Tsongkhapa – bậc đạo sư vĩ đại của Phật giáo Tây Tạng

Tsongkhapa là vị đạo sư tinh thần lỗi lạc trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Được biết đến là nhà cách mạng tôn giáo vĩ đại của Tây Tạng, ngài đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp canh tân và xiển dương chánh pháp.

Mục lục bài viết

Tsongkhapa là vị đạo sư tinh thần lỗi lạc trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Được biết đến là nhà cách mạng tôn giáo vĩ đại của Tây Tạng, ngài đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp canh tân và xiển dương chính pháp.

Dẫn nhập
1. Tiểu sử ngài Tsongkhapa (Tông-khách-ba)
2. Tsongkhapa trong công cuộc cải cách Phật giáo Tây Tạng
3. Xây dựng văn hóa Phật giáo
Kết luận

Tsongkhapa là vị đạo sư tinh thần lỗi lạc trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Được biết đến là nhà cách mạng tôn giáo vĩ đại của Tây Tạng, ngài đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp canh tân và xiển dương chính pháp.

Tác giả: Trần Thị Tuyết Hồng – Pháp danh: Thích nữ Nhật Diệu
Học viên Cao học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh

Dẫn nhập

Đại sư Tsongkhapa (Tông-khách-ba; 1357-1419) là một trong những Thánh nhân, vị đạo sư tinh thần lỗi lạc trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Được biết đến là nhà cách mạng tôn giáo vĩ đại của Tây Tạng, ngài đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp canh tân và xiển dương chính pháp.

Đường lối, quan điểm, chủ trương trong cải cách Phật giáo của đại sư được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã để lại nhiều kết quả tốt đẹp và lợi lạc. Dưới sự lãnh đạo tài đức của đại sư Tsongkhapa trong sự nghiệp cách mạng tôn giáo đã giúp cho Phật giáo Tây Tạng có những bước phát triển mạnh mẽ, đem lại nguồn sinh khí và diện mạo hoàn toàn mới.

Những cống hiến của ngài không những đóng góp to lớn cho Phật giáo tại Tây Tạng bấy giờ mà còn lan tỏa và ảnh hưởng sâu 3 đậm đến nền Phật giáo nói chung hiện nay.

1. Tiểu sử ngài Tsongkhapa (Tông-khách-ba)

Tsongkhapa (Tông-khách-ba) sinh năm 1357 tại vùng Tsongkha, tỉnh Amdo, phía Đông Bắc Tây Tạng. Ngài có pháp hiệu là Losang Drakpa (La-tang Trát-ba). Người dân Tây Tạng tôn kính ngài như là hóa thân của Bồ-tát Văn-thù Sư-lợi (Skt. Mañjuśrī), tượng trưng cho trí tuệ rộng lớn của kinh nghiệm giác ngộ đạt được thông qua tri thức. Từ nhỏ Tsongkhapa đã rất thích thú với việc nghiên cứu giáo lý Phật giáo.

Vào năm ngài 3 tuổi, ngài được truyền Cận sự giới và đặt pháp danh là Künga Nyingpo (Hoan Hỷ Tạng). Sau đó ngài theo đạo sư Kadampa là Choje Dondrub Rinchen (Đốn-châu Nhân-khâm Nhân-ba-thiết) học giáp lý Phật giáo. Ngài đã được đạo sư truyền trao nhiều giáo lý và pháp quán đảnh của Heruka Cakrasaṃvara, Hevajra và Yamāntaka, được ban Mật danh là Donyo Dorje (Bất Không Kim Cang). Năm lên 8 tuổi, ngài được thọ Sa-di giới, pháp hiệu là Losang Drakpa (La-tang Trát-ba).

Tsongkhapa đã đi đến rất nhiều nơi trên đất nước Tây Tạng để học hỏi Phật pháp với các đạo sư của các trường phái. Năm 1373, Tsongkhapa đi đến Ü-Tsang (Vệ Tạng) miền Trung Tây Tạng. ngài được Chennga Chökyi Gyalpo (Kinh-nga Khước-cát Trát-ba; 1335-1407) truyền dạy nhiều giáo lý như: Phát Bồ-đề Tâm (Skt. Bodhicitta), Đại Thủ Ấn (Skt. Mahāmudrā), Lục Pháp Thành Tựu và các trước tác quan trọng khác trong truyền thống Drikung Kagyu.

