TS. Lê Thị Thanh Thủy và hành trình truyền lửa khoa học từ trái tim yêu ngành Kỹ thuật Tài nguyên nước

'Ngành Kỹ thuật Tài nguyên nước đã trang bị cho tôi một hành trang tuyệt vời, giúp tôi tự tin bước ra thế giới để tiếp tục nghiên cứu và học hỏi' – chia sẻ chân thành ấy là của TS. Lê Thị Thanh Thủy, giảng viên tiêu biểu thuộc Bộ môn Kỹ thuật Tài nguyên nước, Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi. Suốt quá trình công tác, cô không ngừng theo đuổi và lan tỏa niềm đam mê với ngành cho nhiều thế hệ sinh viên.

TS. Lê Thị Thanh Thủy tốt nghiệp xuất sắc ngành Thủy nông – Cải tạo đất tại Trường Đại học Thủy Lợi năm 2005. Với niềm đam mê học hỏi, cô tiếp tục giành học bổng Chính phủ Úc để hoàn thành chương trình Thạc sĩ Quản lý tài nguyên nước tại Đại học Melbourne (2010). Đến năm 2019, cô nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Fukushima, Nhật Bản, với luận án nghiên cứu về nguy cơ sạt lở đất do biến đổi khí hậu tại miền Bắc Việt Nam, được thực hiện trong khuôn khổ học bổng 911 (2016-2019). Với khả năng ngoại ngữ vượt trội (IELTS 6.5 năm 2008), cô đã khẳng định năng lực học thuật trên các diễn đàn quốc tế.

TS. Lê Thị Thanh Thủy, giảng viên tiêu biểu thuộc Bộ môn Kỹ thuật Tài nguyên nước, Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi.

TS. Lê Thị Thanh Thủy, giảng viên tiêu biểu thuộc Bộ môn Kỹ thuật Tài nguyên nước, Khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước, Trường Đại học Thủy lợi.

Khởi đầu sự nghiệp giảng dạy từ năm 2005 với vai trò giảng viên tập sự tại Trường Đại học Thủy lợi, TS. Thủy từng bước khẳng định năng lực và trách nhiệm trong nhiều vai trò quan trọng. Cô từng đảm nhiệm vị trí Bí thư Chi bộ Kỹ thuật Tài nguyên nước trong hai nhiệm kỳ (2014–2016, 2022 đến nay), giữ vai trò Đội trưởng Đội xung kích Quảng bá tuyển sinh giai đoạn 2022–2024, đồng thời là thành viên Ban Nữ công từ năm 2023 đến nay.

Năm 2013, cô từng thỉnh giảng tại Đại học Colorado (Hoa Kỳ), đánh dấu bước hội nhập quốc tế trong hoạt động giảng dạy. Những nỗ lực không ngừng của cô đã được ghi nhận bằng nhiều giấy khen của Hiệu trưởng và Đảng ủy Trường vì thành tích xuất sắc trong công tác quảng bá tuyển sinh và phát triển Đảng các năm 2023, 2024.

Nguồn cảm hứng từ gia đình

Chia sẻ về hành trình theo đuổi ngành Kỹ thuật Tài nguyên nước, theo TS. Thủy, đó bắt nguồn từ chính gia đình – nơi cả bố và mẹ đều công tác tại Trường Đại học Thủy lợi. Sinh ra và lớn lên trong khu tập thể của trường, cô bé Thủy từng coi gác xép nhỏ trong căn hộ 16m² là “nơi trú ẩn” đặc biệt. Tại đây, cô say mê đọc những quyển nhật ký, sổ ghi chép của cha về lý tưởng cách mạng, về ý chí phấn đấu của người thanh niên xã hội chủ nghĩa, về thời sinh viên sôi nổi của người cựu sinh viên lớp 15N – Trường Đại học Thủy lợi. Và từ những buổi tối quan sát cha vẽ bản thiết kế và tiếng lạch cạch của chiếc máy chữ cũ đã khơi dậy trong cô tình yêu với ngành thủy lợi.

