Truyện ngắn 'Ba ngọn nến' của Anh Thư

Mẹ làm ở đài phát thanh thành phố. Thời gian gần đây, đài mở thêm một chương trình trực tiếp có tên gọi 'Ba ngọn nến'.

Sao giờ này mẹ mới về? Mẹ có biết em đang sốt không? Tại sao con gọi cho mẹ mà mẹ không nghe máy? Mẹ có biết là con đã lo lắng, đã sợ hãi như thế nào không? Tại sao…

Diệu Linh òa khóc rồi chạy vào phòng trong, nơi đứa em bé bỏng đang sốt sình sịch. Mẹ sững người, đứng lặng. Cơn mệt mỏi từ đâu kéo đến khiến mẹ chỉ chực khuỵu chân xuống bậc cửa. Nhưng rồi một cái gì níu mẹ dậy, vực mẹ dậy. Miu con đang sốt. Mẹ phải vào ngay với Miu.

***

Mẹ làm ở đài phát thanh thành phố. Thời gian gần đây, đài mở thêm một chương trình trực tiếp có tên gọi “Ba ngọn nến”. Mẹ vừa đảm nhiệm phần kịch bản, nội dung, vừa đóng vai trò MC. Đây là chương trình được đầu tư kĩ lưỡng, khung giờ phát sóng đẹp, khi mọi người đã rảnh rang công việc, có thể ngồi bên nhau nghe những câu chuyện tâm tình trước giờ đi ngủ.

Nội dung chương trình gần gũi, gắn kết mọi thành viên gần lại bên nhau, xích lại bên nhau, giữ ấm ngọn lửa yêu thương trong gia đình. Buổi phát sóng đầu tiên, chương trình đã nhận được hàng nghìn lượt truy cập trực tuyến qua mạng Internet, chưa kể thính giả nghe qua radio và qua các app trên điện thoại di động.

Mẹ nói với Diệu Linh như vậy trong lúc ba mẹ con quây quần bên mâm cơm. Linh hiểu mẹ rất hạnh phúc và cũng đầy lo toan. Hạnh phúc vì chương trình của mẹ đã bước đầu tạo dấn ấn trong lòng thính giả.

Giữa thời buổi nở rộ bao nhiêu phương tiện truyền thông, đài phát thanh bị lấn át bởi muôn vàn hình thức giải trí cập nhật thông tin khác, vậy mà một chương trình ngỡ rất bình thường giản dị như “Ba ngọn nến” lại thu hút được thính giả đến như vậy là thành công, quá mức thành công.

Tuy nhiên làm thế nào để chương trình trụ lại, đi vào nếp nghĩ, nếp nhớ của mọi người thì lại là điều phải tính đến, về lâu về dài. Mẹ tâm sự với Linh như vậy. Linh nghe, chẳng hiểu mấy nhưng cũng gật đầu và cười thật tươi để động viên mẹ.

Linh đã từng theo mẹ đến đài phát thanh, quan sát mẹ và các cô các chú lúc trong phòng thu, lúc dàn dựng chương trình. Ấn tượng của Linh, đó là công việc rất thú vị, không hề nhàm chán đơn điệu.

Linh mong ước một ngày nào đó, lớn lên, Linh cũng giống như mẹ, ngồi trước micro và cất tiếng nói khi đèn phòng thu đã bật, mọi tín hiệu được kết nối. Tiếng nói ấy sẽ truyền đến mọi nơi, đến với từng người. Và biết đâu, trong những thính giả nghe Linh nói qua radio, có bố của Linh…

Ồ, nhưng công việc của mẹ cũng rất nhiều áp lực. Mẹ bảo, mẹ chỉ là một mắt xích trong cả dây chuyền sản xuất. Một mắt xích không thể chạy được cả dây chuyền, nhưng một mắt xích lỗi nhịp thì cả dây chuyền sẽ đình trệ.

