TT Biden đảo ngược lệnh trừng phạt gây tranh cãi của ông Trump
Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược các lệnh cấm vận với một số quan chức của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vốn được áp đặt từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Chính quyền Tổng thống Biden hôm 2/4 đã dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với bà Fatou Bensouda, công tố viên của ICC. Washington cũng đưa ông Phakiso Mochochoko, Trưởng Văn phòng Thẩm quyền, Bổ trợ và Hợp tác của ICC, ra khỏi danh sách các cá nhân bị trừng phạt, Reuters đưa tin.
Lệnh cấm vận với hai quan chức của ICC được chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt từ tháng 9/2020.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hủy bỏ chính sách hạn chế thị thực với một số cá nhân của ICC được chính quyền ông Trump áp dụng từ năm 2019.
Dưới thời ông Trump, Washington ban hành hàng loạt biện pháp trừng phạt quan chức của ICC nhằm cản trở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh đối với các cá nhân, tổ chức Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan và tình hình ở Palestines.
Tổng thống Joe Biden khẳng định dù các biện pháp trừng phạt "không hiệu quả và không phù hợp", Mỹ sẽ "kiên quyết bảo vệ các quân nhân đương chức và về hưu" của nước này trước các nỗ lực áp đặt quyền tái phán của ICC.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết dù dỡ bỏ cấm vận, Washington vẫn tiếp tục "phản đối mạnh mẽ các hành động của ICC liên quan tới Afghanistan và tình hình Palestine".
"Mỹ phản đối việc ICC tìm cách mở rộng thẩm quyền lên cá nhân của các nước không phải thành viên của ICC như Mỹ hay Israel", Ngoại trưởng Blinken nói.
Phát ngôn viên của ICC cho biết cơ quan này hoan nghênh quyết định của chính quyền Mỹ.
Năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Trump từng cáo buộc ICC xâm phạm chủ quyền quốc gia của Mỹ khi tổ chức này cho phép mở cuộc điều tra tội ác chiến tranh đối với quân đội Afghanistan, Taliban và lực lượng Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Năm 2019, Mỹ cũng phản đối ICC điều tra tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Lệnh trừng phạt chính quyền Trump áp đặt lên các cá nhân của ICC bao gồm đóng băng tài sản, cấm di chuyển vì mục đích điều tra công dân Mỹ và hạn chế thị thực.
ICC nói các lệnh trừng phạt của Mỹ là cuộc tấn công vào tư pháp quốc tế và nguyên tắc thượng tôn pháp luật.