Từ chiếc máy bay dân dụng đầu tiên đến chinh phục bầu trời-Bài 2: Phi công mang trong mình nhiệt huyết người lính

Niềm khát khao chinh phục bầu trời, biến giấc mơ bay trở thành sự thật đã dẫn dắt không ít người đến với nghề phi công.

Đối với họ, đến với nghề là duyên nghiệp, nhưng để gắn bó và đáp ứng được yêu cầu công việc luôn cần sự học hỏi, tìm tòi, không ngại khó khăn, thách thức. Nghề phi công không chỉ là công việc đặc thù đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm, mà trên tất cả là niềm tự hào được tiếp nối truyền thống, ngọn lửa nhiệt huyết của đơn vị không quân vận tải anh hùng.

Điểm tựa để sải cánh bay cao

Rèn luyện trong môi trường Quân đội tại Trường Sĩ quan không quân, trưởng thành và gắn bó gần 30 năm với nghề phi công ở Đoàn Bay 919, đối với Cơ trưởng Phạm Đình Hưng, Phó đội trưởng phụ trách an toàn khai thác của đội bay A350 (Đoàn Bay 919), những năm tháng quân ngũ giúp anh có được nền tảng cơ bản để hiện thực hóa giấc mơ bay. “Có thể nói, Trường Sĩ quan không quân là đường băng để tôi cất cánh, còn hàng không dân dụng giúp tôi sải cánh bay cao, bay xa”, Cơ trưởng Phạm Đình Hưng chia sẻ.

Nhớ về cơ duyên đưa mình đến với nghề phi công, anh Phạm Đình Hưng cảm thấy may mắn được đoàn khám tuyển của Quân đội tuyển chọn, anh được theo học tại Trường Dự bị bay không quân, nơi đào tạo kiến thức cơ bản đầu tiên, dự bị cho đợt tuyển quân đi học phi công. Năm 1989, anh trúng tuyển vào khóa đào tạo phi công và được cử đi học tại Liên Xô. Đang chuẩn bị đi học thì tình hình thế giới biến động, anh quay lại trường rồi sau đó trúng tuyển vào Trường Sĩ quan không quân. “Đất nước lúc đó còn nhiều khó khăn, máy bay để học viên thực hành ít, có chiếc đã cũ, thường xuyên phải bảo dưỡng. Môi trường Quân đội duy trì kỷ luật nghiêm. Ấn tượng sâu sắc nhất với tôi trong những tháng ngày học tập tại trường là tình cảm gắn bó, thân thiết giữa thầy và trò, giống như trong một gia đình, cùng ăn, nghỉ, sinh hoạt, học tập”, anh Phạm Đình Hưng tâm sự. Những phẩm chất được trui rèn, kiến thức được tích lũy tại nhà trường Quân đội chính là nền tảng cơ bản để Cơ trưởng Phạm Đình Hưng vững vàng với từng cánh bay sau này.

Phi công của Đoàn Bay 919 làm việc trong buồng lái. Ảnh: BẢO LINH

Cơ duyên để trở thành phi công hàng không dân dụng đến với anh Phạm Đình Hưng khi Vietnam Airlines bắt đầu chuyển đổi mạnh mẽ đội máy bay với việc đặt mua những chiếc máy bay Airbus A320 đầu tiên. "Thời điểm đó tôi đã hoàn thành đào tạo phi công cơ bản, được tuyển dụng vào Đoàn Bay 919 và đưa sang Pháp đào tạo lái máy bay Airbus A320. Mất 3 tháng học chuyển loại rồi 6 tháng huấn luyện trên máy bay thật, tôi được điều khiển chiếc Airbus A320 mới tinh, vừa xuất xưởng", anh Phạm Đình Hưng chia sẻ. Nhẩm tính lại quá trình đào tạo để có thể trở thành phi công thực thụ, anh Hưng cho biết, thời gian hết 8 năm, cả học ở nhà trường Quân đội, đào tạo của hàng không dân dụng và nước ngoài. Sau 10 năm lái máy bay Airbus A320, anh chuyển sang dòng máy bay Airbus A330 và tiếp đó là máy bay Airbus A350, mỗi dòng máy bay đều gắn liền với những cột mốc hiện đại hóa của ngành hàng không dân dụng.

Một trong những chuyến bay để lại ấn tượng sâu đậm với Cơ trưởng Phạm Đình Hưng là khi anh lái chiếc máy bay Airbus A330 cùng với phi hành đoàn tham gia cầu hàng không đưa người lao động từ Libya về nước năm 2011. Do tình hình chiến sự tại Lybia, hàng nghìn người lao động Việt Nam đang làm việc ở đây bị kẹt lại. Kế hoạch giải cứu lao động Việt Nam từ Libya đã được các cơ quan chức năng phối hợp cùng Vietnam Airlines nhanh chóng triển khai. Anh Phạm Đình Hưng nhận lệnh đi sang Ai Cập để đón những công nhân đã chờ sẵn tại đây do sân bay ở Libya không thể hạ cánh. “Chuyến bay thẳng khoảng 8 tiếng từ Việt Nam sang Ai Cập, khi đón được công nhân chúng tôi hành trình về ngay. Lúc máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh tại Ai Cập, những công nhân Việt Nam reo lên sung sướng. Với họ, nhìn thấy máy bay của Vietnam Airlines cũng như thấy được hình ảnh đất nước và họ biết mình sẽ được trở về nhà. Bao nhiêu mệt nhọc suốt hành trình dài của cả đoàn đều tan biến khi máy bay về đến Việt Nam”, anh Phạm Đình Hưng nhớ lại.