Từ ngày đảm nhiệm thêm chương trình mới, mẹ bận rộn hơn. Nhiều hôm tan học, Linh chờ đến đỏ mắt, sân trường chỉ còn loe hoe vài bạn, vậy mà mẹ vẫn chưa tới đón. Linh rân rấn nước mắt, nghĩ hay là mẹ có chuyện gì, hay là mẹ bỏ rơi chị em Linh rồi?

Đón hai chị em Linh xong, quay về nhà, mẹ vội vàng cơm nước, nhắc nhở Linh học bài, trông em, rồi tất tả quay trở lại cơ quan. Chương trình lên sóng trực tiếp lúc chín rưỡi tối. Mẹ phải có mặt ở phòng thu muộn nhất là chín giờ, xem lại kịch bản, chuẩn bị các file âm thanh và phối hợp với đạo diễn.

“Đây là giai đoạn đầu, còn nhiều khó khăn nên mẹ con mình cùng cố gắng nhé”. Mẹ vẫn động viên Linh như vậy mỗi buổi tối trước khi mẹ phải rời nhà đến phòng thu. Linh biết, mẹ lo Linh ở nhà một mình, không có mẹ sâu sát bài vở, lại còn em Miu mới hơn ba tuổi, cần người chăm bẵm.

Linh cũng động viên lại mẹ. Rằng mẹ cứ yên tâm. Mẹ đi, con sẽ khóa chặt cửa. Con sẽ tự giác học bài, vừa học bài vừa trông em được. Em rất ngoan, không quấy đòi mẹ đâu, mẹ đừng lo. Linh nói thật lòng mà sao mắt mẹ đỏ hoe. Mẹ xỏ giầy rồi vội vã bước đi. Dáng mẹ chúi về phía trước, nhọc nhằn.

Mẹ đi rồi, Linh làm đúng như lời mẹ dặn, học nốt bài và quay sang cho em uống sữa, giúp em đánh răng, mắc màn chuẩn bị cho em đi ngủ. Hai chị em nằm ôm nhau, nghe giọng nói của mẹ phát ra từ cái radio nhỏ xíu ở đầu giường. Cái radio này là món quà bố tặng mẹ dịp sinh nhật lần thứ ba mươi lăm. Mấy năm đã qua đi rồi. Cái radio tiếng vẫn ấm vẫn vang, còn bố thì chẳng mấy khi quay về thăm mẹ con Linh.

Giọng nói của mẹ qua radio rất thanh, rất ngọt. Không biết có phải giọng mẹ hấp dẫn hay kết cấu chương trình hấp dẫn mà người nghe rất nhiều, số điện thoại trực tiếp của chương trình bận liên tục. Nhiều lúc Linh thử gọi mà không được. Đầu dây bên kia, những tiếng tút ngắn cứ vang lên.

Trong ba mươi phút phát sóng, mẹ sẽ trao đổi với khách mời hoặc trò chuyện cùng thính giả về một nội dung nào đó của đời sống gia đình, lắng nghe ý kiến thính giả phản hồi, cùng bàn luận với thính giả về những tình huống cụ thể…

Những lời chúc ngủ ngon, hoặc những nhắn gửi tâm tình cũng được sẻ chia. Mẹ bảo đây là chương trình có kết cấu mở. Tính tương tác giữa người thực hiện chương trình với thính giả rất cao, có cả tương tác giữa thính giả với thính giả… Mẹ cũng động viên Linh chịu khó vất vả một thời gian nữa.

Khi chương trình ổn định, tạo được thương hiệu và thu hút được nhiều quảng cáo thì mẹ sẽ bàn giao lại công việc này cho một biên tập viên khác. Sở dĩ mẹ phải dặn Linh như vậy để Linh hiểu và thông cảm cho mẹ. Mẹ cũng đã trình bày hoàn cảnh với đạo diễn. Đạo diễn rất khó tính.

