Từ đặc vụ FBI tới… chuyên gia bảo mật VinCSS
'Trong 6 năm qua, thực sự tôi đã trải qua một hành trình phát triển bản thân lớn nhất từ trước đến nay, trong cả công việc và cuộc sống', Tín Nguyễn nói về quãng thời gian trở về Việt Nam sau 35 năm sống và làm việc tại Mỹ.
Hành trình trở về
Cuộc gặp gỡ của tôi với Tín Nguyễn diễn ra tại một quán cà phê vắng vẻ ở TP.HCM, nơi anh đang "cà phê làm việc". Thói quen rất Việt Nam này có lẽ không giống những gì người ta tưởng tượng về một “đặc vụ FBI” thường thấy trên phim ảnh.
Khi được hỏi về hành trình trở về cội nguồn và công việc của anh trong ngành an ninh mạng, Tín cười xuề xòa: “Thực ra câu chuyện di cư của tôi đâu phải chuyện lạ lùng hay độc nhất. Hồi đó, tôi chỉ là một trong hàng trăm ngàn đứa trẻ di cư sau chiến tranh và bây giờ, tôi cũng chỉ là một trong hàng ngàn Việt kiều quay về”.
Tín Nguyễn di cư cùng gia đình sang Mỹ khi mới chỉ vài tháng tuổi và lớn lên tại bang California. Năm 18 tuổi, anh giành được học bổng toàn phần tại Boston University, một trong những trường đại học quốc gia hàng đầu tại Mỹ.
Sau 2 năm, với mong muốn rèn luyện tính kỷ luật cho bản thân, anh chuyển ngang sang Trường quân sự The Citadel. Anh bén duyên với lĩnh vực an ninh từ đó, với khởi đầu sự nghiệp trong Lục quân Thủy chiến của Mỹ (nơi anh tham gia chiến đấu hai lần ở Iraq và một lần ở Afghanistan), sau đó là 8 năm phục vụ trong Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Đối mặt với ngã ba đường trong sự nghiệp, khi bước tiến tiếp theo sẽ là một vị trí quản lý tại FBI, không còn được trực tiếp sát sao với hiện trường, Tín nhận thức rõ mình vẫn mong muốn phục vụ, nhưng có lẽ đã đến lúc cống hiến của anh cần tạo nên những tác động rõ rệt hơn.
Tín quay về Việt Nam năm 2018, khi một người bạn đề nghị anh cùng khởi nghiệp. “Nếu lúc đó bạn tôi đề xuất một quốc gia khác, chắc tôi đã không nhận lời. Tôi đồng ý về Việt Nam vì đây sẽ là cơ hội để tìm hiểu thêm về di sản văn hóa của quê cha đất tổ”, Tín chia sẻ.
Tại Việt Nam, anh xây dựng cho mình một sứ mệnh mới, thay vì chống tội phạm bằng phản ứng bị động, anh kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng an ninh một cách chủ động, nhất là đối với quê hương - nơi an ninh mạng còn là một lĩnh vực rất mới mẻ.
Về để hiểu hơn nơi chôn nhau cắt rốn
Gần 20 năm sống trong cộng đồng người Việt ở California, Tín Nguyễn hầu như không có suy nghĩ sẽ quay về. Việt Nam đối với anh chỉ là hình ảnh những người nói tiếng Việt, những cửa hàng bán đồ Việt Nam và món ăn Việt Nam… ở quận Cam. Nhiều lần anh được nhìn Việt Nam qua những bức ảnh cũ của cha mẹ và có suy nghĩ rằng, Việt Nam đâu đó sẽ hiện đại hơn thế một chút.
Những nhận thức này đã hoàn toàn thay đổi khi anh đặt bước chân đầu tiên về dải đất hình chữ S năm 35 tuổi. “Lúc đó, tôi có suy nghĩ rằng, lai lịch gốc Việt của mình sẽ đem đến lợi thế lớn trong việc hòa nhập cộng đồng doanh nghiệp tại đây, nhưng điều này chỉ đúng một phần. Là người Việt, nhưng tôi không rành tiếng Việt, cũng chẳng hiểu mấy về văn hóa - xã hội của nguồn cội. Đó thực sự là một cú sốc văn hóa khi phải tìm hiểu cách đồng bào mình làm việc và sinh sống”, Tín bộc bạch.
