Từ chuyện cảnh sát đánh hai thiếu niên
Việc đánh 2 thiếu niên không những phản tác dụng giáo dục, mà còn khiến hình ảnh chiến sĩ công an bị ảnh hưởng phần nào trong mắt người dân.
Ngày 29/9, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, lãnh đạo Bộ Công an đã nhận được báo cáo của Công an tỉnh Sóc Trăng về việc một số cán bộ chiến sĩ Công an thị xã Vĩnh Châu vi phạm nghiêm trọng quy trình công tác và vi phạm lễ tiết, tác phong trong khi thi hành công vụ; có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Ông Xô cho hay, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Sóc Trăng làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm.
Thực sự, khi xem những diễn biến trong clip lan truyền trên mạng xã hội, hầu hết đều phải thốt lên: “Sao tàn nhẫn đến thế?”, dù chưa rõ nguyên nhân sự việc cụ thể ra sao.
Bởi lẽ, hai người bị đánh là hai thiếu niên, đã không hề có phản kháng hay chống cự khi bị các cảnh sát áp sát và ra tay. Tất cả dường như đứng im chịu trận. Hành vi tấn công còn đáng sợ hơn khi không phải là nắm đấm bình thường, mà là dùi cui, mũ bảo hiểm. Thậm chí, chiếc dùi cui đã gãy làm đôi.
Rồi đây cơ quan công an sẽ làm rõ đầu đuôi sự việc. Song bất luận thế nào, việc tấn công hai thiếu niên như hình ảnh clip ghi lại của cảnh sát là có biểu hiện vi phạm pháp luật. Và không phải bỗng dưng mà dư luận phẫn nộ đến vậy.
Nhiều năm trước, Báo Giao thông từng đăng tải bài viết về việc công an xã tại huyện Đak Đoa (Gia Lai) phạt những thiếu niên vi phạm giao thông bằng hình thức cuốc đất trồng cây hoa tại khuôn viên trụ sở xã.
Theo đó, nhóm thanh thiếu niên dùng mô tô phân khối lớn tổ chức nẹt pô, đánh võng gây mất an ninh trật tự thôn xóm trên một con đường qua xã vừa được thi công hoàn thành. Sau khi phát hiện nhóm đối tượng "phá làng phá xóm", lực lượng công an tại xã đã tổ chức vây bắt. Các thiếu niên vi phạm lần lượt đưa về trụ sở cùng phương tiện vi phạm.
Ngay sau đó, công an xã đã xử phạt hành chính bằng tiền, tịch thu phương tiện vi phạm và yêu cầu các thiếu niên tự viết cam kết không tái phạm.
Đặc biệt, công an xã này đã phối hợp với gia đình để đưa những đứa trẻ vi phạm này đến trụ sở xã làm việc công ích. Mỗi thiếu niên tự cầm đến trụ sở một chiếc cuốc, công việc là cuốc cỏ, xới đất trồng để trồng cây hoa cảnh tại khuôn viên công cộng. Và kể từ đó đến nay, những nhóm trẻ này đã bớt nghịch ngợm hơn.
Không chỉ ở Gia Lai, mà nhiều địa phương khác đã có những cách để răn dạy những thiếu niên sử dụng phương tiện giao thông vi phạm như: Bắt hít đất chống đẩy, chép phạt một điều luật, buộc nói lời xin lỗi thật to, đưa ra giữa cộng đồng để răn đe, gửi thông tin về nhà trường để kiểm điểm...
Những việc làm đó có thể chưa đúng luật, song lại được nhiều người đồng tình. Bởi qua đó, các thanh thiếu niên nhận thức rõ hơn về hành vi vi phạm, để lần sau không dám tái phạm.
Còn nếu dùng nắm đấm, bạo lực như những chiến sĩ cảnh sát ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng như sự việc vừa rồi, e rằng không những phản tác dụng giáo dục, mà còn khiến hình ảnh người chiến sĩ công an bị ảnh hưởng phần nào trong mắt người dân.
Các cháu thiếu niên nếu vi phạm giao thông cần phải được xử lý nghiêm. Tuy nhiên các chiến sĩ công an là những người thực thi pháp luật mà lại vi phạm pháp luật thì càng phải xử lý nghiêm hơn.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-chuyen-canh-sat-danh-hai-thieu-nien-d567627.html