Đối với Cơ trưởng Phạm Đình Hưng, nghề phi công rất vất vả bởi cường độ, thời gian, môi trường làm việc nhưng cũng là động lực giúp anh luôn cố gắng, học tập không ngừng, từ ngoại ngữ đến tiếp thu kỹ thuật, công nghệ mới. "Từ khoang lái của máy bay, lúc nào tôi cũng cảm nhận được bầu trời luôn rộng mở, không gian phóng khoáng, không khi nào thấy công việc của mình buồn tẻ, mà luôn có động lực để đi tiếp", anh Phạm Đình Hưng nói. Khởi nguồn từ môi trường Quân đội và được làm việc tại đơn vị xuất thân từ Quân đội, Cơ trưởng Phạm Đình Hưng rất trân trọng cơ hội được đi suốt hành trình với nghề phi công. Những thành viên của Đoàn Bay 919 cũng luôn chất chứa niềm tự hào với sự tiếp nối từ Trung đoàn Không quân vận tải 919 anh hùng.

Tiếp nối cho cánh bay vươn xa

Kế thừa, tiếp nối các thế hệ phi công đi trước, những thành viên trẻ của Đoàn Bay 919 hôm nay tiếp tục khẳng định được năng lực, khát khao, vững bước trên hành trình chinh phục bầu trời. Có bố là phi công quân sự, ngay từ nhỏ, chị Vũ Mai Khanh-hiện là phi công lái phụ bay bằng của máy bay Airbus A350 (Đoàn Bay 919)-luôn thích thú mỗi khi nhìn thấy máy bay trên bầu trời Hà Nội. Tự hào khoe với bạn bè về người bố là phi công và không biết từ lúc nào, ước mơ được điều khiển những con chim sắt đã nhen nhóm với Vũ Mai Khanh.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Vũ Mai Khanh được gia đình định hướng theo nghề phi công. Chị được người cha cũng là người thầy đầu tiên của mình, Đại tá Vũ Tiến Dũng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) vun đắp tình yêu nghề, dù khó khăn cũng không bao giờ chùn bước. Quy trình đào tạo của phi công hàng không dân dụng phải trải qua nhiều bước kiểm tra và đánh giá khắt khe. Tại Việt Nam, học viên học 3 tháng trong môi trường Quân đội, từ kiến thức, kỹ năng đến thể lực và rèn luyện kỷ luật. Khi hoàn thành khóa học, Vũ Mai Khanh tiếp tục đi học chuyên sâu ở nước ngoài trong thời gian 18 tháng với khối lượng kiến thức đồ sộ, trong đó có các khóa học cơ bản về hàng không, an toàn bay, an ninh hàng không, tự điều khiển máy bay... Sau đó, học viên chính thức tham gia chương trình huấn luyện chuyên sâu về loại máy bay mà họ sẽ lái tại Trung tâm Huấn luyện bay (FTC).

“Đối với nghề phi công, học không chỉ để hiểu mà còn là học để nhớ, không được phép quên; kiến thức phải được tích lũy qua thời gian chứ không được để mai một. Phi công phải kiểm tra năng định 6 tháng/lần để bảo đảm có những chuyến bay an toàn. Dù máy bay mới được trang bị máy móc hiện đại, nhưng chỉ giảm lượng công việc trong buồng lái chứ không thể thay thế được phi công”, Vũ Mai Khanh chia sẻ.

Đứng trong hàng ngũ phi công của Hãng hàng không Quốc gia, được các thầy huấn luyện, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm đã trau dồi, tích lũy qua nhiều năm, Vũ Mai Khanh cảm thấy rất tự hào khi được kế thừa từ các thế hệ đi trước, tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng của Đoàn Bay 919. Khi ai đó nhắc đến bố, đôi mắt ánh lên đầy sự tự hào, Khanh tâm sự: “Trong Quân đội, đào tạo một phi công phải trải qua quá trình cực kỳ khắt khe, từ trau dồi hiểu biết đến nâng cao sức khỏe. Tác phong của các phi công thế hệ đi trước luôn là hình mẫu để thế hệ trẻ ngày nay học tập, noi theo”.

(Còn nữa)

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tu-chiec-may-bay-dan-dung-dau-tien-den-chinh-phuc-bau-troi-bai-2-phi-cong-mang-trong-minh-nhiet-huyet-nguoi-linh-773230