Chẳng những không đồng ý, ông còn trách mẹ chỉ biết nghĩ đến cá nhân mà không dấn thân cho công việc, hơi một tí đã chùn lòng trước khó khăn. Tuy nhiên, ông cũng hứa với mẹ về lâu dài sẽ tìm người thay thế. Còn hiện tại, chương trình mới đi vào nếp, tên của mẹ đã quen thuộc với thính giả nên không thể thay MC khác được.

***

Nét nhạc cuối cùng của chương trình dịu xuống. Miu con đã ngủ từ lúc nào. Linh nhẹ nhàng gỡ tay em ra khỏi cổ mình. Sách vở chưa soạn. Cũng chưa đánh răng, chưa mắc màn. À mà còn phải bật bình nước nóng nữa.

Xong việc ở đài phát thanh rồi, về nhà mẹ mới được tắm rửa, rồi giặt giũ phơi phóng... Thường khi về, mẹ mở cửa bằng chìa khóa riêng thật lẹ làng kẻo chị em Linh tỉnh giấc.

Miu con trở mình, nghiến răng cọt kẹt rồi kêu ú ớ. Em ngủ không ngon giấc thì phải. Mẹ đã dặn nếu em ngủ không ngon phải sờ lưng em xem có mồ hôi trộm không. Mồ hôi rịn ra thường khiến em khó chịu. Linh luồn tay vào áo em. Lưng Miu con nóng ran. Cả người em cũng nóng. Chẳng lẽ em sốt? Lúc nãy, khi mẹ đi rồi, Miu vẫn lụi hụi chơi một góc để Linh học bài cơ mà.

Miu còn động viên chị Linh học đi em cho kẹo, không học cô cho điểm kém bây giờ. Thôi đúng là em sốt rồi. Làm sao bây giờ? Linh chỉ có một mình. Nhỡ em sốt cao, co giật như hồi Linh hai tuổi? Đúng rồi, phải hạ nhiệt độ cho em.

Mẹ vẫn làm như thế khi Linh sốt. Nhưng em đang ngủ. Có nên đánh thức em dậy uống giảm sốt không? Linh đã pha thuốc rồi mà cứ băn khoăn mãi. Gọi em dậy, em sẽ khóc ngào ngào, thật chẳng dễ dỗ tí nào.

Cả thân người Miu con nóng bừng. Tay Linh run run áp miếng dán nhiệt độ lên trán em. 39 độ 5. Cứ cái đà này, nhiệt độ sẽ tăng hơn nữa thì sao?

Miu con lại trở mình, mếu máo. Không còn là mếu máo nữa, em khóc thật sự, khóc to, nước mắt rơi lã chã xuống nền gối có in hình cô mèo Kitty. Nín đi em, nín đi em, chị thương… Linh dỗ em mà lòng muốn khóc theo.

Mẹ lâu về thế? Đã mười một giờ đêm. Linh cố dỏng tai lên nhưng không nghe thấy tiếng khóa cửa lách cách. Gọi vào máy điện thoại cầm tay của mẹ, những tiếng tút dài lê thê.

Miu ơi dậy uống giảm sốt đi, chị pha rồi này. Mẹ, mẹ cơ, em muốn mẹ cơ. Miu ngoan đừng khóc nữa, chị bón thuốc cho em nhé. Linh lấy thìa, đổ một chút thuốc vào miệng Miu nhưng Miu phì ra. Thuốc giảm sốt chát chát khó uống, em lại đang dở ngủ, dở khóc, làm sao trách em được.

Có lần mẹ đã nói với Linh như vậy khi em nhè thuốc ra không chịu nuốt. Làm sao đây? Mặt Miu đỏ bừng bừng. Linh lấy miếng dán nhiệt độ. 39 độ 4, 39 độ 5, 39 độ 6. Con số dừng lại ở 39 độ 7 rồi mờ nhòa đi. Linh hốt hoảng thật sự. A phải rồi… Khi Linh sốt cao, mẹ vẫn lấy nước ấm lau người cho Linh. Bây giờ, Linh cũng sẽ làm như thế cho Miu.

...

Ổ khóa kêu lách cách. Mẹ về.

