thấy rằng Ấn Độ tiếp tục theo đuổi đường lối riêng của họ đối với Nga, bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng tồi tệ.

Tuy nhiên, ông Jaishankar đơn thuần nói rõ điều hiển nhiên, đồng thời nêu bật rằng New Delhi và Washington có những lợi ích khác nhau để nhìn nhận cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở châu Âu.

Thông điệp lớn hơn

Có một thông điệp lớn hơn từ cuộc đối thoại 2+2 này, được chuyển thành 3+3 với việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden thiết lập tính chất của cuộc đối thoại.

Đó là 2 nền dân chủ lớn trên thế giới đã sẵn sàng hợp tác về những bất đồng để đạt kết quả có thể chấp nhận được.

Mặc dù các chủ đề trong những tuần qua bị chi phối bởi sự khác biệt liên quan cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, Ấn Độ và Mỹ nhấn mạnh cam kết tiếp tục xây dựng trên đà phát triển những năm gần đây và không đánh mất bức tranh chiến lược lớn hơn.

Quan hệ đối tác song phương Ấn-Mỹ ngày nay bao gồm một loạt vấn đề như đối phó với dịch bệnh Covid-19, phục hồi kinh tế sau đại dịch, khủng hoảng khí hậu và phát triển bền vững, các công nghệ quan trọng và mới nổi, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, giáo dục, cộng đồng, quốc phòng và an ninh.

Bề rộng và chiều sâu chưa từng có

Bề rộng và chiều sâu của quan hệ Ấn-Mỹ là chưa từng có và các động lực của mối quan hệ đối tác này đã và đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy.

Mối quan hệ vẫn là duy nhất tới mức được thúc đẩy ở cả 2 cấp độ: cấp chiến lược giới tinh hoa và cấp độ nhân dân.

Cuộc đối thoại 2+2 tuần này chứng kiến việc ký Bản ghi nhớ (MOU) về Nhận thức tình hình không gian mới trong bối cảnh hai nước tìm cách tăng cường hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng.

Quan hệ "đối tác quốc phòng chủ chốt" tiếp tục phát triển nhanh chóng. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhấn mạnh Mỹ và Ấn Độ đã “xác định những cơ hội mới để mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội hai nước và phối hợp chặt chẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Cho rằng Trung Quốc đang xây dựng “cơ sở hạ tầng lưỡng dụng” dọc biên giới với Ấn Độ, ông khẳng định Mỹ sẽ “tiếp tục sát cánh” với Ấn Độ trong việc bảo vệ các lợi ích chủ quyền của mình.

Rõ ràng, đây không phải là ngôn ngữ của hai quốc gia khác nhau về mặt chiến lược.

Nga - nhân tố cũ

Việc Ấn Độ và Mỹ có sự khác biệt trong quan điểm về cuộc khủng hoảng Ukraine được thể hiện rõ trong một thời gian. Xét cho cùng, Nga không phải là nhân tố mới trong mối quan hệ này.

Trong nhiều năm, quan hệ quốc phòng Ấn-Nga đã đặt ra nhiều thách thức. Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) vốn là một phần của cuộc thảo luận liên quan việc New Delhi mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Moscow.

Ngoại trưởng Antony Blinken “chưa đưa ra quyết định về các biện pháp trừng phạt tiềm năng hoặc khả năng miễn trừ”. Song đây dường như là sự thừa nhận rõ ràng ở Washington rằng bất kỳ động thái nào nhằm trừng phạt Ấn Độ sẽ khiến mối quan hệ hai nước thụt lùi vài thập kỷ.

Theo một cách riêng, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng mở ra cơ hội mới cho quan hệ đối tác Ấn-Mỹ.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland trong chuyến thăm Ấn Độ gần đây đã thừa nhận rằng, “sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Nga về nguồn cung cấp vũ khí là rất quan trọng”.

Đó là “di sản của sự hỗ trợ an ninh của Liên Xô và Nga vào thời điểm mà Mỹ ít hào phóng hơn với Ấn Độ”.

Nhưng với những thực tế mới ngày nay đang định hình quỹ đạo của cam kết song phương này, đã đến lúc Mỹ giúp Ấn Độ xây dựng cơ sở sản xuất quốc phòng thông qua chuyển giao công nghệ cũng như hợp tác sản xuất và cùng phát triển.

Ấn Độ bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với nghị quyết do Nga soạn thảo về tình hình nhân đạo ở Ukraine. (Nguồn: ANI)

Thúc đẩy lợi ích sống còn

Lập trường của Ấn Độ về cuộc khủng hoảng Ukraine được nhiều người mô tả là trung lập hoặc thậm chí không liên kết.

Tuy nhiên, đây không phải là cách tiếp cận không liên kết bất đi bất dịch trong quá khứ của Ấn Độ.

Cách tiếp cận của Ấn Độ hiện nay được củng cố bởi nguyên tắc rõ ràng mà nước này ủng hộ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng cũng có thể áp dụng trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Đó là tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia, Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

New Delhi sẵn sàng tận dụng tình hình hiện nay để tìm kiếm các cơ hội nhằm thúc đẩy các lợi ích sống còn - cho dù điều đó có thể là yêu cầu Mỹ xem xét lại quan hệ hợp tác quốc phòng với Ấn Độ hoặc mua dầu giá rẻ từ Nga để phục vụ nhu cầu kinh tế của đất nước.

Ấn Độ không muốn công khai lên án Nga nhưng với việc bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC), việc nước này nhiều lần nhắc đến Hiến chương Liên hợp quốc và ủng hộ viện trợ nhân đạo cho Ukraine cho thấy New Delhi đang làm rõ các ưu tiên của mình.

Đó là việc thể hiện Ấn Độ đang nổi lên như “một người chơi hàng đầu” trong một hệ thống quốc tế đang trải qua sự thay đổi chưa từng thấy.

Ấn Độ và Mỹ ngày nay là đối tác chiến lược theo đúng nghĩa của thuật ngữ này.

Nhưng quan hệ đối tác giữa các cường quốc trưởng thành không bao giờ là tìm kiếm một sự hội tụ hoàn toàn, mà là quản lý những khác biệt bằng cách đảm bảo đối thoại liên tục và biến những khác biệt này thành các cơ hội mới.

Phiên bản mới nhất của đối thoại 2+2 đã truyền tải được tình cảm đó một cách hiệu quả.

* Giám đốc nghiên cứu chiến lược, Quỹ Nghiên cứu các nhà quan sát (ORF), Ấn Độ.

Hồng Phúc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-doi-thoai-22-my-an-do-tim-cach-hoa-giai-ranh-gioi-khac-biet-180588.html