Tập thể cán bộ giảng viên khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước.

Tập thể cán bộ giảng viên khoa Kỹ thuật Tài nguyên nước.

Năm 2000, đứng trước ngã rẽ quan trọng khi đậu cả hai Trường Đại học Thủy lợi (26 điểm) và Đại học Bách Khoa Hà Nội (27,5 điểm), TS. Thủy đã chọn Thủy lợi – nơi gắn bó với tuổi thơ và khát vọng của cô.

“Tuổi 18 – tôi đứng trước hai cánh cửa rộng mở; tôi đã tìm đọc lại phần lời tựa trong quyển sổ ghi chép của ba được ghi khi ba tôi 17 tuổi: “… Tôi luôn luôn sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc yêu cầu. Dù có làm gì chăng nữa, dù có ở đâu chăng nữa thì tôi cũng lấy nó làm hạnh phúc, vinh quang của mình, lấy nó làm mục tiêu phấn đầu và tu dưỡng của mình” (Lê Quang Vinh – cảm tưởng lúc xa trường ngày 29-5-1971)”.

“Tuổi 18 – tôi đã quyết định dành trọn tình yêu của mình cho Trường Đại học Thủy lợi – nơi đã chứng kiến từng bước trưởng thành của tôi: từ những bước chân đầu đời khi mới một tuổi, đến những buổi tập viết đầu tiên của cô học trò lớp 1, và giờ đây là hành trình nỗ lực không ngừng của một sinh viên năm nhất ngành Thủy nông (nay là ngành Kỹ thuật tài nguyên nước)” – TS. Thủy xúc động chia sẻ.

Vượt qua thử thách để chinh phục ước mơ

Hành trình học tập và nghiên cứu tại Úc và Nhật Bản của TS. Thủy không hề dễ dàng, đặc biệt khi cô phải xa gia đình và chăm sóc hai con nhỏ. Năm 2009, khi con trai mới 2 tuổi, cô theo học Thạc sĩ tại Đại học Melbourne. Năm 2013, khi con gái vừa tròn 1 tuổi, cô tham gia thỉnh giảng tại Đại học Colorado. Đến giai đoạn nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, cô đối mặt với nỗi nhớ nhà và trách nhiệm làm mẹ. Sự hỗ trợ từ người chồng và tình yêu gia đình đã giúp cô vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc các chương trình học tập và nghiên cứu.

TS. Thủy trao đổi với sinh viên trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

TS. Thủy trao đổi với sinh viên trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp.

Những trải nghiệm quốc tế không chỉ củng cố kiến thức chuyên môn mà còn định hình tư duy liên ngành và hội nhập của TS. Thủy. Cô nhận ra rằng ngành Kỹ thuật Tài nguyên nước không chỉ đòi hỏi kiến thức kỹ thuật mà còn cần sự sáng tạo và khả năng thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

TS. Thủy đã chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước, và dự án hợp tác quốc tế, tập trung vào các vấn đề thực tiễn như quản lý tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu, và phòng chống thiên tai. Một số nghiên cứu tiêu biểu bao gồm:

• Nghiên cứu ảnh hưởng của công nghiệp hóa và đô thị hóa đến hệ số tiêu vùng đồng bằng Bắc Bộ (2008-2010).

• Biên soạn TCVN 8641:2011 và TCVN 8643:2011 về kỹ thuật tưới, tiêu nước và cấp hạn cho nguồn nước tưới.

• Nghiên cứu thiết lập hệ thống quan trắc theo thời gian thực phục vụ cảnh báo sớm trượt lở đất (2019-2022).

• Nghiên cứu giải pháp tích trữ nước ngọt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (2022-2025).

Cô đã công bố 6 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín như Journal of Japan Society of Civil Engineers và Journal of Hydrology: Regional Studies, cùng 7 bài báo trong nước và 5 báo cáo tại hội nghị quốc tế. Những công trình này không chỉ góp phần giải quyết các thách thức về tài nguyên nước mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Hướng dẫn sinh viên ngành Kỹ thuật tài nguyên nước thực tập hướng nghiệp.