Sao giờ này mẹ mới về? Mẹ có biết em đang sốt không? Tại sao con gọi cho mẹ mà mẹ không nghe máy? Tại sao mẹ…

Linh òa khóc rồi chạy vào phòng trong với em. Chưa bao giờ Linh có thái độ như vậy với mẹ. Nhưng Linh muốn mẹ hiểu rằng mẹ không được đối xử với chị em Linh như vậy. Bố thì chẳng bao giờ trở lại. Còn mẹ, đã bao nhiêu lần mẹ đón Linh muộn rồi.

Đã bao nhiêu buổi tối mẹ về muộn rồi. Em sốt sình sịch mà mẹ vẫn về muộn. Trên người mẹ lại phảng phất mùi rượu. Mẹ đã uống rượu ư? Uống với ai cơ chứ? Uống với ông đạo diễn già khó tính đó hay với một người đàn ông nào không phải là bố Linh? Không. Linh không muốn tin vào mẹ nữa.

***

Tối nay, mẹ vẫn đi làm bình thường. Mẹ đi sau khi đã cho em Miu uống thuốc. Mẹ còn dặn Linh, đến khoảng chín, mười giờ tối, nếu em sốt lại thì cho em uống một gói giảm sốt. Mẹ sẽ về ngay hay lại lượn lờ như hôm trước? Linh nhìn mẹ, đầy nghi ngờ.

Từ ngày đảm nhiệm thêm chương trình mới, mẹ về muộn đã đành, mẹ còn có vẻ chăm chút bề ngoài nhiều hơn. Mẹ mua thêm thỏi son mới, cả nước hoa, áo và quần cũng mới. Mẹ là người dẫn chương trình ở đài phát thanh.

Người ta chỉ nghe giọng nói của mẹ, có ai nhìn thấy mẹ đâu mà cần quần áo đẹp? Điện thoại của mẹ đổ chuông nhiều hơn. Thêm những số máy lạ. Hình như mẹ vui vì điều ấy.

- Hay là mẹ ở nhà đi.

Linh buột miệng. Linh chờ xem phản ứng của mẹ thế nào.

- Mẹ xin lỗi. Nếu mẹ ở nhà sẽ lỡ hết việc. Đột ngột thế này, không ai thay mình được con ạ.

- Nhưng em đang ốm cơ mà. Nhỡ em sốt cao thì sao?

- Nếu em sốt, con hãy cho em uống giảm sốt giúp mẹ và chườm người cho em bằng nước ấm. Mẹ sẽ cố gắng về sớm. Xong việc là mẹ về luôn. Một thời gian nữa, có người mới, mẹ sẽ không phải làm tối nữa. Mẹ cũng mệt mỏi lắm rồi con ạ.

Mẹ bước vội vã, dáng đi nhọc nhằn chúi về phía trước. Linh không để ý đến giọng nói run run cố ghìm cho bình tĩnh của mẹ, chỉ thấy ngạc nhiên rồi giận mẹ. Linh giận mẹ từ hôm qua đến giờ vẫn chưa nguôi.

Sự bình tĩnh của mẹ lại càng khiến Linh thêm bực tức. Mẹ có nghĩ gì đến chị em Linh đâu! Suốt ngày chỉ chương trình với chương trình. Chương trình là cái cớ để mẹ rời khỏi nhà mà thôi.

Thuốc giảm sốt hết hiệu lực. Miu con lại mếu máo đòi mẹ. Linh dỗ mãi em mới chịu uống thêm liều giảm sốt nữa. Linh dịu dàng lau người cho em bằng nước ấm, vừa lau vừa thủ thỉ với em, rằng búp bê cũng ốm mà búp bê có khóc nhè đâu, rằng búp bê cũng xa mẹ mà búp bê có đòi mẹ đâu. Miu lặng yên nghe Linh nói, bảo sao chị Linh lại khóc nhè thế. Linh giật mình, nhận ra vị mằn mặn ở môi.