Tsongkhapa là một người nổi tiếng với trí nhớ siêu phàm và học thuộc nhanh chóng. Theo sử liệu ghi nhận, trong vòng mười tám ngày ngài đã có thể ghi nhớ một cách thành thục tác phẩm Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Skt. Abhisamayālaṃkāra) của Di Lặc Bồ-tát (Skt. Maitreya), một bộ luận quan trọng tóm tắt tinh yếu của Bát-nhã Ba-la-mật (Skt. Prajnã̄pāramitā).

Với trí tuệ thâm sâu, biện tài vô ngại, đại sư Tsongkhapa bắt đầu tham gia các khóa tranh luận. Với tài hùng biện của mình, ngài đã khiến cho mọi người kinh ngạc và nể phục trước trí tuệ uyên bác. Năm 19 tuổi, ngài trở thành Đại học giả của Phật giáo Tây Tạng. Năm 23 tuổi, ngài thọ Cụ túc giới. Những năm sau đó, ngài giảng dạy Phật pháp khắp trên đất nước Tây Tạng.

Ngài sáng tác rất nhiều tác phẩm giúp đóng góp vào công cuộc xiển dương giáo pháp. Trong sự nghiệp trước tác của mình, đại sư đã biên soạn rất nhiều tác phẩm có giá trị. Trong đó, quan trọng nhất là Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận (Great Exposition Of The Stages Of The Path) và Mật Tông Đạo Thứ Đệ Đại Luận (Great Exposition Of Secret Mantra). Đây là hai tác phẩm tiêu biểu cho tư tưởng Phật học của đại sư Tsongkhapa, trở thành nền tảng chung cho hệ thống tư tưởng và hành trì Phật giáo của trường phái Gelug (phái Cách Lỗ).

2. Tsongkhapa trong công cuộc cải cách Phật giáo Tây Tạng

Một trong những đóng góp to lớn của Tsongkhapa là thành lập trường phái Gelug (Gelugpa) vào thế kỷ XV. Trường phái sau này trở thành là trường phái lớn nhất và có tầm ảnh hưởng mãnh mẽ nhất trong đời sống chính trị – tôn giáo ở Tây Tạng. Tsongkhapa sau khi thành lập Gelugpa đã ra sức chỉnh đốn Tăng già, cải cách Phật giáo Tây Tạng, thiết lập chế độ thanh quy tự viện.

Một trong những việc làm cải cách to lớn nhất của ngài là xây dựng một hệ thống giáo dục và đào tạo tăng sĩ một cách hoàn chỉnh nhất. Công cuộc cải cách của ngài với mục đích đem Phật giáo trở về bản chất gốc vốn có, đó là sự nghiêm trì giới luật, tuân thủ thanh quy, đồng thời thiết lập quy trình tu học nhằm thành tựu trên cả phương diện Hiển thừa và Mật thừa.

Ở thế kỷ XIII-XIV, Phật giáo Tây Tạng dần rơi vào suy thoái mà nguyên nhân chính là sự suy thoái đạo đức trong nội bộ tăng đoàn. Các tăng nhân có thế lực thường chỉ tập trung củng cố quyền bính và cuộc sống cá nhân hơn là lý tưởng giải thoát, nhiều tu sĩ có gia đình, lại dùng vợ con để làm truyền thừa, giới luật cũng vì thế mà bị coi thường, việc tu tập cũng trở nên hỗn loạn.

Tư tưởng xem nhẹ Hiển giáo nhưng Mật giáo cũng không thông, lợi dụng pháp thuật, bùa chú, bói toán để mưu cầu danh lợi, mê hoặc lòng người, biến giáo pháp Như Lai thành tín điều huyễn hoặc. Khiến cho tín đồ cư sĩ si mê, lầm lạc, làm sai trái với lời dạy của Đức Phật.

Đó là nguyên nhân khiến đại sư Tsongkhapa lập hạnh nguyện cải cách Phật giáo Tây Tạng. Trước tiên, đại sư đã đề xướng việc nghiêm trì giới luật và xiển dương đời sống phạm hạnh thanh tịnh của hàng Tỳ-kheo. Bởi vì giới luật chính là mạng mạch của Phật giáo. Để tuyên dương giới pháp, đại sư Tsongkhapa đi khắp các đạo tràng tự viện giảng giải các chủ đề luật tạng. Chính bản thân đại sư Tsongkhapa luôn tôn trọng giới luật.