Không chỉ là sự thay đổi về mặt địa lý, anh nhanh chóng nhận ra rằng, cuộc sống mới sẽ đòi hỏi phải thích nghi cả về thói quen và tư duy. Khởi đầu trong môi trường start-up, bài học đầu tiên của Tín là cách làm việc với các bạn trẻ, cũng như xây dựng đội ngũ và mô hình kinh doanh từ những viên gạch nền.
Tại văn phòng đầu tiên trong một không gian làm việc chung (coworking space), anh dần làm quen với phong cách làm việc của người Việt, từ những ngạc nhiên nho nhỏ như thói quen nghỉ trưa tại văn phòng, cách đặt xe và gọi đồ ăn, cho đến cách giao tiếp với khách hàng, đối tác và điều hành đội ngũ trẻ từ thế hệ Millennials đến GenZ.
Với đội ngũ của mình cũng vậy, anh khởi đầu với các bạn trẻ gần như mới ra trường, phải hướng dẫn họ từ những điều cơ bản nhất và đây cũng là lúc anh rèn luyện cho mình sự kiên nhẫn và linh hoạt để đạt đến thành công. Thêm nữa, khi khởi nghiệp, không thể tránh những lúc người đứng đầu làm sai ngay trước mặt nhân viên và phải học cách nói: “Anh xin lỗi, anh sẽ sửa”.
Các bạn trẻ học rất nhanh và thường xuyên có ý tưởng sáng tạo. Người Việt Nam coi trọng nhân cách, nếu biết cách khai phá họ, người lãnh đạo sẽ có được sự tận tụy và trung thành của các nhân viên giỏi.
Trải nghiệm này trái ngược với nền tảng quân đội của anh, khi bộ máy đã hoàn thiện suốt nhiều thập kỷ, nơi người đứng đầu đưa ra mệnh lệnh và tất cả nhân viên răm rắp làm theo.
Những năm sau đó, Tín Nguyễn dần thoát khỏi “chiếc vỏ kén” quân đội và trở thành một CEO nhanh nhạy và linh hoạt. Polaris Infosec, công ty về an ninh mạng do anh dẫn dắt đã giúp rất nhiều doanh nghiệp trên khắp Đông Nam Á bảo vệ dữ liệu bằng cách sử dụng AI và công nghệ học máy (machine learning), tự động hóa việc bảo vệ ứng dụng web và dự báo trước các đợt tấn công của tin tặc.
Đặc biệt, trong vụ tấn công blockchain lớn nhất từ trước đến nay vào năm 2022, khi tin tặc đánh cắp số tiền điện tử trị giá hơn 625 triệu USD từ người chơi Axie Infinity, Tín là người trực tiếp chỉ đạo các nỗ lực ứng phó và phục hồi, cũng như điều phối giữa FBI và các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam và châu Âu để xử lý vụ việc.
Sau này, khi chuyển sang đảm nhiệm vị trí một trong nhiều giám đốc điều hành trong Tập đoàn Vingroup, những trải nghiệm khởi nghiệp đầu tiên về văn hóa và trí tuệ cảm xúc vẫn là những bài học quý giá giúp anh thành công trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Giờ đây khi nhìn lại, Tín rất tự hào vì lựa chọn của mình.
“Nếu vẫn ở lại FBI, có lẽ tôi sẽ lên chức và học thêm được khoảng 10% kỹ năng nghiệp vụ. Nhưng 6 năm qua, thực sự tôi đã trải qua một hành trình phát triển bản thân lớn nhất từ trước đến nay, trong cả công việc và cuộc sống. So với ngày đầu tiên tới Việt Nam, hiệu quả phải nhân với 500.000 lần”, anh hào hứng nói.
Mong muốn góp phần xây dựng hệ sinh thái an ninh mạng tại Việt Nam
Hiện Tín Nguyễn đảm nhiệm vai trò Giám đốc Khối Dịch vụ An ninh bảo mật cho phương tiện thông minh tại Công ty cổ phần Dịch vụ an ninh mạng (VinCSS). VinCSS là một công ty khởi nghiệp vừa tròn 5 tuổi, đang bước vào vòng gọi vốn series B.