***

Chín rưỡi tối, chương trình của mẹ bắt đầu. Giọng mẹ dìu dịu “Thục Quyên xin chào các thính giả thân thiết của chương trình. Câu chuyện đêm nay…”. Linh không muốn nghe nữa, định tắt đài nhưng Miu con không chịu. Miu bảo mẹ đang nói đấy, em đang nghe mẹ nói cơ mà.

Linh thấy thương em quá. Thương em, thương mình. Và sợ nữa. Sợ những buổi tối dài mênh mang, hai chị em thui thủi bên nhau dưới ánh điện trắng bệch bạc. Sợ bốn bức tường câm nín bao quanh khoảng không gian chật hẹp. Ngày bố đi, bố ném điện thoại về phía tường, ném tờ đơn li dị về phía mẹ. Linh níu tay bố nhưng bố gạt đi.

Em Miu núp đằng sau cánh cửa, tè ướt hết quần mà chẳng dám kêu. Cánh cửa đóng đánh rầm che khuất hình dáng bố. Khoảnh khắc ấy cứa một vệt sâu trong kí ức Linh. Mỗi lần nghe tiếng cánh cửa đóng mạnh là Linh lại giật mình. Vì sao bố giận dữ như thế? Vì sao bố ra đi không một lần trở lại? Hàng xóm bảo bố có người khác. Mẹ không nói, ánh mắt buồn thăm thẳm.

Mẹ chăm chút cho hai chị em Linh. Nhưng tối nào mẹ cũng vắng nhà. Em Miu bé bỏng tối nào cũng lủi thủi một mình. Linh cố gắng học, mà sao chữ cứ bay từ chỗ nọ sang chỗ kia. Hôm nay cô giáo nghiêm nghị nhắc Linh rằng phải chú ý hơn đến bài vở, lần sau còn lơ là như thế, cô sẽ gọi điện trực tiếp cho mẹ, hoặc viết giấy mời mẹ đến gặp cô…

“Con yêu quý! Khi mẹ xa con một giờ, mẹ nhớ con một giờ. Khi mẹ xa con một ngày, mẹ nhớ con một ngày. Trong tâm trí mẹ luôn ngập tràn hình ảnh của con, nụ cười của con, giọng nói của con. Lúc nào mẹ cũng muốn được ở gần con, được chăm sóc cho con, được chơi cùng con trong niềm vui nhẹ nhàng và thanh thản”.

Giọng mẹ ngàn ngạt. Hôm nay là thứ ba, có tiết mục “Bông hồng của mẹ cha”. Trong tiết mục này, mẹ trích đọc những lá thư tâm tình của các bậc cha mẹ nhắn gửi tới các con của mình.

“Cuộc sống có bao nhiêu điều vất vả, bao nhiều điều không thể như ý. Có những điều mẹ có thể chia sẻ cùng con nhưng cũng có những điều không thể. Chỉ mong con mẹ luôn vững vàng. Khi con ra khơi, sẵn sàng với tay chèo bánh lái, vẫn luôn có một người dõi theo con...”.

Có tiếng sột soạt từ radio. Phòng thu cách âm cơ mà, sao lại lẫn tạp âm được nhỉ? Mẹ đọc vấp. Im lặng. Khoảng im lặng chừng vài giây mà sao dài đằng đẵng. Tiếng xì xì khe khẽ. Lại tạp âm ư? Giọng mẹ tiếp tục. Ngàn ngạt. Ngàn ngạt. Một giọt nước âm ấm từ đuôi mắt Linh lăn nhanh xuống gối.

Mẹ khóc đấy ư? Khóc trong phòng thu, khi chương trình đang phát trực tiếp là không được rồi, lại còn để trống sóng những mấy giây. Hãy lau khô những giọt lệ, mẹ nhé. Con sẽ thức đợi mở cửa khi mẹ trở về...

Truyện ngắn của Anh Thư

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-ba-ngon-nen-cua-anh-thu-post643580.html