Ngài dạy hàng Phật tử phải tu học, hành trì nghiêm mật giới luật của ba thừa. Đối với người tại gia phải quy y Tam bảo, thọ Ngũ giới, còn hàng xuất gia phải thọ trì từ thấp đến cao gồm Sa-di, Tỳ-kheo, Bồ-tát và Mật giới. Đặc biệt, hành giả muốn tu tập Mật thừa thì phải thọ trì các giới luật nghi và giới nguyện của Mật thừa. Điều này được đại sư Tsongkhapa khẳng định trong Lược Luận: “Nếu không thủ hộ tam-muội-da và luật nghi, mà bảo đó là người tu theo đạo giải thoát, người tu như vậy đối với Mật pháp, là người rong chơi bên ngoài”.

Kế đến, ngài Tsongkhapa thiết lập chế độ thanh quy tự viện trên cơ sở giới luật nhằm đảm bảo một nếp sống trật tự kỷ cương và phục hưng nền Phật học Tây Tạng. Đến khi tông phái Gelug nắm giữ vai trò chủ đạo tại Tây Tạng thì hệ thống tổ chức tự viện ngày càng thêm củng cố, kiện toàn và trở thành khuôn mẫu cho các tông phái Phật giáo khác noi theo. Ba đại tu viện lớn nhất của Gelugpa là tu viện Ganden, tu viện Drepung và tu viện Sera. Đây là những cơ quan đầu não của Gelugpa có vai trò quan trọng trong việc giáo dục-đào tạo và xây dựng đời sống tu viện hoàn chỉnh.

Một trong những bước tiến cải cách của Tsongkhapa nữa là hệ thống hóa phương thức tu tập. Tsongkhapa cho rằng tất cả giáo pháp do Đức Phật truyền dạy đều không ngoài Tam học (giới, định, tuệ) và được thâu nhiếp trong Tam tạng (kinh, luật, luận), vậy nên hành giả phải nghiên cứu tu học một cách toàn diện. Trước tiên, cần phải hoàn thiện kiến thức trên phương diện Hiển thừa và sau đó tiến nhập vào con đường Mật thừa. Hiển thừa là nền tảng (nhân) cho sự tiến nhập vào Mật thừa (quả), Hiển – Mật viên dung tất Phật quả viên mãn.

3. Xây dựng văn hóa Phật giáo

Ngoài những cải cách trong Phật giáo, Đại sư Tsongkhapa còn có những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa Phật giáo. Ngài trùng tu tôn tượng Bồ-tát Di Lặc và chùa Jokhang.

Năm 1393, đại sư Tsongkhapa đến thăm chùa Dzingchi (Tinh-kỳ tự), nơi tôn trí tượng Bồ-tát Di Lặc rất nổi tiếng tại Lhasa. Sau khi nhìn thấy tôn tượng bị hư hoại nặng nề, ngài đau lòng rơi lệ và phát tâm tu sửa lại tôn tượng. Sự kiện này góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa Phật giáo và còn mang nhiều ý nghĩa hết sức quan trọng. Công cuộc trùng tu của đại sư được xem là một đại phật sự, không chỉ vì sự phó chúc của Bồ-tát Văn Thù, tạo nên công đức, niềm tin lớn lao cho tín đồ phật tử mà nó còn có ý nghĩa đặc biệt đối với sự nghiệp cải cách của ngài và sự hưng thịnh của Phật giáo tại Tây Tạng.

Bên cạnh đó, ngài còn trùng tu lại Phật điện chùa Jokhang, nơi diễn ra Đại lễ Cầu nguyện năm 1407. Chùa Jokhang (Đại chiêu tự) do vợ của hoàng đế Songtsen Gampo xây dựng vào thế kỷ VII, nơi tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu Ni Bát Tuế Đẳng Thân (còn gọi là Jowo Rinpoche, nghĩa là “Đức hạnh cao quý”), một trong những biểu tượng thiêng liêng và nổi tiếng nhất của Phật giáo Tây Tạng. Chính việc làm này của Đại sư Tsongkhapa đã nâng cao vai trò, vị thế lịch sử của chùa Jokhang đối với Phật giáo Tây Tạng, góp phần vào thành công rực rỡ của Đại lễ Cầu nguyện.

Một trong những đóng góp to lớn của Tsongkhapa đối với nền văn hóa Tây Tạng đó là xác lập Đại lễ Cầu nguyện Molam Chenmo. Đây được xem là một trong những sự kiện tôn giáo lớn và quan trọng nhất tại Tây Tạng do Đại sư Tsongkhapa tổ chức vào thế kỷ XV. Vào đầu năm 1409, tại hội trường chùa Jokhang Tsongkhapa chính thức khai mạc Đại lễ Cầu nguyện . Đại lễ được diễn ra trong mười lăm ngày với những buổi thuyết giảng và cầu nguyện. Đại lễ Cầu nguyện sau đó đã nhanh chóng lan rộng đến các truyền thống Phật giáo khác và trở thành lễ hội văn hóa của dân tộc Tây Tạng.