An ninh mạng ô tô là một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam và Khối Dịch vụ An ninh bảo mật cho phương tiện thông minh của VinCSS là đội ngũ duy nhất có kinh nghiệm thực tế sâu rộng trong ngành. Tín Nguyễn đã và đang chèo lái con thuyền bằng những trải nghiệm của mình, tận dụng chuyên môn của các kỹ sư dày dặn kinh nghiệm cùng sự nhiệt huyết, năng nổ của đội ngũ kỹ sư trẻ để tạo thành một bộ máy trơn tru, hoàn chỉnh.
Theo trải nghiệm của anh, dù ngành an ninh mạng ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong 5 năm qua, nhưng nhìn chung, năng lực bảo vệ của cộng đồng còn yếu. Trong khi các trào lưu công nghệ luôn sớm du nhập và bùng nổ ở Việt Nam, như web 3.0, blockchain hay AI, thì nhận thức và năng lực về an ninh để ngăn chặn và giải quyết sự cố lại chưa phát triển ở tốc độ tương xứng.
“Wifi ở khắp nơi, chúng ta có văn hóa cà phê wifi rất thú vị. Tuy vậy, càng kết nối, rủi ro càng tăng. Người dân Việt Nam chưa hiểu rõ về an ninh mạng và chưa có đủ nguồn lực để đảm bảo an ninh mạng. Nhiều người lầm tưởng công nghệ thông tin và an ninh mạng là một. Kể cả nhiều kỹ sư công nghệ trong ngành cũng chưa phân biệt rõ hai khái niệm này”, Tín nhận định.
Thời gian tới, ưu tiên số 1 của anh là tiếp tục xây dựng năng lực cho đội ngũ của mình về an ninh mạng ô tô. Bên cạnh đó, anh cũng tư vấn cho nhiều công ty khởi nghiệp về an ninh mạng và đầu tư vào một số ít công ty khởi nghiệp. Anh mong muốn giúp các công ty khác cung cấp giải pháp và dịch vụ cho cộng đồng thông qua những cách riêng của họ.
Tín cũng tham gia giảng dạy tại Đại học RMIT, với mong muốn đóng góp vào hệ sinh thái an ninh mạng ở Việt Nam từ thế hệ trẻ. Anh giữ mối quan hệ thân thiết với các sinh viên và luôn dành nhiều thời gian định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho các bạn trẻ. Lời khuyên thường trực của anh với họ là: “Hãy luôn cố gắng học chuyên sâu nhất có thể. Đó là cách tạo ra sự khác biệt”.
Với các sinh viên của Tín Nguyễn, quá trình tìm lại văn hóa và khám phá hướng đi mới trong sự nghiệp của thầy Tín là một câu chuyện truyền cảm hứng. Còn với tôi, những Việt kiều lựa chọn trở về phục vụ Tổ quốc như anh thật sự là những chiến binh dũng cảm trong thời đại mới.
Những kỷ niệm khó quên của Tín Nguyễn
Hồi tưởng về sự ngây ngô của mình trong thời gian đầu ở Việt Nam, Tín cười lớn, ánh mắt đầy hoài niệm: “Những lần đầu mở cửa phòng họp chung vào 12 giờ trưa và va phải ai đó đang say giấc, tôi hốt hoảng nghĩ: ‘Trời, giữa ban ngày mà họ ngủ thế này thì sao làm được việc gì?’. Sau tôi mới hiểu, ngủ trưa là một phần trong văn hóa văn phòng ở Việt Nam để mọi người có thêm năng lượng làm việc tiếp và tôi rất thích thú với trải nghiệm này”.
Ngày đầu tiên đi GrabBike mà không phải giữ chặt tay vào sau xe, Tín Nguyễn đã nhắn một dòng tin đầy hứng khởi cho người bạn thân rằng: ‘"Tớ đã chính thức trở thành người Việt Nam rồi nhé!”.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tu-dac-vu-fbi-toi-chuyen-gia-bao-mat-vincss-d208692.html