Hướng dẫn sinh viên ngành Kỹ thuật tài nguyên nước thực tập hướng nghiệp.

Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

Với vai trò giảng viên, TS. Thủy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Cô thường chia sẻ: “Ngành Kỹ thuật tài nguyên nước đã trang bị cho tôi một hành trang tuyệt vời giúp tôi tự tin bước ra thế giới để tiếp tục nghiên cứu và học hỏi”. Cô khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động đoàn thể, rèn luyện kỹ năng tổ chức, giao tiếp, và làm việc nhóm – những yếu tố mà khi còn là sinh viên đã giúp cô giành học bổng Chính phủ Úc và khẳng định bản thân tại Đại học Melbourne.

TS. Thủy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Cô kỳ vọng các nghiên cứu của mình sẽ góp phần xây dựng các giải pháp bền vững, từ quản lý tài nguyên nước đến ứng phó với lũ lụt, hạn hán, và xâm nhập mặn, đặc biệt tại các khu vực như đồng bằng sông Cửu Long.

Tham gia Hội thảo tập huấn về quản lý nước trong canh tác lúa tại Đại học Vũ Hán, Trung Quốc.

Tham gia Hội thảo tập huấn về quản lý nước trong canh tác lúa tại Đại học Vũ Hán, Trung Quốc.

Cân bằng giữa công việc và gia đình

Chia sẻ về cách để cân bằng giữa công việc và gia đình, TS. Thủy cho biết, mình học cách quản lý thời gian từ giáo sư hướng dẫn cô học tập nghiên cứu sinh tại Đại học Fukushima - Nhật Bản. Cô lập kế hoạch công việc chi tiết theo tuần và ưu tiên thời gian cho gia đình.

“Trong từng giai đoạn, tôi sẽ đặt thứ tự ưu tiên để cân đối thời gian dành cho gia đình, công việc giảng dạy, và các công việc khác. Gia đình tôi thường chia sẻ mọi công việc trong nhà nên việc sắp xếp việc nhà với tôi cũng không quá khó khăn. Hàng ngày tôi luôn cố gắng dành tối đa thời gian bên gia đình khi mọi người ở nhà, đặc biệt là trong các bữa cơm gia đình. Đó là khoảng thời gian vô cùng quan trọng khi gia đình tôi vừa ăn cơm, vừa theo dõi thời sự, tin tức, vừa chuyện trò, trao đổi với nhau các câu chuyện trong ngày”, TS. Thủy bày tỏ. Với cô, sự đồng lòng từ chồng và các thành viên gia đình là yếu tố then chốt giúp cô hoàn thành tốt mọi vai trò.

Tham gia thảo luận trong Diễn đàn Khu vực về Sản xuất nông nghiệp bền vững tại Campuchia.

Tham gia thảo luận trong Diễn đàn Khu vực về Sản xuất nông nghiệp bền vững tại Campuchia.

TS. Lê Thị Thanh Thủy là tấm gương cho những theo đuổi đam mê và cống hiến trong lĩnh vực Kỹ thuật Tài nguyên nước. Từ hành trình được truyền cảm hứng bởi gia đình, vượt qua thử thách nơi xứ người, đến những đóng góp khoa học giá trị, cô không chỉ là một nhà giáo, nhà khoa học xuất sắc mà còn là nguồn cảm hứng lớn cho thế hệ các thế hệ sinh viên tiếp theo, để các em có thể “trở thành người thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên”, có thể dễ dàng thích ứng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng”.

(Ảnh: NVCC)

Tú Chân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ts-le-thi-thanh-thuy-va-hanh-trinh-truyen-lua-khoa-hoc-tu-trai-tim-yeu-nganh-ky-thuat-tai-nguyen-nuoc-post1756312.tpo