Ngoài những buổi cầu nguyện và thuyết giảng, Đại lễ còn lồng ghép những tiết mục nghệ thuật mang đậm văn hóa và Phật giáo Tây Tạng như các điệu múa Cham truyền thống, nghi thức cúng bánh điêu khắc bằng bơ, lễ hội đèn bơ, lễ diễu hành bức ảnh Phật Di Lặc (tranhThangka) . Các tín đồ phật tử cũng nhân cơ hội này cúng dường đèn bơ, hoa, trái cây cùng dâng lên trà và tịnh tài cho tăng đoàn.

Ngày nay, Đại lễ Cầu nguyện vẫn được duy trì ở Tây Tạng, thậm chí lan tỏa đến các quốc gia và khu vực khác như Mông Cổ, Bhutan v.v… Ý nghĩa hướng đến của lễ hội là nguyện cầu cho sự trường thọ của các đạo sư trong tất cả tông phái Phật giáo, sự trường tồn của đạo pháp, nguyện cầu an lạc và hòa bình.

Kết luận

Đại sư Tsongkhapa là một trong những nhân vật kiệt xuất, bậc Đại trí giả, Đại Thành tựu giả, nhà cách mạng tôn giáo vĩ đại của Phật giáo Tây Tạng. Ngang qua cuộc đời và hành trạng của ngài, có thể thấy được khí chất phi thường của một bậc Thánh nhân, toát lên tính cách giải thoát, là tấm gương to lớn đối với hàng hậu học.

Tsongkhapa đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp canh tân và xiển dương chính pháp. Qua đó, có thể khẳng định rằng, sự đóng góp của đại sư Tsongkhapa trong công cuộc cải cách Phật giáo tại Tây Tạng là vô cùng vĩ đại. Những cống hiến to lớn của ngài được xem là độc nhất vô nhị, có thể sánh ngang với các Thánh nhân vĩ đại nhất của Phật giáo Tây Tạng là ngài Liên Hoa Sinh và ngài A-đề-sa.

Tác giả: Trần Thị Tuyết Hồng – Pháp danh: Thích nữ Nhật Diệu
Học viên Cao học, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh

***
Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch) (2011), Lịch Sử Phật Giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.

2. Thánh Nghiêm (2013), Lịch sử Phật giáo Tây Tạng, Thích Tâm Trí dịch, NXB Phương Đông, TP. HCM.

3. Trần Quang Thuận (2015), Phật giáo trong dòng lịch sử văn hóa Tây Tạng, NXB Hồng Đức, Hà Nội.

4. Maitreya (2016), Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Abhisamayālaṃkāra), Thrangu Rinpoche và Geshe Lharampa (bình giảng), Ban dịch thuật Thiện Tri Thức (dịch), Nxb. Thiện Tri Thức.

5. John Powers (2007), Introduction to Tibetan Buddhism, Snow Lion Publication, Ithaca, New York.

6. Robert A.F. Thurman (trans) (1982), The Life and Teachings of Tsongkhapa, Library of Tibetan Works and Archives, Dharmsala.

***
Chú thích:

1.Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại Tp. Hồ Chí Minh

2.John Powers (2007), Introduction to Tibetan Buddhism, Snow Lion Publication, Ithaca, New York, p. 468-469.

3.Maitreya (2016), Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Abhisamayālaṃkāra), Thrangu Rinpoche và Geshe Lharampa (bình giảng), Ban dịch thuật Thiện Tri Thức (dịch), Nxb. Thiện Tri Thức, tr. 11.

4.Thánh Nghiêm (2013), Lịch Sử Phật Giáo Tây Tạng, Thích Tâm Trí (dịch), NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, tr.146-147.

5.Thánh Nghiêm (2013), Lịch Sử Phật Giáo Tây Tạng, Thích Tâm Trí (dịch), NXB Phương Đông, Hồ Chí Minh, tr. 158.

6.Robert A. F. Thurman (trans) (1982), The Life and Teachings of Tsongkhapa, Library of Tibetan Works and Archives, Dharmsala, p. 30-31.

7.John Powers (2007), Introduction to Tibetan Buddhism, Snow Lion Publication, Ithaca, New York, p. 222-224.

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tsongkhapa-dao-su-phat-giao-tay-tang.html